Những lợi ích mà người tị nạn có thể mang lại cho Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chấp nhận mất nơi ở, tài sản, thậm chí mất người thân để tháo chạy, nhưng người tị nạn Afghanistan có thể mang lại nhiều lợi ích quan trọng về kinh tế và chính trị cho quê hương trong tương lai.
Những người tị nạn Afghanistan tại Sân bay Quốc tế Washington Dulles, Mỹ, ngày 25/8/2021. (Ảnh: AP)
Những người tị nạn Afghanistan tại Sân bay Quốc tế Washington Dulles, Mỹ, ngày 25/8/2021. (Ảnh: AP)

Từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan đến nay, quân đội Mỹ và các đồng minh đã giúp khoảng 123.000 người Afghanistan chạy thoát khỏi đất nước. Không chỉ mất nơi ở và tài sản, nhiều người trong số đó còn mất người thân và hoàn toàn cô độc sau khi "hạ cánh" ở một quốc gia khác. Afghanistan chắc chắn sẽ chịu tổn thất về nhân lực, bởi dòng người tị nạn bao gồm nhiều trí thức, doanh nhân và lãnh đạo. Họ là những người có kinh nghiệm điều hành các bệnh viện, trường học, doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với các nước phương Tây. Tuy nhiên, theo David Leblang - Giám đốc Trung tâm Chính sách Toàn cầu thuộc Đại học Virginia và Margaret E. Peters - Phó giáo sư Khoa Khoa học Chính trị thuộc Đại học California tại Los Angeles , người tị nạn Afghanistan sẽ không chỉ đóng góp cho đất nước tiếp nhận họ, mà còn mang lại lợi ích cho chính Afghanistan về lâu dài.

Những lợi ích mà người tị nạn có thể mang lại cho Afghanistan ảnh 1

Hàng trăm người tị nạn Afganistan chen chúc trên một chuyến bay sơ tán. (Ảnh: Defense One.)

Tăng cường mối quan hệ với nền kinh tế quốc tế

Sau khi tái định cư, người tị nạn có thể giúp tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Afghanistan theo nhiều cách. Ví dụ, khi người tị nạn Afghanistan giới thiệu những món ăn đặc biệt của họ cho người Mỹ, lượng nhập khẩu các loại thực phẩm đó sẽ tăng lên.

Không chỉ vậy, nhiều người tị nạn có chuyên môn về thị trường tại cả nước họ lẫn nước sở tại. Họ hiểu rõ các quy định về kinh doanh, thông thạo những mánh lới giúp hoạt động làm ăn được "trôi chảy" hơn, và có quan hệ với các đối tác kinh doanh tiềm năng tại nước ngoài - trong khi vẫn giữ quan hệ với những đối tác ở quê nhà.

Những mối quan hệ làm ăn như vậy đặc biệt quan trọng với Afghanistan - nơi các doanh nghiệp không thể dựa vào tòa án để phân xử các tranh chấp, bởi nước này không có những điều luật chặt chẽ về kinh doanh. Các đối tác làm ăn tin cậy và những mối quan hệ cá nhân rất quan trọng với doanh nghiệp tại Afghanistan. Trong quá khứ, người tị nạn Việt Nam tái định cư tại Mỹ sau chiến tranh Việt Nam đã giúp tăng cường các hoạt động thương mại và đầu tư giữa 2 nước, và không có lý do gì ngăn cản người tị nạn Afghanistan lặp lại điều tương tự.

Những lợi ích mà người tị nạn có thể mang lại cho Afghanistan ảnh 2
Người dân Afghanistan đổ đến sân bay tại thủ đô Kabul hôm 16/8. Ảnh: AFP.

Tăng lượng kiều hối chảy về Afghanistan

Kiều hối là tiền bạc được di chuyển từ những người đang trú ngụ hay là lao động ở nước ngoài đến thân nhân của họ tại quê hương.

David Leblang cho rằng, kiều hối có vai trò rất quan trọng với nền kinh tế chính trị của các nước đông dân cư. Nó giúp nhiều gia đình tăng mức đầu tư vào giáo dục, y tế và phúc lợi chung, đồng thời giúp các nước sở tại giữ cho tỷ giá hối đoái ổn định.

Hiện nay, Afghanistan đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu lương thực. Nhiều gia đình đang cần hỗ trợ khẩn cấp. Taliban khó có thể viện trợ cho người dân vào thời điểm này, bởi họ đang không có quyền truy cập vào các tài khoản của chính phủ Afghanistan hoặc các nguồn viện trợ khác.

Do đó, kiều hối sẽ là sự hỗ trợ cần thiết với những gia đình khó khăn. Không chỉ vậy, lượng kiều hối tăng có thể giúp ổn định đồng tiền đang bị mất giá của Afghanistan.

