Gần đây qua phương tiện truyền thông, được biết Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch vừa có công văn số 3754/BVHTTDL-TTr gửi Thủ tướng Chính phủ đánh giá về hoạt động trao danh hiệu cho cộng đồng do một số tổ chức xã hội thực hiện trong thời gian qua, trong đó có Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Hội Sinh vật cảnh Việt Nam. Để rộng đường dư luận, Tạp chí Ngày Nay đã có cuộc phỏng vấn nhà ngoại giao, nhà báo Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.
- Ông có thể cho biết đánh giá của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam về văn bản số 3754/BVHTTDL, ngày 6/9/2017 của Bộ VHTT&DL gửi Thủ tướng Chính phủ?
- Đầu tháng 3/2017 Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã gửi văn bản số 932/BVHTTDL-TTr đến tất cả các tỉnh thành trong cả nước, thông báo “Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã vượt thẩm quyền “tổ chức vinh danh và công nhận “Cây Di sản”; cấp bằng cho hệ thống đền đạt chuẩn hóa đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam; Bằng công nhận “Việt Nam Linh thiêng cổ tự”; Bằng chứng nhận “Nghệ nhân văn hóa dân gian”; Bằng chứng nhận tôn vinh “Nghệ nhân” đồng thời đề nghị các hội có tên trên dừng các hoạt động này.
Nhà ngoại giao, nhà báo Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. |
Văn bản này ngay lập tức được tung lên báo chí và các mạng thông tin đại chúng, gây sự hiểu nhầm đáng tiếc cho dư luận về Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và các tổ chức bạn.
Ngày 27/3/2017 Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã họp và thống nhất đánh giá văn bản của Bộ VHTT&DL có nhiều điểm thể hiện sự quan liêu, bóp méo sự thật, cửa quyền, thiếu tinh thần xây dựng, gây tổn hại uy tín, danh dự và các lợi ích hợp pháp của Liên hiệp. BCH Liên hiệp cũng thông qua nghị quyết là Liên hiệp cần báo cáo sự việc này với cơ quan cấp trên của Bộ VH-TT&DL là Thủ tướng Chính phủ để làm rõ những sự thật về vấn đề mà Bộ VH-TT&DL đã đưa ra. Ban Chấp hành đã giao cho Chủ tịch Liên hiệp giải thích với báo giới về quan điểm, đánh giá của Liên hiệp về vấn đề này đồng thời có công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL giải thích thỏa đáng với Liên hiệp và công luận về những vấn đề liên quan.
Nội dung công văn lần này, ký ngày 06/9/2017 của Bộ VH-TT&DL chỉ là đề cập lại những vấn đề đã nêu ở công văn trước, nhưng trên một số góc nhìn khác. Cuộc họp Thường vụ BCH Liên hiệp ngày 09/9/2017 một lần nữa khẳng định bảo lưu ý kiến của mình như trong các công văn đã trình bày với Thủ tướng Chính phủ về Bộ VHTT&DL.
- Khi đưa ra quan điểm của mình về việc cấp bằng chứng nhận, phong tặng danh hiệu liên quan đến di sản, Bộ VH-TT&DL khẳng định việc vinh danh, cấp bằng chứng nhận danh hiệu của một số tổ chức xã hội, trong đó có Liên hiệp các Hội UNESCO VN là chưa được pháp luật quy định. Quan điểm của Liên hiệp như thế nào về việc này, thưa ông?
- “Chưa được pháp luật quy định” - tức là được luật pháp cho phép làm. Tôi rất ngạc nhiên hiện nay có một số bộ phận đưa ra các cách lý giải và cách hiểu rất khác nhau về khái niệm “chưa được pháp luật quy định” hoặc “không nằm trong diện điều chỉnh của luật pháp”. Các văn bản trên của Bộ VHTT&DL cũng sử dụng các khái niệm này theo cách riêng của Bộ VHTT&DL, ám chỉ nếu chưa được luật pháp quy định tức là “trái” với luật pháp, là phạm pháp. Nhưng đây là vấn đề luật pháp nên chúng ta cần hiều đúng theo tinh thần luật pháp và thực hiện đúng luật, không thể muốn hiểu thế nào thì hiểu, muốn nói kiểu gì thì nói.
