Hiện tại, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành trung ương rà soát quy định pháp luật, tham khảo kinh nghiệm các nước, cũng như rà soát các biện pháp thực tiễn phòng, chống dịch của Việt Nam, xây dựng hồ sơ phân loại để chuyển từ bệnh nhóm A sang nhóm B.
Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, việc chuyển phân loại bệnh truyền nhiễm được thực hiện theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Trong đó, nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh; nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Tại Việt Nam, tình hình dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế. Các trường hợp nặng và tử vong phần lớn vẫn là người có bệnh nền, người già, người chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch... Những trường hợp này bệnh có thể diễn biến nặng nếu nhiễm các virus gây bệnh truyền nhiễm khác như cúm, chứ không riêng gì với COVID-19. Khi những đối tượng trên nhiễm các bệnh do virus miễn dịch giảm, dễ mắc thêm bệnh khác dẫn đến bệnh trở nặng và tử vong.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Việt Nam đã thực hiện Chiến lược thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP từ tháng 10/2021.
“Mặc dù Việt Nam chưa chuyển đổi dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B nhưng nhiều hoạt động đã thực hiện như nhóm B, đó là việc mở cửa, không cấm đoán đi lại, du lịch, tổ chức hội họp, tổ chức sự kiện, không yêu cầu xét nghiệm bắt buộc, nới lỏng cách ly… để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội...”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu thông tin.
Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, chúng ta phải thấy rõ là nếu có xếp COVID-19 ở nhóm B cùng với các bệnh truyền nhiễm khác, thì COVID-19 vẫn phải là bệnh có tính đặc thù vì WHO chưa công bố kết thúc đại dịch COVID-19. Đồng thời, WHO vẫn khuyến cáo các quốc gia cần thận trọng và chuyển từ việc phòng, chống dịch khẩn cấp sang chiến lược kiểm soát dịch dịch bền vững, lâu dài.
Vì vậy, cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có đáp ứng phù hợp, không để bị động, bất ngờ, vừa kiểm soát được dịch trong mọi tình huống nhưng không tốn kém, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân. Cần đặc biệt lưu ý các hoạt động giám sát, dự phòng cá nhân, tiêm chủng, truyền thông và bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương…