Những người chơi không biết luật

Làn sóng mạnh mẽ phản đối chương trình “60 phút mở” đang cho thấy một dẫn chứng rất điển hình về sự lây nhiễm tinh thần và tính dễ bị kích hoạt của đám đông.
Những người chơi không biết luật

Trong tác phẩm kinh điển “Tâm lý học đám đông”, Gustave Le Bon đưa ra 2 khái niệm rất thú vị là “contagion metale” (sự lây nhiễm tinh thần) và “suggestibilitie” (tính dễ bị kích hoạt). Hai trạng thái tâm lý này, dẫn dắt những cá nhân đi đến những biểu hiện tâm lý đồng nhất của 1 đám đông. Và điều thú vị là, biểu hiện đồng nhất của đám đông nhiều khi trái ngược hoàn toàn với tính cách của các cá nhân cấu thành nên đám đông ấy.

Nói đơn giản, chẳng hạn như một người có tinh thần xây dựng, mong muốn góp tiếng nói tích cực vào một vấn đề xã hội. Nhưng khi hòa vào đám đông, và cộng hưởng với những tiếng nói khác, nhiều khi quan điểm của đám đông ấy lại rất tiêu cực và thiếu tính xây dựng. Nhưng cá nhân tích cực của chúng ta vẫn bị cuốn vào, và hăng say đóng góp cho tiếng nói đã trở thành trái ngược với tinh thần ban đầu của chính anh ta.

Làn sóng mạnh mẽ phản đối chương trình “60 phút mở” với chủ đề “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?”, đang cho thấy một dẫn chứng rất điển hình về sự lây nhiễm tinh thần và tính dễ bị kích hoạt của đám đông, mà Gustave Le Bon đã miêu tả.

Những người chơi không biết luật ảnh 1

MC Phan Anh trong chương trình "60 phút mở"

Trong một chương trình chưa đầy 1 tiếng đồng hồ (thực ra là gần 40 phút, sau khi đã trừ thời lượng quảng cáo và hình hiệu), người dẫn chương trình - nhà báo Tạ Bích Loan - đã xoáy sự phản biện vào hành động share link phóng sự “Thí nghiệm cá chết khi cho vào nước biển Vũng Áng” (kênh VTC14 - Đài truyền hình kỹ thuật số VTC thực hiện - tháng 5/2016) của MC Phan Anh. Cùng “phe” với nhà báo Tạ Bích Loan, là các nhân vật rất tiếng tăm của làng báo, mạng xã hội và đại diện giới nghiên cứu tâm lý học hành vi. MC Phan Anh bị truy vấn dồn dập, phản biện gay gắt, và gần như cô độc trong suốt thời lượng chương trình.

Ngay sau khi chương trình phát sóng, dư luận bức xúc dữ dội. Người ta gọi đó là cuộc “đấu tố”, và đồng loạt lên tiếng bênh vực MC Phan Anh. Chính cái tên của chương trình: “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?” - trở thành mệnh đề bản lề để dư luận “ném đá”. Và thật là thú vị: đám đông phản đối một “cuộc ném đá” trên trường quay, bằng một “cuộc ném đá” khác trên mạng xã hội. Chỉ khác là “cuộc ném đá” sau thì đông đảo hơn, bạo liệt hơn, và thậm chí là thiếu văn hóa hơn rất nhiều (với vô vàn lời lẽ xỉ vả, miệt thị chợ búa, nhắm cả vào ngoại hình và đời tư của các cá nhân xuất hiện trong chương trình).

Vậy thực sự thì điều gì đã diễn ra trong chương trình truyền hình ấy?

“60 phút mở” - chương trình lên sóng từ tháng 10/2015 trên sóng VTV, vốn được xây dựng trên format chương trình “60 Minutes” của Đài CBS Hoa Kỳ - lên sóng lần đầu từ năm 1968. Format của chương trình này, là mời các nhân vật nổi tiếng đến trường quay, và sử dụng các phóng sự, các tài liệu… hỗ trợ cho người dẫn chương trình, để: Tạo ra một cuộc trao đổi thẳng thắn trên tinh thần truy vấn.