Giúp thay đổi nền chính trị Afghanistan

Về lâu dài, người tị nạn Afghanistan tại Mỹ và các nền dân chủ khác có thể giúp "dân chủ hoá" nền chính trị của Afghanistan.

Theo nhà kinh tế học Kamer Daron Acemoğlu, phương pháp tiếp cận từ trên xuống để xây dựng đất nước tại Afghanistan đã thất bại nặng nề. Chúng không tạo ra được một mạng lưới dân cư chặt chẽ tại địa phương và không giúp phát triển vốn xã hội - là các mối quan hệ xây dựng trên lòng tin giữa người với người. Ngược lại, một chiến lược tiếp cận từ dưới lên, bao gồm phát triển các tổ chức xã hội dân sự - chẳng hạn như công đoàn, tổ chức cộng đồng và thậm chí là các câu lạc bộ thể thao, có thể duy trì sự đấu tranh với chính quyền Taliban.

Cộng đồng người tị nạn có thể đẩy mạnh công tác dân chủ hoá thông qua "kiều hối xã hội". Cụ thể, người tị nạn tại các nước dân chủ sẽ thảo luận với gia đình, bạn bè ở quê nhà về những chuẩn mực và thực hành dân chủ lành mạnh, cũng như về quyền con người. Họ có thể học những kiến thức đó từ các hoạt động hàng ngày: tương tác với giáo viên tại các trường công lập; tham gia các nhóm công dân địa phương hoặc liên đoàn lao động; theo dõi bài viết của những cơ quan

Những lợi ích mà người tị nạn có thể mang lại cho Afghanistan ảnh 3

Người tị nạn Afghanistan tại sân bay quốc tế Washington Dulles, Mỹ. (Ảnh: AP)

báo chí tự do; chứng kiến ​​các đảng đối lập tranh luận với chính phủ... Hay đơn giản nhất, họ chỉ cần quan sát nền dân chủ đang hoạt động như thế nào. Dù vậy, sự phân biệt đối xử với người tị nạn có thể ngăn cản người tị nạn làm những điều trên.

Một số nghiên cứu như "Người Latinh, Nhập cư và Vận động Chính trị trong Thế kỷ 21" của Adrian D. Pantoja, Cecilia Menjívar và Lisa Magaña hay "Ảnh hưởng của kinh nghiệm di cư đến thái độ chính trị ở Trung và Đông Âu" của Romana Careja và Patrick Emmenegger cho thấy, người tị nạn & di cư tại các nước dân chủ có xu hướng ủng hộ nền dân chủ, và khuyến khích gia đình, bạn bè ủng hộ theo họ. Khi Taliban sụp đổ vào năm 2001, nhiều lãnh đạo các đảng chính trị dân chủ của Afghanistan đã làm việc trong các nền dân chủ trước khi trở về nước.

Tất nhiên, nhiều cộng đồng người tị nạn và di cư đã cố gắng, và thất bại trong việc thay đổi nền chính trị ở quê nhà. Ví dụ, chính phủ Ma-rốc đã trừng phạt nghiêm khắc những người tị nạn quay trở về quê hương, khi họ lập ra các công đoàn và tổ chức những phong trào ủng hộ dân chủ. Với luật pháp của Taliban, ủng hộ nền dân chủ cũng là một tội danh rất nghiêm trọng. Và mất trung bình khoảng 10 năm để nền dân chủ do người tị nạn & di cư mang về bắt đầu cho thấy những dấu hiệu khả quan, theo nghiên cứu "Di cư và tranh chấp chính trị" của Margaret E. Peters và Michael K. Miller.

Sau khi bắt buộc phải rời khỏi quê hương, người tị nạn Afghanistan vẫn đang có một tương lai mờ mịt. Rất nhiều người không mang theo bất cứ giấy tờ tuỳ thân nào, khiến họ không đủ điều kiện để được tái định cư. Nhưng một khi có thể tái định cư thành công, họ sẽ mang lại nhiều lợi ích dài hạn cho Afghanistan

Theo Washington Post
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
(Ngày Nay) - Chùa Pháp Hoa là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng Thành phố Hồ Chí Minh. Nằm ở trung tâm thành phố xô bồ, chùa Pháp Hoa yên bình tĩnh lặng đến lạ. Không chỉ là ngôi chùa cổ có lịch sử gần 100 năm, nơi đây còn là cái nôi văn hóa Phật pháp, được nhiều du khách thập phương tìm về hành hương mỗi dịp lễ Phật.
Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường
(Ngày Nay) -  Để ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường, tỉnh Ninh Thuận tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và kinh tế - xã hội. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường hiệu quả, bền vững.
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.