Toàn cảnh phiên xét xử chiều 18/5. |
Chiều 18/5, TAND TP.Hòa Bình tiếp tục phiên xét xử vụ án chạy thận làm 8 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Nguyên Giám đốc bệnh viện đang ở đâu?
Trong phiên làm việc buổi chiều, bên cạnh những diễn biến kịch tính trong phần xét hỏi của HĐXX, đại diện VKS cũng như các luật sư, nhiều người dự khán cũng băn khoăn với câu hỏi ông Trương Quý Dương – Nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, người lãnh đạo cao nhất của bệnh viện tại thời điểm xảy ra sự cố, đang ở đâu?
Cả ngày hôm qua 17/5, người đại diện theo ủy quyền của ông Trương Quý Dương cũng đã không đến dự toà. Ngày hôm nay, luật sư Đỗ Quốc Quyền, người đại diện theo ủy quyền của ông Trương Quý Dương cũng không trình diện.
Trong phần tham gia xét hỏi, luật sư Nguyễn Văn Chiến - người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, xin toà được xét hỏi ông Đinh Tiến Công -Trưởng khoa hồi sức tích cực nhưng ông Công vắng mặt.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến - người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương tỏ ra "bức xúc" khi nhiều nhân chứng liên quan đến vụ án vắng mặt. |
Luật sư Chiến đề nghị HĐXX công bố đơn xin xét xử vắng mặt của ông Công. Ông Chiến lập luận: "Đây là những nhân chứng rất quan trọng trong vụ án, nếu như họ không đến thì chúng tôi không biết hỏi ai vì không có người, không thể tiếp tục xét xử. Đề nghị HĐXX cho chúng tôi sao chụp một số tài liệu liên quan đến vụ việc. HĐXX có thể trình đơn xin vắng mặt của ông Đinh Tiến Công. Nếu có văn bản này phải trình tại tòa".
Trước yêu cầu luật sư, 3 phút sau, HĐXX nêu lý do ông Công không có mặt tại tòa là "do sức khỏe tinh thần không thể tham gia vụ án".
Trước sự vắng mặt bất thường cùng lúc của nhiều người, luật sư Nguyễn Chiến đã yêu cầu được xét hỏi đối với ông Hoàng Đình Khiếu - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, người phụ trách lĩnh vực thiết bị vật tư. HĐXX cho biết ông Khiếu có đơn xin vắng mặt và đã được HĐXX cho phép. Không biết hỏi thêm ai, luật sư Chiến tỏ rõ sự thất vọng.
2 bác sĩ đồng nghiệp nói gì về bị cáo Hoàng Công Lương?
HĐXX công bố lời khai của bác sĩ Phạm Thị Huyền. Bác sĩ Huyền có nhiệm vụ chính là thăm khám bệnh cho bệnh nhân, sau khi thăm khám xong thì xin ý kiến của bác sĩ Lương cho y lệnh lọc máu với từng người. Trong quá tình thăm khám, các điều dưỡng chuẩn bị máy móc và hệ thống, khi các điều kiện đảm bảo thì đưa vào kết nối.
Một bút lục khác cho thấy bác sĩ Huyền khai, bác sĩ Lương phân công chị làm ở buồng số 3, bác sĩ Linh ở buồng 2. Bác sĩ Lương trực tiếp làm ở buồng 1. Sau đó bác sĩ Huyền sang buồng 3 lọc máu cho các bệnh nhân trong tình trạng bình thường.
Ở một bút lục khác, đồng nghiệp của ông Lương khai, bác sĩ Lương là người có kinh ngiệm trong đơn nguyên thận nhân tạo và được Trưởng khoa (tên Khiếu), Phó khoa (tên Tình) phân công phụ trách điều trị. Khi bác sĩ Lương ra y lệnh thì các bác sĩ khác phải thực hiện.
Bác sĩ Lương là người được giao nhiệm vụ quản lý chung tại đơn nguyên thận nhân tạo, trong đó phụ trách về chuyên môn và phụ trách trực tiếp hai bác sĩ là bác sĩ Hằng và Linh. Bác sĩ Lương là người ra y lệnh cuối cùng của mỗi ca chạy thận nhân tạo.
Ngoài ra, một số bản tự khai của bác sĩ Huyền cũng cho thấy bác sĩ Lương là người được giao phụ trách khu chạy thận nhân tạo. Lời khai của bác sĩ Nguyễn Mạnh Ninh đề cập nhiều về quy trình chạy thận, thăm khám bệnh...
Trong đó, có một số bút lục bác sĩ Ninh khai: "Sáng 29/5/2017, bác sĩ Lương là người phụ trách chung, phân công tôi vào buồng số 2 và Huyền vào buồng 3. Sau khi tiến hành thăm khám bệnh xong, chúng tôi có báo cáo với bác sĩ Lương về tình hình bệnh nhân và được bác sĩ ra y lệnh lọc máu cho các bệnh nhân tại buồng số 2".
Nhiều lời khai của bác sĩ Ninh liên quan đến phần nội dung này cũng tương tự bác sĩ Huyền. Sau khi công bố 2 lời khai của các đồng nghiệp, HĐXX hỏi ý kiến bác sĩ Hoàng Công Lương. Bị cáo quả quyết, những của bác sĩ Huyền và Ninh không đúng. Phiên toà tạm dừng và sẽ tiếp tục nội dung xét hỏi vào thứ Hai tuần tới.
Theo Dân Trí