Có rất nhiều nhân vật nổi tiếng tham dự chương trình “60 Minutes” như Tổng thống Iran Mahmoud Ahmandinejad, Tổng thống Mỹ J. Kennedy, Tổng thống Mỹ Obama, Chủ tịch Phong trào giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat, Giáo chủ Iran Khomeini đến Đặng Tiểu Bình… Và họ đều đương đầu với những cuộc truy vấn của “60 Minutes” bằng bản lĩnh của mình.

Những người chơi không biết luật ảnh 2

“60 Minutes” là một chương trình truyền hình cũng gây nhiều tranh cãi ở Mỹ.

Không ít lần, những cuộc tranh cãi đã nổ ra, trong và cả sau khi chương trình lên sóng. Năm 1982, tướng Westmoreland - nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chiến tranh Việt Nam - đã đâm đơn kiện người dẫn chương trình “60 Minutes” - Mike Wallace và hãng CBS với nguyên nhân: Xúc phạm danh dự. Vụ án kéo dài trong khoảng hai năm sau đó 2 bên hòa giải trước khi tòa đưa phán quyết.

Nói như vậy để thấy rằng, khoan xét đến nội dung và phương pháp mà nhà báo Tạ Bích Loan cùng ê-kíp thực hiện “60 phút mở” đã áp dụng trong chương trình mà đối tượng truy vấn là MC Phan Anh. Thì bản chất format chương trình là tạo ra sự hấp dẫn, cảm xúc, giữ chân khán giả bằng những câu hỏi dồn dập, sự “tấn công” đa chiều của các khách mời. Và kết quả cuối cùng là truyền tải những thông điệp tích cực (mà các khách mời, kể cả MC Phan Anh, đã nêu lên ở phần kết chương trình, như là “đừng im lặng”, “chia sẻ có trách nhiệm” hay “Facebook đồng nghĩa với cô đơn”…).

Bản thân MC Phan Anh, sau những ồn ào của dư luận để bênh vực mình, đã phát ngôn ngắn gọn rằng “Xin vui lòng tôn trọng những ý kiến khác biệt! Hãy trao đổi một cách bình tĩnh, văn hoá. Họ trong đời sống đều là người tôi quý mến và ngược lại tôi tin không có thù ghét gì tôi cả”.

Những người chơi không biết luật ảnh 3

Những nhân vật tham dự chương trình "60 phút mở"

Vậy đấy, khi chính “nạn nhân” của “một chương trình truyền hình bất công” đang vui vẻ nghỉ mát cùng gia đình, và kêu gọi sự bình tĩnh đối thoại một cách có văn hóa. Thì ở khắp nơi, hàng vạn người khác vẫn đang say sưa mắng mỏ, chỉ trích, thậm chí thóa mạ… thay cho “nạn nhân”. Thông điệp tích cực mà MC Phan Anh muốn truyền đi: “Đừng im lặng, hãy mạnh dạn lên tiếng một cách có trách nhiệm”, bị bóp méo thành một ý nghĩa kiểu như là: “Đừng im lặng, hãy ném đá đến chết những kẻ làm bạn không hài lòng”.

Năng lượng tiêu cực đó, buồn thay, lại dễ dàng lan tỏa hơn rất nhiều, bởi sự lây nhiễm tinh thần và tính dễ bị kích hoạt của đám đông đang ngày càng xa rời mục tiêu tốt đẹp mà chúng ta đề ra. Khi “ném đá” vào một nhóm người, dù là với động cơ bênh vực, bạn đã không còn “chơi đúng luật”. Trong trường hợp đó là 1 chương trình truyền hình - thứ luôn được tính toán kỹ, dựa trên tác động đến cảm xúc và hành vi của người xem - thì càng bị chi phối và cuốn đi, bạn càng chứng tỏ rằng: Mình đang là một người chơi không biết luật.

Gia Hiền

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc.
Đường sắt Việt Nam tiếp tục xảy ra sự cố tàu hoả trật bánh
(Ngày Nay) - Ngày 1/11/2024, trên tuyến đường sắt vào ga Hải Vân Nam (TP. Đà Nẵng) tiếp tục xảy ra vụ trật bánh tàu khiến 3 toa hàng lật, gây ách tắc đoạn tuyến qua đèo Hải Vân. Trước đó, đường sắt Việt Nam đã liên tiếp xảy ra nhiều sự cố tương tự, mà các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân cần xem xét về yếu tố chất lượng, niên hạn toa tàu, nhất là toa tàu hàng.