Theo tôi, khái niệm “không được pháp luật quy định” hay “không nằm trong diện quy định của pháp luật” là tương đồng. Nếu cho rằng những hình thái hoạt động của con người mà không được luật pháp quy định là “trái” với luật pháp thì trên 80% hành vi và các hình thái hoạt động của con người, của xã hội đều là bất hợp pháp. Tất nhiên đó là một cách suy diễn thô thiển và không đúng với tinh thần luật pháp. Các bộ luật trên đời này không thể nào quy định hết cho mọi vấn đề của đời sống và sinh hoạt xã hội, trong đó có hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, cho nên các tổ chức xã hội mới cần phải có điều lệ riêng để hoạt động.
Người lao động trong bộ máy nhà nước được quy định chặt chẽ bởi hệ thống luật pháp thông qua các cơ chế tập trung, mệnh lệnh, các quy tắc hành chính và chế tài nghiêm ngặt, được nhà nước bảo lãnh bằng các cam kết và nghĩa vụ pháp lý kèm một hệ thống chế độ chính sách, được trả công bằng tiền lương của nhà nước. Trong khi đó nguyên tắc căn bản của các tổ chức xã hội dân sự là hoạt động bằng tinh thần tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm trước luật pháp và tự trang trải kinh phí. Đa số các loại hình hoạt động của cá tổ chức xã hội – nghề nghiệp đều không nằm trong diện điều chỉnh của chính sách và quy định của luật pháp, mà là bằng điều lệ riêng của mỗi hội, được luật hóa bằng sự phê chuẩn của cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ. Bởi không được Nhà nước đưa vào diện điều chỉnh chính sách nên điều kiện tiên quyết của các tổ chức xã hội dân sự là tính năng động, linh hoạt và sáng tạo. Ngừng năng động, sáng tạo các hội sẽ chỉ còn hình thức hoặc tan rã. Mà sáng kiến và sáng tạo không thể khơi dậy bằng mệnh lệnh và thói quan liêu cửa quyền. Cho nên Bộ VH-TT&DL mới gọi các hình thức hoạt động của các tổ chức xã hội mà Bộ VH-TT&DL đặc biệt quan tâm là “không có thẩm quyền” và “do các tổ chức tự đặt ra”. Như vậy, nếu nói theo tinh thần công văn của Bộ VH-TT&DL, tức là nếu cái gì cũng phải được nhà nước đưa vào chính sách, đưa vào quy định của Nhà nước thì mới hợp pháp, vậy thì còn cần gì đến các tổ chức nhân dân, sáng kiến và đóng góp của nhân dân. Ngược lại, với sự tiến bộ xã hội và sự đi lên của đất nước, Đảng và Nhà nước ta hơn bao giờ hết xem trọng các tổ chức nhân dân và coi đó như một nguồn sức mạnh đầy tiềm năng, không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Từ một đất nước bước ra từ cơ chế bao cấp đã cắm rễ trong nhận thức, thói quen trong nhiều năm tháng, để nhận biết ý giá trị lớn lao sự đổi mới của dân tộc và hành động đúng cùng sự phát triển đi lên của đất nước, đòi hỏi mỗi con người chúng ta phải liên tục tu dưỡng và học tập để tự đổi mới bản thân, trong đó phải chấp nhận một thực tế khách quan là đất nước cần đến một hình thái hoạt động mới, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước – đó các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ, cũng tức là các tổ chức nhân dân. Trong phong trào tự nguyện của các tổ chức nhân dân, đòn bẩy duy nhất tạo nên sự thành công không phải là chế độ đãi ngộ, chức quyền, lương bổng mà đó là thái độ, hành vi và những biện pháp mang tính chất động viên, khuyến khích dành cho những người đóng góp tình nguyện. Bởi vậy các hoạt động khen thưởng đối với các tổ chức nhân dân, việc phát hiện kịp thời để động viên khuyến khích, thậm chí tôn vinh những công dân có thành tích đóng góp tình nguyện cho sự nghiệp công ích là việc làm mang ý nghĩa đạo lý và cần đến bàn tay của những con người có trách nhiệm và những tấm lòng (Tâm).
