Nhộn nhịp làng nghề gốm Bình Đức và bánh tráng Phú Long

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng tăng cao của người dân, nhiều làng nghề truyền thống ở Bình Thuận đã và đang đẩy mạnh sản xuất, tập trung vào các mặt hàng phục vụ Tết với số lượng lớn, góp phần tăng thu nhập và để sản phẩm làng nghề ngày càng vươn xa.
Các sản phẩm gốm được xếp xen kẽ với củi đốt để nung. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN
Các sản phẩm gốm được xếp xen kẽ với củi đốt để nung. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Những ngày này, tại nhà của nghệ nhân Lâm Hùng Sổi, làng gốm Bình Đức ở xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình không khí làm việc rất sôi động và khẩn trương; rất nhiều đồ gốm như chum, trã đất, lò đất… được nung xong và được chất lại theo hàng cao để chờ bạn hàng đến chở.

Tất bật nhào đất, ông Sổi chia sẻ, vì hàng tết tăng cao so với ngày thường nên ngoài việc huy động tất cả các thành viên, gia đình còn phải thuê thêm 2 lao động để tập trung sản xuất các sản phẩm đồ gốm đảm bảo về chất lượng và số lượng mà khách hàng đã đặt, đáp ứng nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán.

Theo ông Sổi, vào mỗi dịp Tết, các sản phẩm gốm đồ gia dụng hằng ngày như trã, nồi, ấm, khuôn bánh, lu, chum, chậu… là mặt hàng chiếm ưu thế và được thị trường tiêu thụ mạnh. Trong số đó, sản phẩm bếp lò được ưa chuộng hơn hẳn vì gắn liền tín ngưỡng cúng ông Táo của người dân. Mỗi ngày gia đình làm ra khoảng 50 - 70 sản phẩm gốm truyền thống. So với tết năm ngoái, lượng hàng làm ra năm nay tăng khoảng 20- 30%. Tuy nhiên giá cả sản phẩm bán ra cũng không tăng đáng kể, gần như giữ nguyên.

Kỹ thuật làm gốm của người Chăm có nhiều nét độc đáo mà không nơi nào có. Được làm hoàn toàn thủ công, sản phẩm gốm phải qua nhiều công đoạn, từ nhào đất đến nặn tạo hình… Gốm sau khi đươc tạo hình và phơi khô, được tập kết ở bãi nung lộ thiên. Gốm được chất lên thành đống cao, xen kẽ lớp gốm, lớp củi và rơm bao quanh.

Sau một giờ nung gốm ở lớp ngoài sẽ "chín" trước và được lấy ra trước. Gốm sau khi lấy ra khỏi lò được vảy lên một loại nước từ trái thị hoặc vỏ hạt điều ngâm, tạo ra những vết loang lấm tấm đen. Cách trang trí này khiến gốm Chăm khác biệt với các sản phẩm gốm khác.

Làng gốm Bình Đức hiện có 43 hộ duy trì nghề thường xuyên. Ngoài ra có khoảng 60 hộ làm theo thời vụ, cao điểm Tết Nguyên đán. Ngoài làm gốm truyền thống là các sản phẩm gia dụng, một số nghệ nhân còn làm ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người dân.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Mai, làng gốm Bình Đức cho biết, vào mỗi dịp Tết, các sản phẩm gốm mỹ nghệ như bát hương, đồ xông trầm, tượng thần, hình tháp, bình hoa… được các khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Thường thì khách hành gọi đặt trước theo yêu cầu để trang trí nhà cửa, không gian quán, cửa hàng… Ngoài ra, còn làm nhiều sản phẩm để giới thiệu và bày bán cho du khách tham quan tại Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm.

Sản phẩm gốm của người Chăm Bình Đức giá thành rẻ, gồm nhiều kích cỡ và chủng loại khác nhau, tiện lợi trong sử dụng nên được người dân địa phương ưa chuộng. Ngoài ra, sản phẩm còn được tiêu thụ ở các tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh…

Còn tại làng nghề bánh tráng ở thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc những ngày này, các lò bánh cũng "đỏ lửa" để kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Không khó để bắt gặp những hàng dài vỉ bánh tráng được phơi khắp sân nhà, tường rào, cả trên nóc nhà và các lối đi.

Đã từ lâu, món bánh tráng Phú Long trở thành món ăn khoái khẩu không chỉ của người dân địa phương mà cả du khách khi đến với Bình Thuận. Bánh trang Phú Long được biết đến với nhiều loại như bánh tráng dày để nướng phồng, bánh tráng cuốn chả chiên… nhưng loại được ưa chuộng nhất vẫn là bánh mỏng dẻo. Đây là món ăn không thể thiếu của người dân nơi đây trong mỗi ngày Tết. Những năm gần đây, nhờ cải thiện về mẫu mã, đa dạng chủng loại, bánh tráng Phú Long được thị trường các tỉnh lân cận ưa chuộng.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, thị trấn Phú Long cho biết, thường vào mỗi dịp Tết, số lượng bánh tráng được đặt nhiều hơn so với ngày thường. Nếu ngày thường mỗi ngày làm khoảng 1.000 cái thì vào dịp này tăng lên 1.500 cái. Mặc dù bánh trong dịp Tết được làm theo nhu cầu của khách, kỹ càng, chất lượng hơn nhưng giá cả vẫn không thay đổi nhiều so với ngày thường.

Theo một số chủ lò, năm nay mưa nắng thất thường, sợ không đủ bánh cung cấp thị trường nên hầu như từ đầu tháng 11 âm lịch các lò bánh đã bắt đầu làm bánh chuẩn bị cho mùa Tết. Mỗi ngày, lò bánh thường bắt đầu từ 2 giờ sáng và kéo dài đến 4 giờ chiều. Tất thảy từ người xay bột, người tráng, người phơi đến người gỡ bánh đều làm việc hết sức khẩn trương. Từng chồng bánh tráng thành phẩm được chất cao, ngay ngắn chờ người đến lấy và đưa đến người tiêu dùng.

Hiện nay, toàn thị trấn Phú long còn khoảng 40 lò bánh tráng truyền thống. Làm bánh tráng, nhất là mùa bánh Tết không chỉ đem lại thu nhập ổn định, giúp bà con sắm sửa đón Tết mà còn góp phần giúp giải quyết việc làm nông thôn.

Theo thước đo của Liên hợp quốc, các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên được coi là xã hội già hóa, trên 14% là “xã hội già,” trong khi trên 20% là “xã hội siêu già." Nguồn: The Korea Times
Hàn Quốc chính thức trở thành xã hội "siêu già"
(Ngày Nay) - Tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc có 10,24 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số 51,22 triệu người của cả nước, chính thức trở thành xã hội "siêu già theo thước đo của Liên hợp quốc.
Tiết mục xiếc thú vui nhộn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía các bạn nhỏ (Ảnh: Vân Hương).
Xiếc Việt nỗ lực chuyển mình trong kỷ nguyên mới
(Ngày Nay) - Những năm gần đây, nghệ thuật xiếc Việt Nam đã mạnh dạn sáng tạo và tìm tòi những cách thức độc đáo để “làm mới”. Loại hình nghệ thuật này đang dần khẳng định sức hút riêng và trở thành điểm sáng trong bức tranh nghệ thuật nước nhà.