Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp, còn nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người thương vong.
Hơn 4.000 chết vì tai nạn giao thông
"Để xảy ra nhiều sự việc trên nhưng Thủ tướng Chính phủ chưa nhận được báo cáo về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu tại các địa phương, đặc biệt là trách nhiệm đối với việc xử lý lối đi tự mở qua đường sắt. Vừa qua mới thấy Bộ Giao thông Vận tải xử lý trách nhiệm đối với các tập thể cá nhân liên quan đến các tai nạn đường sắt" - Phó Thủ tướng bày tỏ.
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra gần 9.000 vụ TNGT, làm chết 4.103 người, bị thương 7.027 người. So với 6 tháng đầu năm 2017, số vụ TNGT giảm 594 vụ (giảm hơn 6%), số người chết giảm 31 người (giảm 0,75%), số người bị thương giảm 908 người (giảm 11%).
Trong đó, đường bộ xảy ra 8.889 vụ, làm chết 4.027 người, bị thương 6.997 người. Đường sắt xảy ra 62 vụ, làm chết 53 người, bị thương 28 người. Đường thủy nội địa xảy ra 40 vụ, làm 24 người thương vong.
Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá tình hình TNGT diễn biến phức tạp, mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu, số người chết do TNGT chỉ giảm 0,75%.
Ngoài ra, trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải đã xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là các vụ TNGT đường sắt liên tiếp trong những ngày cuối tháng 5 đã gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.
Số tỉnh thành có số vụ TNGT tăng gồm 26 địa phương, trong đó 10 tỉnh tăng trên 20% là Quảng Nam, Kiên Giang, Điện Biên, Hậu Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh.
Phụ thuộc vào quyết tâm là chính!
Những địa phương này để xảy ra TNGT nhưng lại chưa hề kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu như Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhắc nhở.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, mặc dù đã ban hành rất nhiều nghị quyết, chỉ thị về bảo đảm trật tự ATGT nhưng đến nay vẫn chưa ra được các quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ.
"Việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT hiện vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo. Nơi nào lãnh đạo địa phương quyết liệt thì chuyển biến; nơi nào chưa quan tâm thì dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước cũng như tuần tra, kiểm soát vi phạm trật tự, ATGT" - ông Hùng lo ngại.
Một trong những giải pháp được Ủy ban ATGT quốc gia đưa ra là Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai kế hoạch Năm ATGT 2018 tại địa phương, đồng thời tham mưu để UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác phối hợp bảo đảm trật tự ATGT, quản lý hành lang ATGT trên địa bàn phụ trách.
Trong rất nhiều hội nghị do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức trước đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình luôn nhấn mạnh để kéo giảm TNGT, phải quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, gắn cho được trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong công tác này.
Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT quý I diễn ra ngày 16-3-2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng với mong muốn kéo giảm số vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, phải luật hóa trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi để xảy ra TNGT nhiều và nghiêm trọng.