- Vậy căn cứ vào đâu để Liên hiệp các Hội UNESCO VN thực hiện công tác thi đua khen thưởng cho những người có thành tích đóng góp cho phong trào UNESCO phi chính phủ ở Việt Nam, thưa ông? Đánh giá của ông về ý kiến của Bộ VH-TT&DL về vấn đề này?
- Điều lệ của Liên hiệp được Bộ Nội vụ phê chuẩn quy định “Liên hiệp có nhiệm vụ và nghĩa vụ khen thưởng và trao giải thưởng của Liên hiệp cho các cá nhân và tập thể trong cộng đồng có thành tích đóng góp vào sự nghiệp nâng cao dân trí, xây dựng đất nước theo tiêu chí UNESCO”, đồng thời có nhiệm vụ “giúp đỡ, hướng dẫn, bảo trợ di tích, danh thắng và các hoạt động của hội viên và của cộng đồng có nội dung liên quan đến UNESCO khi có yêu cầu”. Điều lệ cũng quy định “Hội viên, tổ chức của Liên hiệp có đóng góp xuất sắc cho Liên hiệp; các tập thể cá nhân trong và ngoài nước có những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho hoạt động của Liên hiệp, cho đất nước phù hợp với tiêu chí của Liên hiệp và UNESCO thì Liên hiệp xem xét khen thưởng hoặc được đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng”.
Các hoạt động khen thưởng, động viên của tổ chức chúng tôi, trong đó có hình thức cấp chứng nhận hoạt động cho hội viên hoàn toàn không phải là hoạt động “xếp hạng di tích” hoặc là “tôn vinh các danh hiệu cao quý cấp Nhà nước”, hoặc “vượt thẩm quyền” của Bộ VH-TT&DL như cách Bộ VH-TT&DL cố tình áp các hoạt động này vào Luật Thi đua khen thưởng, Luật Di sản.
Cùng với sự ra đời của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam (1993), Liên hiệp đã tiến hành nhiều cuộc vận động kêu gọi nhân dân tham gia các hoạt động bảo tồn và đã thực hiện thành công nhiều hoạt động trùng tu tôn tạo những di tích lịch sử - văn hóa mà ngành văn hóa bỏ hoang trong nhiều năm. Ngoài ra Liên hiệp cũng đã tổ chức nhiều hội nghị khoa học, hội thảo, diễn đàn trong nước và quốc tế để tuyên truyền về tầm quan trọng của sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc – là những công việc được Liên hiệp thực hiện và xã hội công nhận từ nhiều năm trước khi Luật Di sản Việt Nam ra đời.
Có thể nói tất cả các hoạt động của Liên hiệp không phải do Ban Chấp hành tự nghĩ ra mà đều xuất phát từ yêu cầu thiết thực và chính đáng của cuộc sống, đều do cộng đồng, hội viên và các đơn vị thành viên của Liên hiệp đề xuất, được Liên hiệp cân nhắc, xem xét và ủng hộ, bao gồm các nội dung và hình thức thi đua khen thưởng. Đó là lý do vì sao các hoạt động này luôn được quần chúng nhân luôn đón nhận, trân trọng và đến với Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam ngày càng đông đảo.
Hoạt động thi đua khen thưởng, cấp chứng nhận của Liên hiệp trong 25 năm qua chưa từng bị hiểu nhầm sang hình thức thi đua khen thưởng của Nhà nước, bởi tất cả các hoạt động này đều không nằm trong diện điều chỉnh chính sách và các quy định của luật pháp, được thực hiện bằng danh nghĩa Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, hướng đến việc khuyến khích động viên hội viên và những người tham gia đóng góp cho các hoạt động của Liên hiệp.
Do đó, việc Bộ VH-TT&DL kết luận rằng “việc tôn vinh này không được pháp luật quy định, các đối tượng tiếp nhận không thuộc diện điều chỉnh các quy định và chế độ chính sách của Nhà nước nên gây hiểu nhầm và dư luận không tốt trong xã hội giữa các đối tượng được Nhà nước trao tặng danh hiệu với các đối tượng do các tổ chức xã hội – nghề nghiệp công nhận” là một kết luận rất khó hiểu, lạ lẫm, không phù hợp với tinh thần luật pháp, đi ngược xu thế phát triển đất nước, thể hiện ý đồ “ngăn sông cấm chợ” và mâu thuẫn với vị thế của một cơ quan quản lý đầu ngành của Chính phủ. Nếu như có sự hiểu nhầm, thì đó không phải từ phía xã hội, mà từ phía Bộ VH-TT&DL.
