Mới đây, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (64 tuổi, ngụ tại Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) cho biết cách đây 42 năm, bà Hạnh chuyển dạ và sinh con tại nhà hộ sinh quận Ba Đình. Sau khi sinh vì thiếu sữa nên nửa ngày sau bà mới được bế con.
Tuy nhiên, nữ y tá tại đây đã trao cho bà đứa trẻ số 32 (trong khi bà Hạnh mang số 33). Biết y tá đã trao nhầm con, bà Hạnh nói ngay nhưng được y tá giải thích là lúc tắm số 33 bị mờ nên nhìn thành 32.
Chị Thu Trang và chị gái của mình đang xem lại các giấy tờ
Linh cảm người mẹ mách bảo, bà Hạnh nhờ các y bác sĩ của nhà hộ sinh quận Ba Đình tìm lại đứa trẻ số 33, nhưng không ai tìm được. Bà Hạnh bế con về, yêu thương chăm sóc đứa con bị nhầm ấy như con ruột của chính mình, dù trái tim của bà vẫn không ngừng gọi thầm tên đứa con bị thất lạc. Thậm chí nhiều người ác miệng còn nói bà có con ngoài luồng.
Bị nhiều điều tiếng và lương tâm luôn day dứt nhưng bà Mai Hạnh vẫn âm thầm giấu sự việc suốt 42 năm. Chỉ đến khi bà cảm thấy mình đã cao tuổi và chị Tạ Thị Thu Trang (SN 10/10/1974, con gái bị trao nhầm của bà) cũng cần được tìm về cội nguồn, bà đã quyết định nói ra tất cả sự thật và chia sẻ rộng rãi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để nối thêm những cánh tay cho hành trình tìm con.
Khó xử lý về mặt pháp luật
Về mặt khách quan, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn luật sư TP. Hà Nội) chia sẻ rằng, vụ việc xảy ra vào thời điểm năm 1974 khi cả nước đang trong thời kỳ chiến tranh chuẩn bị giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Trong điều kiện hoàn cảnh xã hội cũng như pháp luật Việt Nam thời kỳ đó còn rất nhiều khó khăn và chưa hoàn thiện.
Việc trao nhầm cháu bé đã xảy ra cách đây đã 42 năm tại Nhà hộ sinh quận Ba Đình, đến nay trải qua các giai đoạn lịch sử nên việc lưu giữ các hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc là khó có thể còn. Nhiều cán bộ y tế trực tiếp làm và có liên quan có thể đã già yếu, chết.. Mặt khác, hồ sơ cán bộ thời điểm đó có thể không còn lưu giữ,…
Trường hợp nếu có xác định được cán bộ trao nhầm cháu bé thời điểm đó cũng khó xử lý vì cơ chế giải quyết theo Pháp luật lúc đó là không có quy định xử lý. Rất khó để hồi tố giải quyết vụ việc cách đây đã 42 năm.
Nếu vụ việc xảy ra trong thời điểm hiện nay thì sẽ có nhiều cơ chế giải quyết và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong trường hợp trao nhầm con thì tùy theo tính chất, mức độ, động cơ, mục đích, hành vi vi phạm mà người trực tiếp để xảy ra việc trao nhầm lẫn trẻ sơ sinh sẽ bị xem xét để xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Nếu cơ quan điều tra xác định hành vi đó được thực hiện với lỗi cố ý thì sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự về Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 120 BLHS 1999 với khung hình phạt thấp nhất từ 3-10 năm tù và cao nhất từ 10 – 20 năm hoặc tù chung thân.
Nếu hành vi trao nhầm con do Cán bộ chăm sóc y tế được thực hiện do lỗi vô ý thì tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật và Cơ sở y tế phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Về chủ quan, theo luật sư, trình độ chuyên môn và công tác quản lý của các Bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế những thập niên 70 thế kỷ XX là rất hạn chế. Sự việc xảy ra, có thể do lỗi vô ý của một cá nhân do chủ quan.
Quan trọng phải xác định được cán bộ trực tiếp xảy ra vụ việc để làm căn cứ làm rõ việc trao nhầm cháu bé. Nếu không xác định được cán bộ đó thì cũng khó có căn cứ xác định trách nhiệm của Nhà hộ sinh Ba Đình cũng như bản chất sự việc này để giải quyết.
“Đây là vụ việc hy hữu xảy ra trong xã hội Việt Nam từ trước đến nay. Dù không phải là mẹ sinh ra nhưng trên thực tế đã phát sinh mối quan hệ cha mẹ và con cái được pháp luật công nhận bảo hộ. Nếu gia đình có mong muốn tìm ra sự thật thì có nhiều giải pháp để thực hiện ý nguyện của mình hơn là để quy trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức đã để xảy ra sự việc cách đây 42 năm.
Hiện nay khi mà các phương tiện truyền thông đã rất phát triển thì việc tìm ra sự thật sẽ có nhiều thuận lợi. Chúng ta có thể thông qua các phương tiện truyền thông như mạng xã hội, truyền hình thực tế, các chương trình phát thanh… đây là những kênh thông tin rất hiệu quả. Ví dụ như chương trình truyền hình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV”, luật sư Nguyễn Anh Thơm đưa ra quan điểm.
Hồi chuông cảnh báo
Cũng theo luật sư Thơm, đây là câu chuyện để cho chúng ta rất nhiều cảm xúc không chỉ là những người trong cuộc. Dù là bị nhận nhầm con và dưới sự gièm pha của dư luận xã hội, nhưng bà Nguyễn Mai Hạnh vẫn hết mực yêu thương người con gái bị trao nhầm như con đẻ của mình sinh ra. Công sức chăm lo cho con từ khi sinh ra đến khi khôn lớn mới là điều quan trọng nhất.
Qua vụ việc này cũng là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý trong lĩnh vực liên quan đến sinh sản tại các cơ sở chăm sóc y tế. Chúng ta phải hết sức thận trọng, thực hiện đúng quy trình quản lý chăm sóc các cháu bé khi sinh ra.
Chỉ cần chủ quan, sơ ý từ cái nhỏ nhất trong nghiệp vụ thì hậu quả xảy ra sẽ khôn lường và ảnh hưởng cả cuộc đời gia đình sản phụ.
“Hiện tại nếu bố mẹ mà có nghi ngờ rằng y tá đánh tráo con thì có thể đến các cơ sở y tế giám định ADN xác định. Nếu có trường hợp trao nhầm thì có thể giải quyết kịp thời nhanh chóng tìm lại, tránh những trường hợp đau lòng xảy ra như trên.
Ngoài ra, nếu phát hiện có dấu hiệu cán bộ chăm sóc đánh tráo trẻ sơ thì có thể làm đơn tố cáo lên cơ quan Công an xử lý và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”, luật sư Thơm nói.
Nguyễn Huệ