Ngày 8/9/2016, Nguyễn Quang Thạch đã có mặt tại trụ sở chính của UNESCO tại Paris, Pháp để nhận giải, Ngày Nay xin đăng lại toàn bộ bài phát biểu của anh trong buổi lễ này.
Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO
Thưa các quý ông, quý bà, thưa các vị khách quý,
Malala Yousafzai, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Pakistan, người đã được trao giải Nobel năm 2014, từng nói: “Cách chiến đấu tốt nhất để chống lại chủ nghĩa khủng bố không phải là bằng súng ống. Mà là bằng những cây bút, những cuốn sách, những giáo viên và trường học.”
Ngay tại đây, tại Paris, nơi mà Tự do, Bình đẳng và Bác ái được coi là giá trị quốc gia và ánh sáng của tri thức đã tồn tại và phổ biến hàng trăm năm nay, tuyên bố của Malala đã chứng minh rằng ý tưởng xóa mù chữ do UNESCO đưa ra 50 năm trước là một ý tưởng tuyệt vời và chúng ta còn nợ rất nhiều những con người đang cống hiến không ngừng nghỉ cho điều đó. Tôi xin chân thành cảm ơn UNESCO vì điều đó và vì đã cho tôi cơ hội được có mặt ở đây.
Tình trạng thiếu sách tại các khu vực nông thôn Việt Nam đã tồn tại nhiều thập kỉ và là một vấn đề nghiêm trọng cần được nhanh chóng giải quyết. Tỉ lệ đọc sách của trẻ em vùng nông thôn thấp hơn 20-30 lần so với trẻ em ở thành thị. Năm ngoái, trong chuyến đi bộ xuyên quốc gia để vận động chính sách cho Tủ sách phụ huynh cho lớp học và để kêu gọi sự quan tâm đến việc đưa sách tới các vùng nông thôn, một học sinh lớp 6 ở một xã không quá nghèo đã níu lấy tôi và tha thiết nói: “Chú cho cháu một cuốn sách được không chú? Cháu thích sách lắm nhưng cháu không có tiền…”. Ánh mắt và khát vọng của em ấy đã luôn ở trong tâm trí tôi và đó có thể đại diện cho hàng triệu những đứa trẻ khác ở Việt Nam.
9 năm kể từ khi Chương trình sách hóa nông thôn được thực hiện, quan niệm của xã hội Việt Nam về vai trò của sách đã thay đổi rất nhiều. Hơn 100 nghìn thành viên đã góp phần lập nên 10 nghìn thư viện trong các lớp học, dòng họ và giáo xứ… Điều này đã giúp cho nửa triệu người dân vùng nông thôn được hưởng lợi từ việc đọc sách, nghe đọc sách và giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).
Chính sách vận động để nhân rộng mô hình Tủ sách Phụ huynh cho lớp học và thành lập các Câu lạc bộ STEM đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức đưa vào hệ thống giáo dục Việt Nam. Tôi có niềm tin lớn vào thành công của hệ thống Thư viện Phụ huynh Đóng góp, một sức mạnh tổng hợp từ những giáo viên, phụ huynh và tất cả mọi người trong xã hội vì một nền giáo dục cho con trẻ. Cùng với các hình mẫu thư viện khác, hình mẫu này sẽ giúp cho 15 triệu trẻ em Việt Nam được đọc và nghe đọc sách, và hi vọng là trong những năm tới thì đó sẽ là sự nghiệp học hành cả đời của 50 triệu người trưởng thành.
Nhân dịp này, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng được mang sách đến với các nước đang phát triển. Tôi rất vui được dùng 19 năm kinh nghiệm và một phần quỹ từ giải thưởng này để khởi động một hệ thống thư viện chi phí thấp cho toàn dân tại Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, các quốc gia Châu Phi, …
Thưa các quý ông, quý bà, Tôi muốn chia sẻ điều này với các vị: Chúng ta có thể mở đường cho một thế giới dân chủ, hòa bình, nhân đạo và tân tiến bằng cách củng cố Quyền được Đọc cho trẻ em toàn thế giới và tôi được ủy nhiệm với vai trò là người kiên trì bám sát quá trình với từng bước chân, trái tim và trí óc của mình.
Xin chân thành cảm ơn.
Trả lời phỏng vấn của Ngày Nay ngay sau Lễ nhận giải, anh Nguyễn Quang Thạch cho biết: Khi phát biểu trước đại diện nhiều quốc gia trên thế giới, tôi rất xúc động bởi nhận thức đúng của hàng trăm ngàn người Việt Nam gồm nông dân, giáo viên, doanh nhân, nhà báo… cũng như nhưng cán bộ quản lý biết trách nhiệm của mình đối với sự phát triển chung của xã hội từ ngành giáo dục, văn hóa…đã được UNESCO công nhận.
Điều này minh chứng rằng nếu những người Việt nỗ lực hành động tham gia vào tiến trình hiện thực hóa các giá trị phổ quát của nhân loại thì chúng ta không những mang lại lợi ích cho xã hội của mình mà còn góp phần vào xây dựng một thế giới nhân văn và sáng tạo.
Qua giải thường dành cho hàng trăm ngàn người Việt Nam đã tham gia Chương trình Sách hóa Nông thôn mà tôi đại diện, chúng ta có đủ tư cách để nói rằng người Việt có đủ năng lực góp phần thúc đẩy hệ thống thư viện dân sự giá thấp cho các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc, các nước Phi Châu. CHúng ta hãy xem tất cả trẻ em trên thế giới đều cần được hưởng cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng qua sách vở và chúng ta hãy hành động vì nhân loại của mình.
Thanh Sơn thực hiện