Thực tế này đã được phản ánh trong báo cáo của tổ chức môi trường Global Footprint Network khi năm nay, sự kiện được gọi là "Earth Overshoot Day" (Ngày Trái Đất vượt giới hạn) - ngày mà con người dùng hết lượng tài nguyên thiên nhiên mà Trái Đất có khả năng đáp ứng được trong 1 năm, đến sớm hơn.
Kể từ lần đầu tiên được chính thức "đánh dấu" vào năm 1986,Earth Overshoot Day năm sau lại sớm hơn năm trước.
Năm 1993, Earth Overshoot Day rơi vào ngày 21/10. Tròn 10 năm sau, tức năm 2003, ngày này rơi vào 22/9 và đến năm 2017, Earth Overshoot Day vào ngày 2/8. Liên tiếp bị đẩy sớm lên, "Ngày Trái Đất vượt giới hạn" 2019 là ngày 29/7. Điều này đồng nghĩa với việc kể từ thời điểm đó, con người bắt đầu khai thác tài nguyên của thế hệ sau.
Theo báo cáo trên, năm nay, với thời điểm 29/7, con người đang tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên nhanh gấp 1,75 lần so với khả năng phục hồi của Trái Đất, tương đương với việc cần phải có "1,75 Trái Đất" mới có thể đáp ứng được nhu cầu tài nguyên của con người.
Báo cáo nêu rõ "món nợ" sinh thái ngày càng chồng chất dưới hình thức phá rừng, xói mòn đất, mất đa dạng sinh học hoặc tích tụ khí thải CO2 trong khí quyển. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu và làm gia tăng tần suất xảy ra các thảm họa thiên tai nghiêm trọng.
Người sáng lập Global Footprint Network - tổ chức phi chính phủ của Mỹ trong lĩnh vực môi trường, có trụ sở tại Oakland, California (Mỹ), Mathis Wackernagel nhấn mạnh nhân loại chỉ có một Trái Đất duy nhất, bởi vậy việc sử dụng nguồn tài nguyên vượt quá khả năng phục hồi của Trái Đất sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.
Earth Overshoot Day được Global Footprint Network và Quỹ bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) ấn định một ngày trong năm trên cơ sở ước tính nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm, khai thác tài nguyên (như gỗ, rừng), xây dựng cơ sở hạ tầng; cùng với khả năng hấp thu khí thải CO2 từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong 1 năm./.