Gần đây, thông tin nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (báo Lao Động) bị hành hung dã man vào sáng 23/3 tại khu vực chung cư Kim Lũ (phía sau Đại học Thăng Long, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) trên đường đi tác nghiệp khiến dư luận vô cùng bàng hoàng.
Theo đó, nhà báo đã bị nhiều người lạ mặt dùng gậy tấn công, đánh tới tấp khiến anh không thể chống cự, phải nhập viện với nhiều vết thương nặng và ngón tay bị dập nát.
Sau khi xảy ra sự việc, nhà báo đã đến Công an phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội trình báo sự việc. Cơ quan công an đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, lấy lời khai nhân chứng để điều tra truy tìm các đối tượng gây án.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng phải nhập viện với nhiều vết thương nặng và ngón tay bị dập nát.
Liên quan đến vụ việc, vào 14h ngày 25/3, Ban biên tập báo Lao Động đã có buổi họp mặt báo chí. Tại buổi họp báo, ông Trần Duy Phương, Tổng biên tập báo Lao Động đã thông tin về sức khỏe của anh Hoàng, hôm nay, anh Hoàng bắt đầu cảm thấy đau hơn những ngày vừa qua, có thể do thuốc tê bắt đầu hết tác dụng.
Ông Phương cũng cho hay, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng ở trong nhóm phóng viên điều tra và đến thời điểm hiện tại, anh Hoàng đang có đến 3 đề tài điều tra. Tuy nhiên, anh Hoàng bị đánh là do vụ nào thì không thể suy đoán.
Ông Nguyễn Đăng Hiển, Phó Tổng biên tập báo Lao Động cho biết, các đối tượng đã cố tình giật mũ của anh Hoàng ra khỏi đầu, dùng nhiều vật khác nhau đề gây tổn thương trên thân thể anh, theo phán đoán, có ít nhất là 3 loại vật cứng. Hành vi này vượt trêncả mục đích dằn mặt. Nhận thấy sự nghiêm trọng của sự việc, lãnh đạo báo đã làm việc với Công an phường để tăng cường bảo vệ khu vực nhà riêng của anh Hoàng.
Trao đổi với PV trước thông tin nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung, luật sư Giang Văn Quyết, Giám đốc Công ty luật TNHH Tôi Yêu Luật, đoàn luật sư TP.Hà Nội nhận định: “Vụ việc có dấu hiệu của hành vi Cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Mặc dù tỉ lệ thương tật của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng có thể chưa đến 11%, tuy nhiên Cơ quan CSĐT vẫn có thể khởi tố vụ án bởi lẽ việc tấn công nhà báo do có dấu hiệu cho thấy nhóm người này sử dụng hung khí hiểm (gậy gộc), phạm tội có tổ chức hoặc là được người thuê mướn phạm tội.
Đối với những trường hợp trên thì việc khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích không phụ thuộc vào tỷ lệ thương tật nhiều hay ít”.
Cũng có quan điểm về vụ việc Thạc sĩ luật Nguyễn Thị Hằng (Hà Nội) cho biết: “Trước thông tin mà báo chí đưa thì vụ việc có dấu hiệu hình sự. Không biết vì động cơ, mục đích gì nhưng hành vi của các đối tượng là vi phạm pháp luật và cần phải xử lý nghiêm. Hiện, anh Hoàng đã trình báo sự việc cho cơ quan điều tra nên việc khởi tố vụ án để điều tra, xử lý là cần thiết.
Các đối tượng chắc chắn đã có sự bàn bạc, chuẩn bị công cụ từ trước để thực hiện việc hành hung anh Hoàng. Vì anh Hoàng không hề quen biết các đối tượng này nên không loại trừ khả năng đã có người đứng đằng sau thuê mướn”.
Trước đó, sáng ngày 25/3, Phó Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc đã ký văn bản đề nghị Công an TP. Hà Nội, Công an quận Hoàng Mai, xử lý vụ Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (đang công tác tại báo Lao Động) bị hành hung.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết đã yêu cầu và chỉ đạo Cơ quan kiểm tra của hội nhanh chóng vào cuộc. Đồng thời có ý kiến với những cơ quan bảo vệ pháp luật trong đó có Công an TP. Hà Nội và chính quyền TP. Hà Nội để điều tra xác minh làm rõ.
Quỳnh Mai