Trường hợp gây xôn xao dư luận nhất trong thời gian qua phải nhắc đến là trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trong thời gian từ tháng 2/2009 đến tháng 5/2013. 4 tháng sau khi ông Thanh rời khỏi PVC, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có công văn yêu cầu lãnh đạo mới của đơn vị báo cáo về tình hình kinh doanh.
Trong báo cáo gửi PVN hồi tháng 9/2013, người đại diện vốn tại tập đoàn đã có một báo cáo “màu xám” về những thua lỗ của PVC trong năm 2012 và các năm trước đó. Báo cáo cho thấy, tính đến hết tháng 6/2013, tình hình sản xuất kinh doanh và tài chính của PVC cực kỳ khó khăn. Tổng doanh thu của riêng công ty mẹ chỉ vỏn vẹn hơn 510 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế tính đến thời điểm 31/6/2013 lên tới hơn 4.212 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế hợp nhất của toàn công ty lên tới 3.274 tỷ đồng.
Để lại những khoản lỗ lớn sau lưng, ông Thanh về làm Phó Chánh Văn phòng, Trưởng đại diện Bộ Công Thương tại Đà Nẵng vào tháng 9/2013. Trong gần 2 năm sau đó, ông Thanh liên tiếp được bổ nhiệm giữ các chức vụ: Chánh văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ Công Thương; Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng bộ Bộ Công Thương; Thường trực ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Bộ Công Thương. Đến tháng 5/2015, ông Thanh được Bộ Công Thương luân chuyển công tác vào tỉnh Hậu Giang và sau đó được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh này.
Lùm xùm khác trong việc bổ nhiệm mà ông Vũ Huy Hoàng phải đối mặt chính là những cáo buộc của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) về việc bổ nhiệm sai quy trình, vi phạm Luật Doanh nghiệp và Luật Phòng chống Tham nhũng đối với ông Vũ Quang Hải (con trai của ông Vũ Huy Hoàng) từ Công ty cổ phần đầu tư tài chính dầu khí (PVFI) về làm lãnh đạo tại Sabeco.
Cụ thể, ông Vũ Quang Hải khi mới 25 tuổi, không có thành tích kinh doanh gì nhưng lại được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc PVFI và sau đó công ty này liên tục bị thua lỗ. Sau hai năm làm lãnh đạo tại PVFI, ông Hải được điều động về Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) với chức danh Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu. Tiếp theo việc bổ nhiệm này, ông Hải được điều động làm Kiểm soát viên Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam rồi sau đó lại được giới thiệu tham gia HĐQT và giữ chức Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) khi mới 29 tuổi.
Một trường hợp gây nhiều tranh cãi về việc không có kinh nghiệm quản lý thực tế và không thuộc diện quy hoạch nhưng vẫn được bổ nhiệm làm lãnh đạo doanh nghiệp là trường hợp ông Đỗ Xuân Hạ, Chủ tịch Tổng Công ty Bia rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco). Ông Hạ từng là Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương của Bộ Công Thương trước khi được điều về tổng công ty lớn thứ hai của ngành bia rượu.
Vụ việc gây dị nghị khác tại Bộ Công Thương dưới thời ông Vũ Huy Hoàng là tại Cục Quản lý Thị trường từng xảy ra “bê bối” trong kỳ thi tuyển công chức vào năm 2013. Và người phụ trách đơn vị xảy ra chuyện đó là ông Trương Quang Hoài Nam, sau đó cũng đã được luân chuyển đi làm Phó Chủ tịch thành phố Cần Thơ.
Đặc biệt, tại cục này cũng trong năm 2013 xảy ra việc bổ nhiệm 2 người cùng giữ một chức trưởng phòng. Cụ thể, ông Kiều Nghiệp được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả theo Quyết định 1268/QĐ-QLTT ngày 8/8/2013. Đến ngày 25/1/2014, ông Thân Đức Công được bổ nhiệm cũng vào vị trí trên với Quyết định 116/QĐ-QLTT do lãnh đạo Cục Quản lý thị trường ký. Khi ông Công được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả thì không có văn bản nào hủy bỏ quyết định bổ nhiệm ông Kiều Nghiệp.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo Tiền Phong và một số cơ quan bán chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện Bộ Công Thương đang tập trung quyết liệt xây dựng bộ máy tổ chức, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập, đáp ứng được chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng gần đây về thể chế, về con người. Trước mắt, Bộ phải tập trung vào giải quyết những tồn tại công tác cán bộ.
“Chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải được đẩy nhanh hơn theo hướng giảm thiểu vai trò của khối doanh nghiệp này trong tất cả lĩnh vực, trừ an ninh, quốc phòng. Chúng tôi tiếp tục thúc đẩy tiến trình hội nhập, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường mới. Bên cạnh đó, có những vấn đề phải xử lý ngay như một số dự án không phát huy hiệu quả, có nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước, xã hội do triển khai chậm, kéo dài. Rồi phải hoàn thiện quản lý nhà nước về kinh doanh đa cấp, quản lý hóa chất, vệ sinh an toàn thực phẩm…”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.