Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Góp ý Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia”, do Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam, phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, tổ chức sáng 11/11, tại Hà Nội.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, chỉ trong năm năm (2011-2015), tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam giới (độ tuổi 24-64 tuổi) đã tăng từ 69,6% lên 80,3%; ở nữ giới tăng từ 5,6% lên 11,2%.
Từ năm 2005-2010, mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người ở Việt Nam từ 15 tuổi trở lên tăng gấp đôi (từ 3,8 lít/người lên 6,6 lít/người). Việt Nam trở thành quốc gia có mức tiêu thụ bia đứng đầu các nước ASEAN và xếp thứ ba châu Á.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, gánh nặng bệnh tật toàn cầu, rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ năm trong tổng số 15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam. Sử dụng rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ rối loạn trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình tại Việt Nam. Trẻ em Việt Nam cũng đang là nạn nhân trong việc lạm dụng rượu bia của người lớn như bị xúc phạm, nhục mạ, mắng chửi, bị bỏ mặc, phải chứng kiến bạo lực nghiêm trọng trong gia đình…
Ngoài ra, chi phí kinh tế trực tiếp cho điều trị sáu loại bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam trong đó có năm bệnh liên quan đến sử dụng rượu bia (ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, ung thư vú) lên tới hơn 25.000 tỷ đồng, chiếm 0,22% tổng GDP năm 2012.
Để kịp thời ngăn chặn “nạn dịch” rượu bia và những hệ lụy của nó tới đời sống kinh tế-xã hội và các thế hệ sau, các đại biểu đã kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh lộ trình xây dựng Luật Phòng, chống tác hại rượu bia.
Đề nghị Quốc hội sớm đưa Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia vào chương trình nghị sự xây dựng luật năm 2017 của Quốc hội. Cùng với đó là nghiên cứu và xem xét việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá và rượu bia…
Theo Pháp Luật TP.HCM