Đây là niềm tự hào lớn lao của mỗi người con đất Việt bởi tín ngưỡng dân gian này đã có hàng trăm năm nay, như một “bảo tàng sống” lữu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của dân tộc.
Trao đổi ngắn với PGS. TS Nguyễn Thị Hiền - Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, một trong những thành viên của đoàn Việt Nam tham dự phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, nước Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia về di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
Có tới 10 công trình về Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, trong đó có hai cuốn sách bằng tiếng Anh xuất bản ở Mỹ, theo bà vì sao di sản này lại có sức lôi cuốn đến vậy?
PGS. TS Nguyễn Thị Hiền: Chúng ta biết rằng “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” bao gồm nhiều loại hình khác nhau như lễ hội, tham gia nghi lễ, và hình thức thực hành cơ bản nhất là diễn xướng lên đồng. Từ thời kỳ những năm 70, khi “lên đồng” bị cho rằng là mê tín dị đoan, bị cấm đoán, thì người thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu vẫn âm thầm thực hiện, đến nay, chúng ta có thể thấy rằng việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có sức lôi cuốn kỳ lạ với đông người tham gia.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có sức lôi cuốn kỳ lạ với đông người tham gia như vậy dựa vào nhiều yếu tố. Thứ nhất, việc thực hành tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt không hạn chế người tham gia, không kể tuổi tác, nghề nghiệp, thành phần. Thứ hai, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu rất đa dạng, có nhiều người quan tâm, âm nhạc Chầu văn rất hay, rất hấp dẫn. Có người lại thấy vui khi tham dự những nghi lễ hầu đồng, khi cộng đồng cùng chia sẻ đức tin vào thờ mẫu. Có những người dù không phải là tín đồ những vẫn đi lễ, tham dự các buổi lên đồng. Vì nhiều yếu tố như vậy nên việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã thu hút rất đông người tham gia.
Có nhiều thông tin cho rằng việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ cổ xúy cho hoạt động mê tín dị đoan, về vấn đề này PGS có ý kiến như thế nào?
- Như chúng ta đã biết, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt được vinh danh trong danh sách các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chúng ta phải hiểu rất rõ UNESCO vinh danh không chỉ riêng lên đồng mà là cả hệ thống thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu tam phủ, bao gồm rất nhiều loại hình như: các lễ hội dân gian, tiệc thánh, tiệc mẫu, hoạt động tín ngưỡng của người dân, việc hành hương của các bản hội, các nghi lễ tế lễ trong việc thờ mẫu, hát văn…
Bản chất của lên đồng chỉ là một hiện tượng, một hình thức nghi lễ thể hiện vào hệ thống tín ngưỡng tôn thờ các Mẫu, các thánh, và nghi lễ lên đồng được coi là một trong những loại hình saman giáo trên thế giới. Saman giáo tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới như ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, hay ở các vùng Trung Á, Siberi, Brazil, Mexico, các tộc người ở châu Phi. Ở Việt Nam có rất nhiều hiện tượng saman giáo như “nghi lễ mỡi” của người Mường, “nghi lễ nhảy lửa” của người Dao, “nghi lễ then” (chứ không phải là hát then)…
PGS có thể bật mí, tiếp theo Việt Nam sẽ đệ trình hồ sơ di sản nào lên UNESCO?
- Chúng ta đã biết các hồ sơ Việt Nam xây dựng trình UNESCO được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Trong danh sách, Bộ VH-TT&DL đang triển khai xây dựng hồ sơ về “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và dự kiến sẽ trình UNESCO tháng 3/2017 để xét vào 2018. Năm nay, Việt Nam sẽ có 2 hồ sơ được UNESCO xét duyệt và sẽ công bố vào cuộc họp Ủy Ban Liên Chính phủ tại Hàn Quốc vào tháng 12/2017, đó là hồ sơ “Nghệ thuật Bài Chòi ở miền Trung, Việt Nam” và hồ sơ “Hát xoan Phú Thọ, Việt Nam”.
Theo cinet.vn
Hàng năm UNESCO chỉ xét 50 hồ sơ đề cử. Là thành viên của Ban Thẩm định, tôi phải thẩm định cả 50 hồ sơ, các hồ sơ sẽ nhận được các nhận xét của 12 chuyên gia và có những báo cáo tổng kết xem hồ sơ có được vinh danh hay không. Riêng đối với các hồ sơ của Việt Nam, theo điều lệ của công ước 2003, tôi không được phép trực tiếp chấm hồ sơ này. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ nắm được tình hình hồ sơ Việt Nam đã đi đến đâu, quy trình ra sao và có quyền báo với các bộ phận liên quan của Việt Nam như Bộ VH-TT&DL, Ủy ban UNESCO của Việt Nam. Một lợi thế nữa là khi tham gia ban Thẩm định với tư cách chuyên gia (nhiệm kỳ 4 năm) tôi nắm rất chắc về các thông lệ của UNESCO cũng như công ước 2003, tôi có thể học hỏi kinh nghiệm làm hồ sơ của các nước để tư vấn cho Việt Nam trong việc xây dựng hồ sơ đệ trình lên UNESCO tốt hơn trong tương lai.