Nhiều nguy cơ dịch bệnh lúc chuyển mùa

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong thời gian chuyển mùa và sau bão lụt, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là ở học sinh tăng cao, với một số bệnh truyền nhiễm như bệnh sởi, thủy đậu, đau mắt đỏ, ho gà, tay chân miệng... và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Nhiều nguy cơ dịch bệnh lúc chuyển mùa

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, hiện nay, thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26 - 32 độ C là điều kiện thuận lợi phát sinh bọ gậy và muỗi, kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch sốt xuất huyết với nhiều ca mắc trên địa bàn, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao; học sinh, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học là nguy cơ làm gia tăng đối tượng mắc sốt xuất huyết trong thời gian tới.

Ngoài sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, bệnh thủy đậu, tay chân miệng cũng có nguy cơ bùng phát. Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong những tuần gần đây, địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận trung bình 40 - 50 ca mắc tay chân miệng/tuần. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, toàn thành phố ghi nhận gần 2.000 ca tay chân miệng và gần 40 ổ bệnh.

Hà Nội có khoảng hơn 2.000 ca thủy đậu, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Số lượng bệnh nhân mắc thủy đậu, tay chân miệng phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.

Lý giải về nguyên nhân dịch bệnh diễn biến phức tạp trước thềm năm học mới, PGS.TS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay: Sau thời gian nghỉ hè, trẻ từ các gia đình, các môi trường sống khác nhau bắt đầu tập trung vào một không gian lớp học, cùng nhau sinh hoạt, ăn uống bán trú… Khi mầm bệnh xuất hiện trong nhà trường, những trẻ chưa có miễn dịch, chưa được bảo vệ bằng vaccine có nguy cơ dễ nhiễm bệnh.

Nhiều nguy cơ dịch bệnh lúc chuyển mùa ảnh 1

Tăng cường phòng chống dịch bệnh

Vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động triển khai phòng, chống dịch trong mùa tựu trường.

Cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp quay trở lại trường học; nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như bệnh sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa tựu trường, Bộ Y tế đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, nhất là các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa tựu trường; chỉ đạo tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ/Pasteur chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh.

Các đơn vị y tế thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch.

Nhiều nguy cơ dịch bệnh lúc chuyển mùa ảnh 2

Bộ Y tế cũng đề nghị ủy ban nhân các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo và các cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi bước vào năm học mới; bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đủ ánh sáng tại các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo.

Ngành y tế phối hợp để hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, nhà trẻ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như theo dõi chặt chẽ sức khỏe trẻ em, học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý…

Coi chiến dịch tiêm chủng là ưu tiên hàng đầu

Tiến sỹ Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, mùa tựu trường là thời điểm học sinh dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Các trường hợp mắc bệnh trong tình trạng nặng hoặc tử vong nằm ở nhóm trẻ chưa được tiêm chủng. Vì vậy, Bộ Y tế phối hợp với WHO và UNICEF tổ chức chiến dịch tiêm chủng sởi nhằm bao phủ vaccine cho trẻ, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh và chuyển nặng.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học, có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Phát biểu tại Hội nghị hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024 tổ chức ngày 22/8, bà Silvia Danailov - Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết đại dịch COVID-19 hoành hành đã gây gián đoạn nguồn cung ứng vaccine, cũng như công tác tiêm chủng vaccine, điều này tạo ra khoảng trống vaccine ở nhiều trẻ em Việt Nam. Thực tế, trong những tháng vừa qua, dịch sởi đã bùng phát ở nhiều tỉnh thành tại Việt Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, Việt Nam cần triển khai kịp thời các biện pháp để kiểm soát dịch sởi, đặc biệt là tiêm chủng vaccine. UNICEF khuyến khích tất cả các tỉnh thành coi chiến dịch tiêm chủng này là ưu tiên hàng đầu.

Bà Angela Pratt - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam chỉ rõ tại Việt Nam, hàng trăm nghìn trẻ em đã không được tiêm chủng từ năm 2021 tạo nên sự suy giảm trong tiêm chủng chưa từng thấy. Kết quả là số ca mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine đang gia tăng như: bạch hầu, ho gà đặc biệt là sởi đang lây nhiễm rất mạnh mẽ hiện nay.

Theo bà Angela Pratt, với các tỉnh thành có các chùm ca bệnh gia tăng nhanh chóng, WHO khuyến nghị công bố dịch để có thể kích hoạt các phương án chống dịch kịp thời.

Theo Bộ Y tế, để triển khai thành công Chiến dịch tiêm chủng sởi, Ủy ban nhân dân các tỉnh cần quan tâm chỉ đạo sở, ban ngành xây dựng, ban hành kế hoạch tại địa phương, bố trí đầy đủ kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng, bao gồm cả các đội cấp cứu lưu động, tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.

Hiện nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam đã tiêm miễn phí vaccine phòng 11 bệnh truyền nhiễm, gồm: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi-viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, rubella...

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai kế hoạch sử dụng vaccine mới như vaccine phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota, vaccine phòng bệnh do phế cầu, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung do virus HPV và xem xét báo cáo Chính phủ bổ sung thêm các loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm khác, để có thêm cơ hội phòng bệnh cho người dân...

Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
(Ngày Nay) - Bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, là gương mặt tiêu biểu của xu hướng “những người ảnh hưởng bạc” (silver influencer) với thành công trong vượt qua nghịch cảnh và tạo đồng cảm mạnh mẽ tại Trung Quốc. Liệu bà có thể là vũ khí bí mật của tỷ phú Elon Musk tại quốc gia tỷ dân?