Vấn đề cần đặt ra là vì sao Bộ VH-TT&DL lại có sự hiểu nhầm sâu sắc đó? Vì sao với tư cách là một cơ quan đầu ngành về chính sách văn hóa của quốc gia, có trách nhiệm giúp đỡ, khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để nhân dân và các tổ chức nhân dân tích cực tham gia đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc, nhưng chỉ thấy Bộ VH-TT&DL quan tâm đặc biệt đến vấn đề bằng chứng nhận mà không thấy quan tâm đến mục đích, nội dung, giá trị, ý nghĩa của các tổ chức nhân dân trong hoạt động này?
- Trong suốt 6 tháng qua, dù đã có rất nhiều văn bản trao đi đổi lại, Bộ và Liên hiệp đã bao giờ gặp trực tiếp trao đổi và tháo gỡ những vướng mắc chưa?
- Văn bản đầu tiên của Bộ VH-TT&DL ký ngày 10/3/2017, nhưng mãi đến 17 ngày sau Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam mới nhận được. Trước đó Bộ VH-TT&DL không hề tiến hành xác minh điều tra các nội dung đã nêu trong công văn với các đương sự liên quan, với tổ chức chủ quản là Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, thậm chí cẩu thả đến mức đã viện dẫn sai tài liệu pháp lý để đánh giá và phê phán hoạt động hợp pháp Liên hiệp.
Với văn bản lần này, Bộ VH-TT&DL ký ngày 6/9/2017 cũng diễn ra tương tự. Đây là báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ với nội dung liên quan đến hoạt động của Liên hiệp, nhưng Bộ VH-TT&DL đã cho người gửi đến tất các cơ quan báo chí để công bố văn bản gửi Thủ tướng, trong khi, theo chúng tôi được biết vào thời điểm đó Văn phòng Chính phủ vẫn chưa nhận được và các cơ quan chức năng chưa xử lý văn bản này. Phải chăng đây lại là một cách làm vội vàng, với ý đồ nhằm kích hoạt công luận để gây sức ép lên các cơ quan chức năng của Đảng và Chính phủ với ý đồ lộ liễu là hạn chế các hoạt động hợp pháp của các tổ chức nhân dân?
Chúng tôi rất ngỡ ngàng với cách làm khó hiểu và xa lạ này lại xuất phát từ một cơ quan đầu ngành của đất nước. Những việc làm khó hiểu này của Bộ VH-TT&DL thể hiện sự tắc trách, thiếu đường hoàng của những nhà quản lý Văn hóa Việt Nam, không tương xứng với hình ảnh, vị trí và nhiệm vụ mà nhân dân mong đợi.
- Có thông tin rằng Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam sẽ tiến hành khởi kiện Bộ VH-TT&DL ra tòa hành chính, sự việc này đang được tiến hành như thế nào? Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam sẽ tiếp tục làm gì để bảo vệ quan điểm của mình, các hoạt động vinh danh, cấp bằng chứng nhận cho các cá nhân tập thể vẫn được tiến hành theo đúng kế hoạch chứ?
- Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 27/3/2017, tôi đã thay mặt BCH Liên hiệp bày tỏ quan điểm của Liên hiệp là “Mặc dù trong suốt 14 năm qua, trước đây là Bộ VH, nay là Bộ VH-TT&DL đã đưa ra không ít quyết định, nhận định và chủ trương quan liêu, bất công, thiếu tinh thần xây dựng đối với Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, nhưng thái độ nhất quán từ xưa đến nay của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam là nghiêm chỉnh chấp hành ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước”.
