Căn cứ vào số mũi vaccine được công bố, trung bình cứ 4 ngày người đàn ông này lại tiêm một mũi. Các nhà nghiên cứu cũng đã tận dụng trường hợp này để theo dõi cách vận hành của hệ miễn dịch khi nó được tiêm vaccine chống lại cùng một mầm bệnh nhiều lần.
Một bài viết được công bố hôm thứ Hai trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet đã phác thảo trường hợp của người đàn ông này và kết luận rằng mặc dù việc “tăng cường tiêm chủng” không gây ra bất kỳ ảnh hưởng xấu nào đến sức khỏe nhưng nó cũng không cải thiện hoặc làm xấu đi đáng kể phản ứng miễn dịch của ông này.
Cụ thể, người đàn ông này cho biết đã nhận được 217 mũi vaccine từ tháng 6 năm 2021 đến tháng 11 năm 2023. Trong số đó, 134 mũi đã được công tố viên xác nhận và thông qua tài liệu của trung tâm tiêm chủng, trong khi 83 mũi còn lại chưa được xác nhận.
Tiến sĩ Emily Happy Miller từ Đại học Y Albert Einstein cho biết: “Đây là một trường hợp thực sự bất thường khi một người tiêm nhiều mũi vaccine, rõ ràng là không tuân theo bất kỳ loại hướng dẫn nào”.
Người đàn ông này không báo cáo bất kỳ tác dụng phụ nào liên quan đến vaccine và cho đến nay vẫn chưa bị nhiễm COVID-19, bằng chứng là các kết quả xét nghiệm kháng nguyên và PCR nhiều lần trong khoảng thời gian từ tháng 5 năm 2022 đến tháng 11 năm 2023.
“Có lẽ ông ấy không mắc COVID-19 vì đã được bảo vệ tốt trong 3 liều tiêm đầu tiên", tiến sĩ Miller chỉ ra.
Theo lịch sử tiêm chủng, người đàn ông này đã tiêm mũi vaccine đầu tiên vào tháng 6 năm 2021. Sau đó ông tiêm 16 mũi vào năm đó tại các trung tâm trên khắp bang Saxony.
Sang tới năm 2022, người này tiêm hàng loạt mũi tăng cường ở cả tay phải và tay trái hầu như mỗi ngày trong tháng 1, với tổng số 48 mũi tiêm trong tháng đó.
Sau đó, ông lại tiếp tục tiêm 34 mũi vào tháng 2 và 6 mũi nữa nữa vào tháng 3. Vào khoảng thời gian này, các nhân viên của Hội Chữ thập đỏ Đức ở thành phố Dresden đã nghi ngờ và đưa ra cảnh báo đến các trung tâm tiêm chủng khác, khuyến khích họ gọi cảnh sát nếu gặp lại người đàn ông này.
Đầu tháng 3, người này có mặt tại một trung tâm tiêm chủng ở thị trấn Eilenburg và bị cảnh sát bắt giữ. Theo truyền thông địa phương, người đàn ông này bị nghi ngờ bán thẻ tiêm chủng cho bên thứ ba. Đây là thời điểm mà nhiều quốc gia châu Âu yêu cầu thẻ tiêm chủng để tiếp cận các địa điểm công cộng và đi du lịch.
Công tố viên ở Magdeburg đã mở một cuộc điều tra về người đàn ông này vì tội cấp thẻ tiêm chủng trái phép và giả mạo tài liệu nhưng cuối cùng không đưa ra cáo buộc hình sự.
Các nhà nghiên cứu đã nghe tin về người đàn ông này và liên hệ để gặp vào tháng 5 năm 2022. Tính đến thời điểm này, ông ta đã tiêm 213 mũi vaccine.
Người này sau đó đồng ý cung cấp thông tin y tế, mẫu máu và nước bọt. Sau đó, người này lại tiếp tục tiêm thêm 4 mũi vaccine, trái với lời khuyên y tế của các nhà nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích thành phần hóa học trong máu của người đàn ông và nhận thấy không có bất thường nào liên quan đến việc tiêm chủng quá mức.
Được biết, có hai loại tế bào chính trong hệ thống miễn dịch thích ứng là tế bào T và tế bào B.
Tiến sĩ Kilian Schober từ Đại học Friedrich-Alexander Erlangen-Nürnberg, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong các bệnh mãn tính, chẳng hạn như HIV và viêm gan B, các tế bào miễn dịch có thể trở nên mệt mỏi do tiếp xúc thường xuyên với mầm bệnh và mất khả năng chống lại nó một cách hiệu quả. Về lý thuyết, việc tăng cường tiêm chủng có thể có tác động tương tự.
Tuy nhiên, đó không phải là những gì các nhà nghiên cứu tìm thấy. Theo đó, việc tăng cường tiêm chủng trong trường hợp này đã làm tăng số lượng (số lượng tế bào T và các sản phẩm của tế bào B) nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng của hệ thống miễn dịch thích nghi.
“Nếu bạn liên tưởng về hệ thống miễn dịch như một đội quân, thì số lượng binh sĩ sẽ cao hơn, nhưng bản thân những người lính này cũng không khác", ông
Tổng cộng, người đàn ông này đã đưa vào người 8 loại vaccine mang công nghệ khác nhau, bao gồm vaccine mRNA của Pfizer/BioNTech và Moderna, vaccine của Johnson & Johnson và vaccine protein tái tổ hợp của Sanofi.