Báo cáo được xây dựng và phát hành bởi BambuUP - Nền tảng Kết nối đổi mới sáng tạo mở, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), Bộ Khoa học và Công nghệ.
Lễ công bố có sự tham gia của lãnh đạo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Trung tâm NSSC, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nhật Bản và đại diện của các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế trong và ngoài nước.
Được khởi động từ tháng 8/2021, sau hơn 4 tháng triển khai với sự đầu tư công phu, Báo cáo đã hoàn thiện với những thông tin vô cùng giá trị về hệ sinh thái khởi nghiệp, các xu hướng và các giải pháp nổi bật. Tính tới thời điểm hiện tại, Báo cáo đã nhận được hơn 800 Startup ghi danh và hơn 2.000 lượt đăng ký đón đọc.
Báo cáo có sự cố vấn nội dung bởi hơn 50 chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế hàng đầu Việt Nam.
Báo cáo đã đưa ra bức tranh về đầu tư vào thị trường công nghệ tại Việt Nam. Trong 2 năm qua mặc dù Covid-19 gây ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế nhưng số lượng giao dịch tăng lên mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đạt 108 thương vụ đầu tư. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, số lượng thương vụ đầu tư đạt mức cao kỷ lục ở vòng 500 nghìn USD - 3 triệu USD, gấp 2.58 lần so với cùng kỳ năm 2020. Có sự dịch chuyển trong tỷ lệ phân bổ đầu tư ở các giai đoạn, tăng tỷ trọng đầu tư vào các vòng 500 nghìn USD - 3 triệu USD và vòng 3 triệu - 10 triệu, trong khi giảm đầu tư vào các startup gọi vốn giai đoạn pre-seed và seed.
Báo cáo đã xây dựng Bản đồ khởi nghiệp Việt Nam 2021 với 4 trụ cột chính: Kinh doanh, Con người, Xã hội, và Công nghệ.
Bản đồ khởi nghiệp lĩnh vực Martech và Công nghệ tài chính và bảo hiểm. |
Điểm nhấn đặc biệt của Báo cáo là bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST toàn diện, đa chiều trong các lĩnh vực kinh tế nổi bật: Tiêu dùng, Bán lẻ, Giáo dục, Tài chính, Chăm sóc sức khỏe, Martech & Salestech, Logistics & Chuỗi cung ứng, Phát triển bền vững, Nông nghiệp, Du lịch và Lữ hành, Blockchain & Crypto. Trong mỗi lĩnh vực, Báo cáo nêu lên những thách thức phải đối mặt, những xu hướng đột phá công nghệ chính và các công ty công nghệ đang cung cấp giải pháp nổi bật tại Việt Nam.
Như trong Ngành công nghệ tài chính (Fintech), Báo cáo đưa ra dự đoán, từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc của tất cả các ngân hàng, doanh nghiệp và công ty công nghệ tài chính theo đuổi Kỹ Thuật Số Hàng Đầu (Digital First).
Báo cáo chỉ ra rằng 25% ngân hàng tại Việt Nam sẽ “tích cực theo đuổi hiện đại hóa các nền tảng lõi kỹ thuật số”. 5 xu hướng lớn trong ngành ngân hàng được đề cập trong Báo cáo là (1) Trải Nghiệm Khách Hàng là ưu tiên quan trọng nhất, (2) Neobank vận hành độc lập và phát triển mạnh mẽ, (3) Công nghệ kích hoạt bằng giọng nói, (4) Công nghệ quản lý tự động và hạn chế rủi ro cho dịch vụ tài chính và ngân hàng, (5) Tài chính phi tập trung.
Còn trong lĩnh vực Martech & Saletech, việc áp dụng công nghệ trước đây thường xoay quanh sự đổi mới và thử nghiệm nhưng giờ đây đã là cốt lõi của tất cả hoạt động. Trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine learning) được sử dụng trong nhiều giải pháp công nghệ giúp việc tối ưu hóa và tự động hóa tiếp thị theo những cách mà con người không thể sánh kịp. Martech và Salestech giúp doanh nghiệp đặt khách hàng vào vị trí trung tâm của hoạt động kinh doanh, hay nói cách khác là đưa khách hàng gia nhập tự nhiên thành một phần bổ sung và cùng phát triển của toàn quá trình tiếp thị.
Bản đồ Khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe và Nông nghiệp. |
Đối với ngành Công nghệ nông nghiệp và thực phẩm (Agtech & Foodtech), Báo cáo chỉ ra 5 xu hướng chính trong năm 2021: Nông nghiệp thông minh, Thích ứng biến đổi khí hậu, Công nghệ sản xuất Protein thay thế, Phân phối sản phẩm qua kênh Thương mại điện tử, Ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo an toàn và minh bạch thực phẩm. Trong đó, phải kể đến một số công nghệ tiêu biểu ứng dụng tại Việt Nam: IoT và các loại cảm biến, Robot và tự động hóa, Công nghệ máy bay không người lái (Drone) và giám sát cây trồng, Học máy (Machine learning) và phân tích, Sàn giao dịch điện tử trong nông nghiệp.
Trong Ngành Công nghệ y tế và sức khỏe (HealthTech), Báo cáo chỉ ra một số xu hướng nổi bật về công nghệ y tế tại Việt Nam như: Hồ sơ y tế cá nhân (Personal Health Record), Khám bệnh từ xa (Telemedicine), Số hóa hệ thống thông tin y tế (Digitalize Healthcare system), Áp dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa (AI, Robotic), Theo dõi từ xa (Remote Patient Monitoring). Y tế được tin rằng sẽ là ngành chuyển đổi số nhanh nhất ở Việt Nam so với các ngành khác.