Với công văn lần này, Bộ VH-TT&DL đã đẩy mâu thuẫn lên mức cao hơn bằng cách tiếp tục đưa thêm những thông tin thất thiệt, những kết luận không minh bạch có thể làm cho dư luận càng hiểu sai về Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Trong đó đưa cả nội dung Ông Chủ tịch Liên hiệp ký tên với danh nghĩa “Tổng Thư ký UNESCO thế giới”. Đó là hoàn toàn thông tin bịa đặt, bởi UNESCO không có chức danh Tổng Thư ký, mà chỉ có Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới mới có chức danh đó. Chức danh đó nếu cần phải sử dụng thì luôn được gắn liền với cụm từ “Liên hiệp”, đều được nằm dưới tiêu đề của tổ chức chúng tôi là “Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam” hoặc “Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới” và không ai có thể bị nhầm lẫn cả trừ phi đó là “hiểu nhầm” có ý thức. Chúng tôi sẽ coi việc làm này của Bộ VH-TT&DL là thế nào đây khi Bộ tính toán đưa thông tin dạng này vào báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, nếu như Bộ không đưa ra được bằng chứng xác đáng cho sự việc này?
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL cũng đã thể hiện sự thiếu trung thực với người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ khi thông báo “Sau khi Công văn 932/BVHTTDL-TTr ngày 10/3/2017 của Bộ VHTT&DL ban hành, các tổ chức khác không có ý kiến, riêng Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã có Công văn 16/CV-LH ngày 27/3/2017 và Công văn số 46/CV-Lh ngày 09/6/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị đối với Công văn 932/BVHTTDL-TTr”. Điều này hoàn toàn sai sự thật bởi Bộ VHTT&DL không thể chối bỏ việc đã nhận được công văn 129/LHHVN ngày 14/3/2017 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN và công văn số16/2017/QĐ-SVC ngày 16/3/2017 của Hội Sinh vật cảnh VN gửi Bộ VHTT&DL phản đối nội dung công văn 932/BVHTTDL-TTr của Bộ VHTT&DL, yêu cầu Bộ VHTT&DL cải chính và thu hồi công văn này. Công văn của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam còn được gửi tới các cấp chính quyền địa phương khắp cả nước, gửi tới VP Trung ương Đảng, VP Chủ tịch nước, VP Chính phủ, VP Quốc hội và VP TƯ MTTQVN.
Việc khởi kiện Bộ VH-TT&DL không phải là mong muốn của tổ chức chúng tôi, trừ phi các cơ quan công quyền tiếp tục im lặng (như đã diễn ra 6 tháng nay) và không đưa ra kết luận thỏa đáng cho các bên, bỏ mặc tình trạng lợi ích hợp pháp của hàng ngàn hội viên của chúng tôi bị đe dọa do các cấp chính quyền địa phương đang vận dụng công văn của Bộ VH-TT&DL như một văn bản quy phạm pháp luật.
Để làm rõ điểm này, tôi xin trích dẫn công văn số 208/KTrVB-KGVX, ngày 16/5/2017 của Bộ Tư pháp trả lời Liên hiệp các Hội UNESCO VN, trong đó nêu rõ là công văn 932/BVHTTDL-TTr của Bộ VHTTDL “không phải là văn bản quy phạm pháp luật”, do đó “Trên thực tiễn thi hành pháp luật, nếu các cơ quan, công chức nhà nước viện dẫn những nội dung nêu tại Công văn số 932/BVHTTDL-TTr để thực hiện hành vi trái với quy định luật pháp hiện hành, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Liên hiệp các Hội UNESCO VN thì sẽ không bảo đảm tính hợp pháp và Liên hiệp các Hội UNESCO VN có thể thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật”.
Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, quyền lợi của hơn 11 ngàn hội viên chính thức và trên 100 ngàn quần chúng thường xuyên tham gia vào các hoạt động của Liên hiệp là trách nhiệm pháp lý và là nghĩa vụ đạo đức của Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng chờ đợi vào sự công bằng của luật pháp, sự sáng suốt của các cơ quan đại diện cho luật pháp, đại diện cho quyền lợi của nhân dân và quyền lợi quốc gia.
Trong mọi hoàn cảnh, BCH Liên hiệp vẫn phải thực hiện vai trò giúp đỡ, hướng dẫn để hàng ngàn hội viên của của mình được hoạt động cống hiến cho lợi ích quốc gia theo đúng quy định của Luật pháp Việt Nam, đúng quy định của Điều lệ Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, phù hợp với tiêu chí của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc vì sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và hoàn thành trong danh dự sứ mệnh của tổ chức.
- Xin cảm ơn ông.