Nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết anh biên soạn bộ sách này xuất phát từ tình yêu tiếng mẹ đẻ và tình yêu đó sẽ không dừng lại chỉ ở một vài cuốn sách.
Nhà thơ Lê Minh Quốc vừa trình làng bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt. |
Tuy chia Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt thành 3 phần cho lần ấn hành này nhưng ranh giới từng phần khá mờ - như tác giả thừa nhận. Điều này cũng đúng vì mỗi từ trong tiếng Việt đều bình đẳng như nhau nên các sự phân chia cũng mang tính tương đối. Chẳng thế mà năm 1999 UNESCO đã quyết định chọn ngày 21/2 hàng năm làm Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ và nhân dịp kỷ niệm 1 năm ra đời sự kiện này, tại trụ sở UNESCO đã ghi câu: “Trong dải ngân hà các ngôn ngữ, mỗi từ là một vì sao”.
Những vì sao ấy có tỏa sáng hay không phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình. Tiếng Việt thêm sáng, đẹp rất cần ý thức dùng tiếng Việt cho đúng trong mọi hoàn cảnh, ấy là giữ gìn “linh hồn tiếng Việt” như cách gọi của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo. Thế nhưng hiện nay nhiều nơi, nhiều người dùng tiếng Việt rất tùy tiện theo cách hiểu của họ khiến từ bị dùng sai, thậm chí là biến dạng, méo mó. Hiểu sai tiếng Việt cũng là hiểu sai văn hóa Việt.
Trong Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, Lê Minh Quốc đã đặt rất nhiều câu hỏi và tự tìm câu trả lời nhằm làm sáng, đẹp hơn ngữ nghĩa của nhiều từ, nhiều câu rất quen thuộc được dùng trong đời sống hàng ngày. Trước tiếng Việt, Lê Minh Quốc đã đặt mình vào vị trí của một đứa bé thấy gì cũng lạ nên luôn hỏi “tại sao?”.
Trong cuốn Chơi chữ chanh chua chan chát chữ, tác giả đã dành khoảng nửa cuốn sách để viết từ “ăn”: Ngẫu hứng cùng “nghệ thuật” ăn, Buồn tình nghĩ tới chuyện… ăn, Nhìn bếp thấy… ông Táo, Ăn từ… tiếng rao, Ăn từ… trang sách, Miệng nhai cơm búng, Có oản em phụ tình xôi, Ăn như xáng múc, Trách cá trã keng bù nêm muối, Nhai cơm nhớ phở, ngậm ngùi nhơi cơm, Ăn bánh vẽ bạc lẽ vẽ sứa…Rõ ràng “ăn” cũng chính là văn hóa của một dân tộc không chỉ thể hiện trong các món ăn mà còn biểu hiện rất rõ qua ngôn ngữ.
Lê Minh Quốc đã đặt rất nhiều câu hỏi và tự tìm câu trả lời nhằm làm sáng, đẹp hơn ngữ nghĩa của nhiều từ, nhiều câu rất quen thuộc được dùng trong đời sống hàng ngày... |
Xin khẳng định Lê Minh Quốc không phải là một nhà ngôn ngữ học có học hàm, học vị, anh cũng không phải là nhà nghiên cứu văn hóa chuyên sâu. Lê Minh Quốc chỉ là một người Việt như trăm triệu người Việt khác yêu tiếng mẹ đẻ và từ công việc sử dụng tiếng Việt hàng ngày anh đã nhận thấy văn hóa Việt được chuyển tải trong tiếng Việt.
Như đã nói, Lê Minh Quốc đặt anh vào vị trí của trẻ nhỏ với các nhãn quan của trẻ thơ thấy, nghe gì cũng hỏi. Nếu không nhìn, nghe như trẻ thơ thì không cần phải hỏi và mặc nhiên sự tồn tại của rất nhiều vấn đề trong tiếng Việt và văn hóa Việt là vốn dĩ đã đúng. Nhưng vốn dĩ đã đúng như đang tồn tại hay cái đang tồn tại là sai?
Ở Hà Nội có phố Lò Sũ mặc nhiên tồn tại trên đường phố, trong sách vở giấy tờ và trên cả bản đồ số. Thế nhưng “Sũ hay xũ” mới đúng và tại sao đúng? Rồi thì “Nấu sử xôi kinh hay sôi kinh?”, “Khớp hay khốp, kiêu hay kiệu”, “Ăn nói theo lối người Nam” là sao?, “Chém gió” méo mó tiếng Việt thế nào?... đều được Lê Minh Quốc trả lời trong 3 tâp sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt.
Lê Minh Quốc tìm câu trả lời ở đâu? Xin thưa, không đâu ngoài sách vở và những trải nghiệm hàng ngày qua tiếng Việt. Để viết được 3 cuốn sách này, tác giả phải đọc và chắt lọc từ rất nhiều sách báo xưa nay và từ những lắng nghe, ghi chép của riêng anh. Có thể nói, Lê Minh Quốc đã làm giúp phần đọc sách báo cho nhiều người thiếu thời gian trong việc tìm câu trả lời cho một hay nhiều thắc mắc của mình về một từ, một câu hay một vấn đề văn hóa nào đó thông qua bộ sách này.
Tiếng Việt đã chuyển tải văn hóa Việt trong hành trình hình thành một quốc gia, dân tộc. Tìm hiểu tiếng Việt để thêm yêu tiếng mẹ đẻ cũng là yêu văn hóa nước mình cũng rất cần thời gian để “trầm tích”. Lê Minh Quốc mất hơn 40 năm để “trầm tích” trong giới hạn của đời người và anh nhận ra giới hạn đó sẽ không tránh khỏi sai sót nên rất mong bạn đọc bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt đóng góp thêm.
Nếu bạn chưa có bộ sách này trên tay thì hãy mua ngay, nếu đã có rồi vậy thì hãy “nhẩn nha, nhâm nhi, nhấm nháp” cùng Lê Minh Quốc về nhiều câu chuyện Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt có thể bạn chưa biết hoặc đã biết rồi nhưng lại lãng quên.