“Có lẽ, bài phát biểu của Obama gây xúc động cho rất nhiều người chứ không chỉ riêng tôi. Sự xúc động đến từ thái độ chân tình, từ cách diễn đạt khoa học, cụ thể và đặc biệt là ở những thông tin thiết thực mà chúng ta đang chờ đợi. Như cách nói của người Việt, thì ông đã “gãi đúng chỗ ngứa” của dư luận.
Riêng ở góc độ một nhà sử học, tôi đánh giá rất cao cách tiếp cận vấn đề của ông Obama, khi rất nhiều thông tin và điển tích lịch sử được vận dụng trong bài phát biểu. Thực tế đã chứng minh: sự am hiểu lịch sử một quốc gia là yếu tố cơ bản nhất để đảm bảo cho những nhìn nhận chính xác, khách quan về hiện tại và tương lai của họ.
Từ những tri thức lịch sử về mối quan hệ Việt Mỹ, từ câu chuyện về giống lúa Việt được Tổng thống Mỹ Jefferson quan tâm từ 200 năm trước hay về nhóm Con Nai (nhóm tình báo Mỹ từng hỗ trợ Việt Nam chống Phát xít Nhật năm 1945 - PV), ông Obama đã dẫn dắt chúng ta đến những yếu tố về sự gần gũi nhau giữa 2 quốc gia trên nhiều lĩnh vực, thậm chí ở cả góc độ chính trị. Bởi, ông nhìn thấy được những yếu tố cơ bản nhất mà mọi quốc gia hướng tới đều là các hệ giá trị chung về độc lập, tự do, chủ quyền, rồi kể cả ở những vấn đề tưởng như rất nhạy cảm là nhân quyền.
Và thông điệp của ông cũng đáng để chúng ta suy nghĩ: muốn cùng đến được với nhau, các quốc gia phải nỗ lực phấn đấu để đạt tới những hệ giá trị ấy, chứ không thể chờ một ai mang lại cho nhau”.
Trưa 24/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Tổng thống Barack Obama đã có bài phát biểu trước gần 2.000 thanh niên đại diện cho giới trẻ Việt Nam. Ảnh: Minh Sơn - TTXVN.
* Trong bài phát biểu, Obama nhiều lần nhắc tới cuộc chiến tranh giữa 2 nước trong quá khứ. Ông đánh giá thế nào về cách tiếp cận ấy?
- Cũng cần nói thêm, việc Obama nhắc tới chiến tranh VN cũng giống với cách mà giới sử học chúng tôi vẫn nói về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ rằng: nếu lịch sử thế giới từng có “ngoại giao bóng bàn” “ngoại giao bóng rổ” thì chúng ta có ngoại giao “cựu chiến binh”.
Bởi, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ là một trường hợp đặc biệt trong lịch sử thế giới. Chỉ 20 năm sau một cuộc chiến tranh tàn khốc, giữa 2 nước đã cùng có những bước đi rất mạnh mẽ, để không những hàn đắp quá khứ mà còn cùng hướng tới tương lai.
Và nếu chúng ta còn nhớ, năm 1994, khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, đứng bên cạnh Tổng thống Mỹ Bill Clinton là các ông John McCain và John Kerry. Hai cựu chiến binh ấy, cũng như nhiều cựu chiến binh khác, chính là những người có vai trò rất quan trọng trong quá trình hòa giải với những “cựu thù” của mình.
Ông Obama là người sinh ra sau cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng gì ông nói cho thấy ông hiểu nỗi đau của chiến tranh, hiểu những hy sinh của hai phía.
Và chúng ta hẳn đều đồng ý với một sự thật: điều quan trọng nhất sau một cuộc chiến tranh là việc nhìn thẳng vào sự khốc liệt từng có để tìm ra những bài học về hòa bình, cho tương lai và hiện tại. Tôi nghĩ, đó là một tinh thần trách nhiệm và khoa học, thay vì việc chỉ tới đây nói những lời tốt đẹp để vuốt ve và làm hài lòng nhau.
Nhà sử học Dương Trung Quốc.
* Một thống kê thú vị: đây là lần thứ 3, các lãnh đạo Mỹ “lẩy Kiều” trong những sự kiện chính trị liên quan tới chúng ta…
- Tôi nghĩ, đó là sự thể hiện lòng tôn trọng với văn hóa Việt Nam. Bởi với thế giới, Truyện Kiều của Việt Nam vừa là nghệ thuật diễn đạt để mọi người dân có thể hiểu thấu, vừa là một phần của đời sống văn hóa, với những quan niệm đặc thù về đạo lý.
Nhân đây, xin chia sẻ thêm, việc ông Obama ghé vào thưởng thức bún chả Hà Nội tại một cửa hàng bình dân tối 23/5 cũng là một cách tiếp cận với văn hóa Việt. Tất nhiên, bất cứ hành vi nào của mỗi chính khách cũng đều chứa đựng những thông điệp riêng.
Nhưng cách tạo ra một “giấy thông hành” về ẩm thực của Obama vẫn rất tự nhiên, dân dã và thú vị. Và việc ông ăn bún chả cùng một chuyên gia ẩm thực cũng khiến chúng ta tin rằng ông muốn tìm hiểu thật sự về văn hóa ẩm thực, chứ không đơn thuần là tạo hình ảnh.
* Một câu hỏi vui: trong Truyện Kiều, khi đưa trâm và khăn cho nàng Kiều để đính ước, Kim Trọng có nói: Rằng trăm năm kể từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi. Xin ông thử kiến giải về thông điệp mà Obama đưa ra khi kết thúc bài phát biểu bằng 2 câu thơ này?
- Thật ra, bản thân chuyến thăm và bài phát biểu của Obama đã là một dấu mốc đặc biệt và giúp chúng ta hiểu rằng: những vướng vất từ quá khứ giữa 2 nước đã được khép lại hoàn toàn, để mở ra một chương mới trong lịch sử.
Đó là kết quả một lộ trình từ cách đây hơn 20 năm chứ không phải bây giờ. Bởi vậy, ta cũng không nên vận dụng quá sâu vào bối cảnh Kim Trọng – Thúy Kiều (cười).
Còn về nội dung, thật lòng chúng ta đều cảm thấy: đây là thời điểm 2 quốc gia đang có được lòng tin với nhau. Đó là nền tảng cơ bản trong các mối quan hệ quốc gia thời đại ngày nay.
Nhưng cá nhân tôi nghĩ thêm, có thể ông Obama không chỉ khẳng định lòng tin mà còn đặt hy vọng và nhắc nhở chúng ta. Bởi trong bất cứ mối quan hệ nào, lòng tin chỉ tồn tại vững khi đến từ 2 phía.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Thể thao & Văn hóa