Những lớp học được đặt tên theo các hòn đảo của đất nước

Thầy cô và trò Trường Trung học Cơ sở Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đặt tên cho các lớp theo tên những hòn đảo, đá Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Vành Khăn, Song Tử Tây...


Cột mốc chủ quyền Trường Sa trong khuôn viên Trường Trung học cơ sở Kim Liên. Ảnh: TTXVN
Cột mốc chủ quyền Trường Sa trong khuôn viên Trường Trung học cơ sở Kim Liên. Ảnh: TTXVN

Thay vì gọi tên các lớp học 6A, 6C, 9A..., thầy cô và trò Trường Trung học Cơ sở Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đặt tên cho các lớp theo tên những hòn đảo, đá Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Vành Khăn, Song Tử Tây… để khẳng định chủ quyền quốc gia Việt Nam.

Nhìn vào tên các đảo, đá ở mỗi lớp cũng như cột mốc chủ quyền được đặt giữa trường, các em học sinh ở đây thêm tự hào về truyền thống dân tộc, về tinh thần yêu nước của ông cha.

Nếu có dịp đi ngang qua Trường Trung học Cơ sở Kim Liên, hình ảnh đầu tiên mà mọi người không thể quên ở ngôi trường khang trang, xinh đẹp này là cột mốc chủ quyền Trường Sa trang nghiêm trong khuôn viên trường. Công trình cột mốc Trường Sa với chiều cao gần 5 mét, rộng 1 mét, được làm bằng bêtông cốt thép, khánh thành vào ngày 2/9/2016. Mỗi cạnh gắn sao vàng, hình trống đồng; ghi rõ kinh độ, vĩ độ và thông tin về lịch sử quần đảo.

Chúng tôi đến thăm Trường Trung học Cơ sở Kim Liên vào một buổi sáng, đúng tiết học Giáo dục công dân ở lớp đảo Sinh Tồn do cô Nguyễn Thị Kim Thương đứng lớp.

Từ ngoài của sổ lớp học nhìn vào, chúng tôi không thấy tiết học Giáo dục công dân nhàm chán mà là sự tương tác sôi nổi của các bạn học sinh và giáo viên.

Khi cô giáo hỏi: “Các bạn có biết gì về đảo Sinh Tồn của chúng ta? Các chú bộ đội của chúng ta đang làm gì ở đó?," rất nhiều cánh tay giơ cao lên để xin trả lời. Rất nhanh chóng, bạn Hà Thị Thanh Liêm nói cặn kẽ về đảo Sinh Tồn như vị trí địa lý, lịch sử hòn đảo...

Những câu chuyện lịch sử về bảo vệ chủ quyền biển đảo, về những hòn đảo, đá ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thân yêu được cô trò cởi mở thảo luận. Cách học thú vị này giúp các em có những kiến thức bổ ích và dễ nhớ.

Cả trường Trung học Cơ sở Kim Liên có 16 lớp học, từ khối 6 đến khối 9, đều được đặt tên các hòn đảo, đá ở Việt Nam.

Bốn lớp khối 9 được đặt tên các đảo, đá: Sơn Ca, Đá Tây, Tiên Nữ, Hoàng Sa. Bốn lớp khối 8 được đặt tên các đảo, đá: Trường Sa Lớn, Châu Viên, Núi Thị, An Bang. Khối lớp 7 được đặt theo tên các đảo, đá: Cô Lin, Đá Lớn, Vành Khăn, Trường Sa Đông. Khối lớp 6 được đặt theo các tên đảo, đá: Sinh Tồn, Tốc Tan, Nam Yết, Song Tử Tây.

Bảng tên các hòn đảo được đặt ngay ngay gần tấm bảng bên tay phải. Ở vị trí đó, các bạn học sinh dễ dàng nhìn thấy khi ngồi trong lớp học, khi đi vào lớp hay lên bảng làm bài tập. Đó là cách cô trò nơi đây khẳng định chủ quyền đất nước, giúp các em hiểu biết, tiếp cận để nhớ hơn về lịch sử dân tộc mình.

Em Hà Thị Thanh Liêm, học sinh đảo Sinh Tồn cho biết: "Các bạn trong lớp em đều biết rất rõ về tên đảo lớp mình. Chúng em tự tin để giới thiệu tên của lớp với người khác. Nhìn thấy tên đảo trong lớp học, chúng em thấy biển đảo quê hương gần gũi, thân thương hơn."

Trường Trung học Cơ sở Kim Liên là ngôi trường đầu tiên ở Nghệ An đặt tên các hòn đảo, đá Việt Nam cho lớp học. Từ ý tưởng giáo dục tình yêu quê hương đất nước nói chung, tình yêu biển đảo nói riêng, thầy và trò cùng nhau đóng góp tiền, công sức để xây dựng cột mốc Trường Sa và đặt tên lớp học bằng tên các đảo.

Cô Nguyễn Thị Kim Thương, Chủ tịch Công đoàn Trường Trung học Cơ sở Kim Liên, chia sẻ khi nhà trường lên ý tưởng và hỏi các bạn học sinh đóng góp ý kiến, các bạn rất đồng tình, hăng hái tham gia. Bảng tên các đảo được thầy cô và các em tự tay làm trong dịp Hè để kịp khi bước vào năm học mới.

Cột mốc Trường Sa không chỉ nhắc nhở, ghi nhớ của cô trò Trường Trung học Cơ sở Kim Liên về chủ quyền quốc gia mà còn trở thành một địa điểm thú vị để học sinh nơi đây có những hoạt động trải nghiệm, những giờ học ngoại khóa, vui chơi.

Em Hà Lưu Giang, học sinh khối 9, cho biết: "Khi có cột mốc và các tên đảo, chúng em dễ dàng hơn trong việc tiếp thu được nhiều kiến thức mới, đặc biệt về môn Lịch sử và Địa lý."

Một mùa Xuân mới đang về, những chuyến hàng Tết đang theo các con tàu vượt sóng đến với các chiến sỹ nơi đảo xa. Tất cả đó là tình cảm của người thân, các em học sinh… ở đất liền gửi gắm các anh nơi đầu sóng, ngọn gió.

Ở nơi xa ấy, câu chuyện về Trường Trung học Cơ sở Kim Liên trên quê hương Bác Hồ được chuyển đến những chiến sỹ ngoài đảo xa chắc chắn sẽ khiến các anh thêm ấm lòng, vững vàng tay súng bảo vệ biển trời của Tổ quốc./.

Theo Vietnamplus
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.