Thông tin từ báo Tiền Phong, bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp nhận bệnh nhân Hà M. A vào khoảng 1h30 sáng 17/1. Hà M. A, 34 tuổi, ngụ tại xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy nhưng tới làm ăn buôn bán tại xã Đăk Nên, huyện Kon Plông.
Khuya ngày 16/1, A đã dùng dây treo cổ trong căn phòng bếp phía sau quán bán hàng tạp hóa của gia đình tại xã Đăk Nên. Điều đáng nói là A đã dùng điện thoại livestream cảnh tự tự trên trang Facebook cá nhân. Facebook chiếu rõ cảnh A đạp đổ ghế, quay vòng rồi giãy giụa khiến hàng trăm người vào xem, nhốn nháo bình luận.
Tình cờ, chị Lê Th.Tr (em gái vợ A) xem được clip, liền điện thoại cho hàng xóm đến ứng cứu A và đưa A đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Kon Tum. Hiện bệnh nhân đang được cấp cứu tại Khoa hồi sức cấp cứu.
Chia sẻ với báo Nông nghiệp, chị Lê Th Nh, 30 tuổi (vợ của A) cho biết, ngày 16/1, trong lúc chị về xã Đăk Ruồng để thăm các con, A nhiều lần nhắn tin chửi bới và dặn chị ở lại với các con, việc buôn bán ở xã Đăk Nên để A tự lo. Thấy bất an, chị Nh đã thuê xe taxi đi vào xã Đăk Nên, gần đến nơi thì biết tin vụ việc, nên lập tức cùng mọi người đưa A đi cấp cứu.
Vợ chồng Hà M. A hiện có 3 người con (2 trai, một gái, cháu trai đầu 8 tuổi và cháu nhỏ nhất 2 tuổi). Chị Nh cũng cho hay, có thể do A nợ nần cờ bạc với số tiền lớn nên đã nghĩ quẩn, tìm đến cái chết.
Hành động tự tử và livestream đã xảy ra không ít trên thế giới, đáng báo động đến mức Facebook phải giới thiệu tính năng cho phép người dùng liên hệ với các đơn vị chức năng nếu như phát hiện ra những dấu hiệu bất thường. Các tổ chức này bao gồm dịch vụ tư vấn tâm lý qua tin nhắn, đường dây nóng trợ giúp hay những gợi ý để họ vượt qua tình cảnh khó khăn hiện tại.
Tính năng này được giới thiệu ngày 1/3/2017, tuy nhiên thời gian đầu mới chỉ hoạt động tại Mỹ, Dân trí đưa tin.
Baotintuc.vn dẫn lời TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trưởng bộ môn Tâm lý học ứng dụng, đại học Sư phạm TP.HCM cho biết, hành động đốt trường, tự thiêu, nhảy sông… để câu like là một minh chứng rõ nét cho trào lưu “sống ảo” của một bộ phận bạn trẻ ngày nay.
Nói về việc sống ảo và hệ lụy của sống ảo, Thạc sỹ tâm lý Tô Nhi A, trường CĐ Sư phạm Trung ương TP Hồ Chí Minh cho biết, những trào lưu, hành động tiêu cực trên mạng là do các bạn thiếu sự định hướng, quan tâm từ gia đình hoặc không tiếp cận được giá trị sống tích cực, sống đẹp.
Theo Người Đưa Tin