Theo kênh thời tiết The Weather Network, các nhà khoa học đã phát hiện hơn 30 loại virus trong một tảng băng ở Trung Á và những loại virus này hoàn toàn mới lạ so với khoa học hiện đại. Đây là kết quả lấy từ nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học quốc tế khi họ tới tảng băng Guliya (cao nguyên Tây Tạng, Tây Nam Trung Quốc) tìm hiểu virus cổ xưa.
Năm 2015, nhóm khoa học này đã khoan sâu 50 m xuống tảng băng có độ tuổi trên 15.000 năm này và lấy mẫu hai lõi băng để nghiên cứu xem có những vi khuẩn nào tồn tại trong khí quyển và phản ánh điều kiện khí hậu, môi trường trong thời kỳ đó.
Kết quả cho thấy ẩn chứa trong hai lõi băng là 33 loại virus khác nhau. Trong số đó, chỉ có 4 loại virus được xác định theo hệ thống phân loại virus chuẩn của thế giới. Điều đó có nghĩa là các loại virus còn lại hoàn toàn mới mẻ đối với khoa học hiện đại.
Kết quả phân tích cũng cho thấy những loại virus này có thể hoạt động tốt trong băng. Nhiều vi khuẩn được tìm thấy trong hai mẫu là vi khuẩn ưa lạnh, đồng nghĩa với việc chúng phát triển và sinh sôi ở nhiệt độ thấp, trong khoảng từ −20°C đến 10°C. Theo các nhà khoa học, băng chỉ đóng vai trò như một chủ thể lưu trữ tạm thời và một ngày nào đó vi khuẩn có thể hồi sinh và xuất hiện trong hệ sinh thái nếu băng tan chảy trong tương lai.
Nghiên cứu cảnh báo tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến băng tan nhanh chóng. Điều này có thể giải phóng các loại virus và vi khuẩn lạ bị mắc kẹt trong giá lạnh hàng chục đến hàng trăm nghìn năm trước ra môi trường hiện tại, dẫn tới kịch bản tồi tệ nhất đối với con người.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh virus Corona chủng mới (2019-nCoV) có nguồn gốc từ Vũ Hán (Trung Quốc) đang diễn biến nguy hiểm và lây lan với tốc độ chóng mặt trên khắp thế giới. Hiện đã có 11.943 người trên toàn cầu bị lây nhiễm trong chỉ hai tháng vừa qua, khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải tuyên bố sự bùng phát dịch bệnh này là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Số người tử vong tại Trung Quốc tính đến sáng 1/2 là 259.