Nguyễn Thành Nhân được biết đến với tiểu thuyết Mùa xa nhà, được xem như tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết về những người lính quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia chống lại họa diệt chủng của Khmer Đỏ. Mùa xa nhà có hình dáng của một hồi ký của người lính Nguyễn Thành Nhân khi anh trực tiếp chiến đấu tại chiến trường K. Khác với nhiều tác phẩm viết về chiến tranh thường hân hoan ca ngợi những chiến công, Mùa xa nhà đi sâu vào thân phận con người ở cả hai bên chiến tuyến.
Tiểu thuyết Mùa xa nhà (2004) tạo nên tên tuổi của cố nhà văn, dịch giả Nguyễn Thành Nhân. |
Nhà văn Nguyễn Đông Thức, cho biết khi cuốn sách này xuất bản lần đầu năm 2004: “Cầm bút viết về cuộc sống của lính tráng như là một thôi thúc tự bên trong của Nhân. Mùa xa nhà được âm thầm viết trong hai năm, hoàn thành năm 1999, và nhân cuộc thi “Văn học tuổi 20” lúc ấy vừa phát động, Nhân đã gửi tham dự. Được cả hai ban sơ khảo và chung khảo đánh giá rất cao, hoàn toàn có thể được giải cao nếu tác giả chịu chỉnh sửa đôi chút cho… bớt căng, nhưng lúc đó Nhân vẫn cương quyết giữ nguyên bản thảo. Giờ đây, sau bốn năm, có lẽ anh đã nghĩ lại… Thực tế thì không tác giả nào không muốn đứa con mình được chào đời, và không NXB nào muốn tác phẩm sau khi vào tay mình lại dở hơn. Mùa xa nhà được in, không hề có chất lượng kém hơn, quan trọng nhât là vẫn giữ đủ mọi điều Nhân muốn nói…
Cuộc thi Văn học tuổi 20 mà nhà văn Nguyễn Đông Thức nói đến diễn ra vào năm 2000, năm mà “phát hiện” ra Nguyễn Ngọc Tư đoạt giải Nhất với tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt. Nếu năm đó trong cuộc thi đó, Nguyễn Thành Nhân “chịu chỉnh sửa đôi chút cho… bớt căng” thì có lẽ, Mùa xa nhà không có số phận “ẩn mình” dù giới viết lách đánh giá “đây là một Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh mà khi in lần đầu đã phải “thỏa hiệp” lấy tên Thân phận tình yêu. Mỗi cuốn sách đều có số phận như mỗi con người, phải chăng là đây?
Nguyễn Thành Nhân sinh năm 1964 tại Sài Gòn, tháng 3-1984 anh nhập ngũ làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia trong vai trò người lính pháo cao xạ. Sau hơn 3 năm trên đất bạn không một ngày về phép, năm 1987 anh xuất ngũ về làm bảo vệ tại sân vận động Thống Nhất TP.HCM. Tại đây, Nguyễn Thành Nhân vừa tranh thủ làm bảo vệ vừa học thêm tiếng Anh, đi học luật ở trường ĐH Luật TP.HCM. Năm 1994, anh tốt nghiệp ĐH Luật, chuyển sang làm ở Văn phòng Liên đoàn Bóng đá cho đến năm 2005 thì nghỉ hẳn để viết và dịch sách. Sự nghiệp sáng tác của anh khá mỏng cũng như tuổi đời của anh, chỉ có 1 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 1 tập tạp bút, nhưng anh là tác giả của khoảng 40 đầu sách dịch thuật.
Nhà văn Nguyễn Thành Nhân |
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, em trai của Nguyễn Thành Nhân, cho biết: “Anh Nhân là anh cả trong gia đình nhà nghèo rất đông anh em, nên anh Nhân đã làm đủ thứ việc để phụ ba má nuôi các em. Tính anh rất thích đi nhậu với bạn bè, có lần ba chúng tôi nói với anh là con nhậu về khuya kêu cửa ba không ngủ được. Từ đó anh Nhân đi nhậu đến 9h30 đêm là về, nếu trễ hơn anh ở lại nhà bạn để tránh làm mất giấc ngủ của ba”.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ người lính với tổ quốc, Nguyễn Thành Nhân hoàn thành nghĩa vụ với gia đình nuôi các em khi đi làm bảo vệ, luật sư, thông dịch viên và cả đi làm phụ hồ lúc anh vừa thi đậu vào khoa điêu khắc của ĐH Mỹ thuật TP.HCM nhưng phải bỏ do không có tiền để học. Anh là một người tài hoa trong văn chương, mỹ thuật và cả âm nhạc. Những năm cuối đời, Nguyễn Thành Nhân sáng tác rất nhiều ca khúc và bạn bè muốn làm một đêm nhạc riêng cho anh nhưng anh đã ra đi trước khi đêm nhạc có thể bắt đầu.
