Đòn thù của kẻ có – tri – thức
Thêm một nhà báo bị tấn công! Anh vào viện với ngón tay trỏ bên phải – tay thuận bị đập nát cùng một cơ thể bầm dập.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói trong buổi chia sẻ với đồng nghiệp rằng những kẻ tấn công đã cố giằng chiếc mũ ra khỏi đầu anh, may mắn cho Đỗ Doãn Hoàng là chúng không thể thành công. Khi đó, ngón tay trỏ, ngón quan trọng nhất với một người cầm bút như anh trở thành mục tiêu thứ hai.
Ngồi gần Đỗ Doãn Hoàng tại trụ sở báo Lao Động, tôi có thể cảm nhận rõ rệt nhất sự run rẩy của ngón tay đang bọc trong lớp băng trắng.
Có thể Doãn Hoàng đau một cách thông thường, nhưng cũng có thể anh run rẩy vì phải nhớ lại giây phút kịch tính. Những kẻ lạ mặt theo dõi anh suốt nhiều ngày trời, đoạn đường mà anh bị chặn đánh là đoạn đường rất ít khi anh chọn đi.
“Lời đầu tiên, duy nhất mà họ nói với tôi cho đến khi tạm biệt là Không nhầm đâu, thế rồi còn lại chỉ là những cú ra đòn” - Doãn Hoàng kể lại.
Anh nói thêm: “Kẻ đứng sau vụ này phải là một người có – tri – thức, nếu ngón trỏ là mục tiêu của đòn dằn mặt”. Điều đó có nghĩa là Đỗ Doãn Hoàng đang gián tiếp phải đối mặt với một cái đầu đầy mưu mẹo đứng sau những bàn tay thô kệch của kẻ võ biền.
Là một nhà báo sống bằng nghề điều tra, anh đã đưa không ít kẻ xấu ra vành móng ngựa, anh cùng cộng sự của mình không phải chưa bao giờ bị đe dọa.
Điều này mỗi phóng viên, nhà báo đều hiểu và chấp nhận, có thể coi đó là đặc thù của người làm công tác báo chí. Nhưng khi rơi vào tình huống sống còn như Đỗ Doãn Hoàng, chúng ta chỉ có hai cách: Bỏ chạy, hoặc đứng lại và chống đỡ bằng đôi tay trần?
“Tôi không tin mình đã an toàn, tôi cũng không tin rằng các bạn đã an toàn. Và chắc chắn chúng ta không phải những siêu nhân hay Tôn Ngộ Không” - Đỗ Doãn Hoàng tâm sự.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.
“Máu anh sẽ giây ra người tôi!”
Không ít người chứng kiến vụ việc Đỗ Doãn Hoàng bị đánh, nhưng không ai làm gì (hoặc không kịp làm gì).
Chắc chắn những người này không biết anh là nhà báo, họ chỉ đang thấy một người yếu ớt bị ba kẻ hung đồ khác tấn công không thương tiếc.
“Có thể họ sợ những tên côn đồ kia sẽ trả thù, tôi không trách họ”, Đỗ Doãn Hoàng nói.
Nhưng ngay cả khi những gã đầu gấu đã bỏ đi, cũng vẫn không một ai có ý định giúp đỡ anh. Mất kính, anh mò mẫm như một người mù tìm kiếm con đường trong tuyệt vọng.
“Một người nói: Máu anh sẽ giây ra người tôi!” - câu nói của Đỗ Doãn Hoàng khiến tất cả những phóng viên, nhà báo có mặt tại hội trường trở nên im lặng, bản thân anh cũng phải mất nhiều phút mới giữ được bình tĩnh để tiếp tục câu chuyện. Và cuối cùng, người chịu đưa anh ra đường Vành đai 3 để gọi taxi đến bệnh viện lại là một cậu bé.
Bởi giống như những người bình thường người khác, khi bị rơi vào tình cảnh tương tự đành phải chịu trận, Đỗ Doãn Hoàng không thể tìm kiếm sự cầu cứu bằng cách rút tấm thẻ ra nói: “Tôi là Nhà báo! Hãy giúp tôi!”.
Ngón tay và ngòi bút
Kết luận như thế nào phải chờ cơ quan Công an điều tra, làm rõ. Thế nhưng chắc chắn một điều rằng động cơ của những kẻ thủ ác là dằn mặt, thì chúng sẽ không thể nào đạt được mục đích.
Bởi Đỗ Doãn Hoàng vẫn sẽ viết theo cách của anh, những phóng viên, nhà báo trên khắp cả nước vẫn sẽ viết.
“Mình là nhà báo, mình đang góp sức cho một xã hội trong sạch hơn, chuyển tải thông tin, đường lối của Đảng, Chính phủ, đồng thời nói lên tiếng nói của nhân dân. Vậy nên Hoàng không phải quá lo lắng, em không cô độc”, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nói như vậy với không chỉ riêng Đỗ Doãn Hoàng.
Đỗ Doãn Hoàng không cô độc, nhìn cách mà những người làm báo đang tự bảo vệ cho nhau, họ cũng không cô độc.
Kẻ thủ ác có thể đánh vỡ ngón tay cầm bút của anh, nhưng còn hàng vạn ngón tay khác. Miếng đòn thù có lẽ đã làm đau anh nhưng lại hâm nóng nhiệt huyết cho hàng vạn người.
Ngón trỏ của Đỗ Doãn Hoàng bị thương nặng, nhưng ngòi bút của hàng vạn người làm báo chân chính sẽ không bao giờ bị bẻ cong.
Nhật Khôi
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả