Hồi đầu tháng, tôi gặp một bác xe ôm đã lớn tuổi, quá tuổi để được các hãng xe ôm công nghệ chiêu dụng nên phải kiếm khách tự do ở lề đường. Hoàn cảnh ông cũng khó khăn, công chức về hưu lương thấp, vợ thì sắp mổ tim đang phải nằm viện với chi phí lớn. Ông chạy xe ôm thêm thắt được đồng nào hay đồng ấy, ngày nhiều bù ngày ít, tháng được khoảng 3 triệu.
Tôi chia sẻ câu chuyện này tới cộng đồng, rất nhiều người thương cảm, nhiều người còn nói tôi đưa số điện thoại của ông lên để gọi cho ông đông khách. Vì ông đứng ngay đầu ngõ gần nhà, nên hôm sau tôi gặp đề nghị ông cho chụp ảnh và cung cấp số điện thoại, ông vui vẻ đồng ý.
Hôm qua có việc đi xe ôm từ nhà, ông nhận ra tôi, vui vẻ mời lên xe. Hỏi thăm, thì mừng quá vợ ông đã mổ tim thành công, bảo hiểm y tế đỡ cho một nửa chi phí, còn lại con gái lo.
- Giờ cô về nhà rồi, chú nghỉ thôi chứ chạy làm gì cho vất vả?
- Chạy chứ, kiếm thêm cũng tốt, mà vui. Với vẫn còn phải bồi bổ cho bà ấy nhiều.
- À thế từ hôm cháu giới thiệu chú với bạn bè, chú có đông khách hơn không?
- Vẫn thế ấy mà cậu.
Ông vẫn đứng đúng chỗ cũ đón khách - chỗ mà một cô giáo chỉ cho ông - không có tài xế xe ôm nào cạnh tranh, nhưng đơn giản vì vắng khách. Chỉ có 2 cuộc điện thoại không phải từ người thân tới số của ông trong những ngày qua. 1 cuộc thì bị nhỡ, ông thấy số lạ cũng không gọi lại. Còn cuộc thứ 2, là vào chiều hôm nọ.
- Hôm đấy mưa tầm tã, cậu nhớ không, tôi vừa về thì có điện thoại. Cô kia hỏi có phải bác chạy xe ôm ở Thái Hà không? Tôi bảo đúng, mà sao cô biết số? Cô ấy bảo bạn cháu giới thiệu, bây giờ cháu nhờ bác đón thằng cu con vừa học xong gần đấy đưa về Định Công được không? Tôi bảo tôi về rồi, nhưng nhà tôi gần, tôi quay lại đón cháu. Trời mưa to lắm nhé cậu, tôi đưa thằng bé về tận nhà. Mẹ nó hỏi hết bao nhiêu, tôi bảo ba chục, thế cô ấy đưa năm chục bảo bác cầm cả. Tôi bảo vâng tôi xin, cô cho nhiều thế lần sau tôi chở thì tôi bớt tiền đi.
Ông kể rồi cười hềnh hệch, hỏi có phải cô ấy là bạn tôi không? Tôi biết không phải bạn mình, chắc ai đó đọc được thông tin về ông từ bài viết của tôi trên mạng. Ông không biết rằng, bài viết đó được chia sẻ tới hàng chục page tin tức trên Facebook, có hàng chục nghìn lượt like, hàng nghìn lượt share và comment thương cảm. Câu chuyện của ông, hình ảnh của ông trở thành đại diện cho hàng vạn người lao động chân chất, đang nỗ lực mưu sinh ở đô thị, trên vỉa hè, dưới chân những toà cao ốc.
Sự thương cảm mà công chúng dành cho ông là thật. Thậm chí người ta còn tìm kiếm thông tin về ông với thiện ý giúp đỡ, cũng là thật. Nhưng nó không đủ nhiều, không đủ sâu sắc để biến thành một hành động. Rời bàn phím, buông điện thoại thì người ta quên, như đã từng với vô vàn câu chuyện, vô vàn trào lưu dồn dập đến hàng ngày hàng giờ.
Lần chia tay này thì tôi lưu số ông vào điện thoại. Tôi không muốn ông chỉ là một nhân vật trong bài viết của mình.