Trong cuộc sống hàng ngày, tuy là nhà văn nghèo đúng nghĩa đen nhưng Nguyễn Thành Nhân sống rất phóng khoáng và hào sảng như được mặc định trong tính cách của anh. Nhà văn, luật sư Lâm Hà, một người bạn thân của anh, cho hay: “Là người lính, Nguyễn Thành Nhân sống đúng với chức trách nhiệm vụ trong chiến tranh, nhưng không sa vào trào lưu “tự phán, tự hối” mà luôn tự hào về nghĩa vụ làm trai trong cuộc chiến tranh bắt buộc bảo vệ tổ quốc. Nhưng sự tự hào của anh không khiến anh mắc chứng tự hãnh để đòi hỏi lợi ích và kỷ niệm thời lính của mình, với anh chỉ là chiếc áo pull lưu niệm cựu binh sư đoàn 5, còn thì trợ cấp, chế độ dành cho cựu binh chiến tranh biên giới, anh đã nhường lại hết cho Hoàng - người bạn hàng xóm cùng tham gia nghĩa vụ quân sự nhưng nửa đường đứt gãy trong một phút yếu lòng. Và không chỉ là với người bạn hàng xóm cùng là lính nghĩa vụ quân sự ấy, với ai đã được anh xem như bạn thì Nhân đều hết mình, từ việc nhờ mẹ nuôi giúp mấy đứa em sinh viên ở tỉnh, tặng luôn tài sản lớn nhất là cái máy tính xách tay cho con gái người bạn để cháu có điều kiện học tập khi vào đại học…”.
Sống phóng khoáng, hào sảng là vậy nhưng với văn chương anh luôn là người kỹ tính đến mức khó thỏa hiệp. Nguyễn Thành Nhân viết Mùa xa nhà vào năm 1997 sau 10 năm ra lính để có độ lùi vừa đủ. Viết đến năm 1999 mới hoàn thành và 2004 mới in thành sách. Đến nay Mùa xa nhà được nhiều nhà xuất bản như Trẻ, Quân đội Nhân dân tái bản nhiều lần nhưng anh vẫn chưa hài lòng với tác phẩm của mình. Nguyễn Thành Nhân từng mơ ước để dành được khoảng trăm triệu đồng rồi tìm một hòn đảo yên tĩnh để viết lại Mùa xa nhà. Theo anh, bản in Mùa xa nhà hiện tại chỉ mới có thân phận người lính ở chiến trường nhưng chưa có thân phận người lính khi trở về đời thường. Nhiều người lính rất anh dũng trên chiến trường nhưng khi về đời thường thì gần như lạc lõng, bơ vơ…
Tiểu thuyết Mùa xa nhà là những trăn trở không nguôi của Nguyễn Thành Nhân về thân phận người lính. |
Nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu, cho rằng: “Nguyễn Thành Nhân tuy nghèo, kiếm sống bằng nghề dịch sách nhưng anh không chịu dịch các loại sách thị trường có tính giải trí mà toàn chọn sách tầng cao, sách khó đọc, ví dụ sách của tác giả Virginia Woolf. Những loại sách Nguyễn Thành Nhân dịch rất khó bán vì kén người đọc nhưng với giới học thuật lại rất quý giá. Chẳng hạn như cuốn sách cuối cùng Nguyễn Thành Nhân dịch mà khi sách in xong dịch giả chưa cầm được là Những lớp sóng của Virginia Woolf, có thể nói từng chữ trong tác phẩm này là những viên ngọc quý".
Cuốn sách dịch tác phẩm của Virginia Woolf - nhân vật văn học hiện đại lừng danh nhất thế kỉ 20. |
Là cuốn sách dịch cuối cùng của cố nhà văn, dịch giả Nguyễn Thành Nhân. |
Chọn dịch các cuốn sách khó, viết văn lại rất kỹ tính luôn tỉ lệ nghịch với thu nhập từ nhuận bút, thế nhưng điều này không ảnh hưởng gì đến sự hào sảng của nhà văn Nguyễn Thành Nhân. Bạn bè vẫn nhớ một Nguyễn Thành Nhân với gương mặt hiền lành, khoác trên người chiếc áo pull trắng kỷ niệm đời lính của sư đoàn tặng đã ngã màu cháo lòng. Cả con người và tác phẩm của anh như những bông hoa thật chứ không phải hoa giả rực rỡ sắc màu, mà hoa thật thì luôn sống thật và thường lặng lẽ tỏa hương.
Nói thế để thấy Nguyễn Thành Nhân là người sống có lý tưởng và mơ mộng, mà mộng mơ thì có ai hơn được các thi sĩ? Nguyễn Thành Nhân làm khá nhiều thơ và sống như bài thơ của một thi sĩ nhập cuộc, ngay như tiểu thuyết Mùa xa nhà cũng được anh triển khai từ bài thơ cùng tên khi anh vừa đi lính: “…Thành phố quê nhà là một nỗi mong/ Đứa con xa nhà ngày đêm trăn trở/ Biết khi nào đất nước mình im súng nổ/ Chỉ có mùa xuân tiếng pháo đì đùng?/ Má ơi, chắc má nhớ thương/ Đứa con bướng bỉnh vẫn làm má lo/ Tháng năm qua, tháng năm qua/ Rồi con cũng sẽ về nhà, má ơi!/ Thương đàn em dại của tôi/ Nhà mình nghèo khó không người lo toan/ Tháng Giêng cúc nở hoa vàng/ Anh về ươm lại một giàn mướp xanh…”