Tin từ Viện dưỡng lão Bình Mỹ cho biết, linh cửu nhà báo Lý Nhân - Phan Kim Thịnh được đưa đi hoả táng trong trưa nay ngày 4/6/2022.
Nhà báo Lý Nhân được biết đến trong làng báo miền Nam trước 1975 với tên thật Phan Kim Thịnh khi ông làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Văn học. Tạp chí Văn học từng ấn hành các số chủ đề về: Văn Cao, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Nguyễn Bính, Phan Khôi, Tản Đà, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Lê Văn Trương, Nguyên Sa, Tam Ích...
Chân dung nhà báo Lý Nhân ở tuổi xế tà. |
Sau 1975, ông là tác giả của nhiều cuốn sách về các nhân vật từng “làm mưa làm gió” một thời ở phía Nam Vĩ tuyến 17 trở vào. Nhà báo Lý Nhân - Phan Kim Thịnh còn là nhân chứng của nhiều sự kiện chấn động miền Nam trước 1975, nên những cuốn sách ông viết về các nhân vật trên chính trường Sài Gòn có độ xác tín cao.
Ông từng trả lời phỏng vấn về các cuốn sách do ông viết sau này:
“- Với bút danh Lý Nhân, ông viết và in khá nhiều sách về các nhân vật, sự kiện của chế độ Sài Gòn. Xin hỏi nhân vật nào khiến ông ấn tượng nhất khi viết về họ?
- Tôi ưng ý nhất là cuốn Nam Phương - hoàng hậu cuối cùng . Bà Nam Phương là một đệ nhất phu nhân được cả sắc lẫn tài đức.
Là 1 trong 2 tác phẩm ưng ý nhất của nhà báo Lý Nhân. |
Cuốn thứ hai là Trần Lệ Xuân - giấc mộng chính trường. Tôi khen bà Trần Lệ Xuân, vì bà đã can đảm tới tận thủ đô nước Mỹ để “vén mồm” lên chửi Mỹ. Bà Nhu còn từng đề nghị để con gái là Ngô Đình Lệ Thủy ra Hà Nội khi có ý định xích lại gần hơn với miền Bắc. Việc chưa đi đến đâu thì ông Diệm và ông Nhu bị Mỹ cho tay sai hạ sát”.
Là cuốn thứ hai làm nên tên tuổi của nhà báo Lý Nhân, viết về nhân vật chính trường ở Sài Gòn có độ xác tín cao. |
Cuối đời, sau khi vợ ông mất, nhà báo Lý Nhân - Phan Kim Thịnh sống một mình trong căn nhà thuê ở hẻm số 58 đường Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM. Năm 2021 trong đại dịch Covid ông bị tai biến phải nằm viện. Từ đó đến nay, bạn bè trong làng cầm bút Sài Gòn không được gặp ông mỗi sáng ngồi quán cà phê cóc đầu hẻm 58 nữa; và nay thì ông ra đi mãi mãi…