Nhiều xu hướng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực kinh tế khác cũng được thể hiện cụ thể, rõ nét trong báo cáo.
Bên cạnh công bố Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021, các giải pháp công nghệ mới mẻ, nhiều tiềm năng phát triển từ các startup Việt Nam tiêu biểu cũng đã được giới thiệu tại chương trình. Đây là các giải pháp đột phá ứng dụng trong các lĩnh vực trọng điểm: Fintech, Agtech & Foodtech, Salestech & Martech, Traveltech, Healthcare,...
Bà Nguyễn Hương Quỳnh - CEO BambuUP, chủ trì Dự án chia sẻ về kế hoạch xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt: “Sứ mệnh của Nền tảng kết nối Đổi Mới Sáng Tạo Mở BambuUP là giúp mọi người, mọi doanh nghiệp đều có thể cập nhật, tiếp cận và triển khai Đổi Mới Sáng Tạo (Innovation) một cách dễ dàng. Chúng tôi sẽ cung cấp những kết nối và tư vấn ĐMST không giới hạn về phạm vi địa lý và thời gian. Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối việc liên tục ĐMST là con đường duy nhất để các doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Kiến thức nhân loại đang được nhân đôi cứ sau 12 tiếng đồng hồ. Hãy tự hỏi mình: Bạn đã đủ nhanh và đủ phù hợp cho tương lai chưa?”.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh - CEO BambuUP |
Ông Đoàn Đức Thuận - Chuyên gia tư vấn, đào tạo về Chiến lược, Marketing và Đổi mới sáng tạo, Đại diện Ban cố vấn nội dung Báo cáo, cho rằng: “Báo cáo là một tài liệu tham khảo không thể thiếu cho các doanh nghiệp và chuyên gia. Kỷ nguyên mới của quản trị nói chung và đổi mới sáng tạo nói riêng đều hướng tới việc lấy con người làm trọng tâm, đề cao lý tưởng tồn tại của tổ chức kinh doanh (purpose) như một sự kết nối hữu cơ của tổ chức kinh doanh đó với cộng đồng và xã hội.
Những đổi mới sáng tạo mang tính chất cải tiến nhỏ (incremental) đang dần ít tạo lợi thế hơn so với những đổi mới sáng tạo triệt để (radical) hay thậm chí là làm mới cả mô hình kinh doanh (business model innovation) dựa trên sự kết nối sâu sắc với lý tưởng tồn tại của tổ chức (purpose). Xuyên suốt giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để định hình lại kết nối xã hội của tổ chức mình, thiết kế ra những đổi mới sáng tạo sâu sắc, hàm chứa các giá trị chân thành, tử tế, hướng tới cộng đồng và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững”.
Ông Vũ Bình, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản. |
Ông Vũ Bình - Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản cho rằng: “Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021 đã thể hiện những nỗ lực ban đầu trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Báo cáo cho thấy sự vươn lên mãnh liệt của các doanh nghiệp; tinh thần ĐMST không chỉ thấy ở các doanh nghiệp nhỏ mà còn ở các doanh nghiệp lớn. Bối cảnh quốc tế đang ngày càng thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở”.
Đại diện các nhà đầu tư, bà Lê Hoàng Uyên Vy - Co-founder & General Partner Do Ventures cho biết: “Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang bước vào thời điểm bước ngoặt để có thể tạo dấu ấn trong khu vực và trên thế giới nhờ vào ba yếu tố chính là Startup Việt Nam đã bắt đầu hướng tới các thị trường khu vực và thế giới thay vì chỉ phục vụ thị trường nội địa; Startup Việt Nam đã có khả năng cho ra đời những sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao; và Startup Việt Nam đã có những công ty đủ trưởng thành để trở thành nhà đầu tư cho thế hệ nhà sáng lập đi sau.
Báo cáo Toàn cảnh Đổi mới Sáng tạo mở Việt Nam 2021 mang lại giá trị quan trọng cho tất cả các bên liên quan trong hệ sinh thái, đặc biệt là nhóm các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, Báo cáo cũng là cầu nối giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các công ty khởi nghiệp Việt Nam, từ đó gia tăng nguồn vốn chảy vào thị trường đầu tư công nghệ trong nước”.
NSSC (viết tắt của National Startup Support Center - Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia), là đơn vị trực thuộc Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), thực hiện chức năng hỗ trợ hoạt động Khởi nghiệp sáng tạo, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, ươm tạo và phát triển doanh nghiệp KH&CN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thông qua trung tâm NSSC, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã có một cầu nối để kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm của Việt Nam với khu vực và thế giới.
BambuUP là Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo mở, giúp thiết lập những mối quan hệ có ý nghĩa giữa các đơn vị cung cấp giải pháp ĐMST và đơn vị tìm kiếm giải pháp ĐMST, nuôi dưỡng một hệ sinh thái toàn diện cùng sáng tạo và phát triển.
Nền tảng kết nối ĐMST BambuUP là nơi các Công ty khởi nghiệp, Nhà cung cấp giải pháp ĐMST có thể quảng bá rộng rãi giải pháp của mình đến với Khách hàng tiềm năng và Nhà đầu tư. Đây còn là nơi nhà tìm kiếm giải pháp ĐMST như các doanh nghiệp có thể tăng tốc quá trình đổi mới sáng tạo của mình hiệu quả thông qua việc hợp tác sử dụng những giải pháp mới từ các Công ty khởi nghiệp từ đó tăng trưởng kinh doanh một cách chủ động và bền vững. Đối với các Nhà đầu tư, đây là nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy được cập nhật thường xuyên về các khoản đầu tư tiềm năng.