Theo Báo cáo số 669/CT-THNVDT ngày 31/3/2015 của Cục Thuế tỉnh Ninh Bình, trong tháng 3-2015, cơ quan thuế liên tiếp ban hành bốn văn bản chỉ đạo, cụ thể là Công văn số 506/CT-TTHT ngày 10/3, về việc phối hợp tuyên truyền Đề án thu thuế với các cơ quan truyền thông ở địa phương; Công văn số 509/CT-TTHT ngày 11/3, phối hợp tuyên truyền đề án đến từng công chức, từng cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn; Công văn số 514/CT-THNVDT ngày 11/3 và Công văn số 594/CT-THNVDT ngày 20/3, về tăng cường quản lý đối với cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn.
Du lịch trong khu sinh thái Tràng An |
Sau bốn công văn chỉ đạo của Cục Thuế tỉnh Ninh Bình, các phòng kiểm tra thuế số 1, số 2 và Chi cục Thuế cấp huyện, thành phố, thị xã quản lý các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng hằng ngày (kể cả thứ bảy và chủ nhật) cử cán bộ theo dõi, giám sát từng cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhằm nắm rõ thông tin về lượng khách ăn, nghỉ. Từ đó đối chiếu việc niêm yết giá, suất ăn với các cơ quan liên quan như Công an tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch để xác định doanh thu từng ngày trong tháng, sau đó đối chiếu bản tự kê khai của doanh nghiệp.
Đến ngày 31/3, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình thực hiện công khai doanh thu, số thuế đã nộp năm 2014 và ba tháng đầu năm 2015 đối với 80 cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng trên website ngành thuế. Theo đó, đến hết quý I-2015, tổng số thuế các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn là ba tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ năm 2014. Số thuế phát sinh của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng quý I-2015 là 1,5 tỷ đồng. Số thuế phát sinh của hộ kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn là 1,44 tỷ đồng, tăng 55% so cùng kỳ năm 2014.
Về quản lý thu đối với cơ sở kinh doanh du lịch, Cục Thuế thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình tại Công văn số 69/GM-UBND, kiểm tra thu trong hoạt động kinh doanh du lịch đối với doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường. Công tác kiểm tra cho thấy, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn, biên lai chứng từ tại các điểm du lịch chưa đúng, có nhiều sai phạm. Ngày 24/7/2014, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình đã lập biên bản vi phạm hành chính về hóa đơn đối với doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường về hành vi vi phạm hành chính trong việc sử dụng hóa đơn, biên lai thu tại các tuyến du lịch Tam Cốc - Bích Động, Tràng An, chùa Bái Đính.
Du lịch Tam Cốc - Bích Động |
Ngành thuế cũng thường xuyên động viên, hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc sử dụng hóa đơn chứng từ theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường vẫn chưa thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 53/TB-UBND ngày 7/11/2014. Cụ thể, ở mẫu biên lai thu Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, trên vé thu phí danh lam và phí đò ghi thừa dòng chữ “giá vé trên đã bao gồm thuế VAT”. Theo Cục trưởng Thuế tỉnh Ninh Bình Đỗ Văn Hoan, dòng chữ này trên vé dễ làm người sử dụng nhầm rằng các loại phí này không thuộc ngân sách Nhà nước mà là doanh thu dịch vụ.
Không chỉ sai về mẫu in biên lai, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường còn thu phí danh lam cao hơn quy định. Cụ thể, Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 của HĐND tỉnh Ninh Bình quy định hai tuyến Bích Động - Động Tiên - xuyên Thuỷ Động và tuyến Đình Các -Tam Cốc mức thu là 40 nghìn đồng/người phí danh lam. Song theo mệnh giá ghi trên biên lai của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tự in là 120 nghìn đồng/người, cao hơn quy định 80 nghìn đồng/người mỗi lượt.
Đối với trẻ em, HĐND tỉnh quy định thu phí mỗi lượt là 10 nghìn đồng/người/tuyến, hai tuyến mới là 20 nghìn đồng/người, song thực tế doanh nghiệp Xuân Trường thu 60 nghìn đồng/người, cao hơn so quy định là 40 nghìn đồng/người.
Về biên lai thu phí đò tuyến Bích Động - xuyên Thủy Động, Nghị quyết HĐND tỉnh quy định mức thu là 30 nghìn đồng/người/chuyến không quá bốn người, tuyến Đình Các - Tam Cốc mức thu là 80 nghìn đồng/người/chuyến không quá bốn người (hai tuyến chỉ hết 110 nghìn đồng/người/lượt) song doanh nghiệp Xuân Trường thu 150 nghìn đồng/người/lượt.
HĐND tỉnh Ninh Bình cũng quy định giảm 50% mức phí đối với trẻ em từ 6 đến 15 tuổi và người già từ 60 tuổi trở lên. Song doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường không có biên lai cho đối tượng này (tức là không được giảm theo quy định).
Đối với hóa đơn thu tại khu vực chùa Bái Đính, vé xe điện đơn vị sử dụng biên lai chưa đăng ký phát hành với cơ quan quản lý thuế. Trong khi mẫu hóa đơn quy định có 11 ký tự thì doanh nghiệp in vé chỉ có 10 ký tự (thiếu ký tự số liên, không đúng mẫu đơn vị đã đăng ký với cơ quan thuế). Vé lên tháp (mới phát sinh từ đầu năm 2015) cũng sai mẫu như vé xe điện.
Ngay cả biên lai thu phí tại Khu danh thắng Tràng An cũng có sai phạm. Hiện tại, doanh nghiệp không sử dụng biên lai thu phí như đã đăng ký với cơ quan thuế để giao cho khách tham quan mà sử dụng thẻ có mã quẹt để quản lý nội bộ về doanh thu, lượng khách tham quan.
Những việc làm trên của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cho thấy sự thiếu minh bạch về số thu nhập doanh nghiệp, lượng khách và các loại phí doanh nghiệp đã thu để nộp các sắc thuế vào ngân sách tỉnh theo quy định của pháp luật. Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng phát triển hạ tầng khu du lịch Bái Đình - Tràng An, các ngành chức năng cũng mất nhiều công sức để giải phóng mặt bằng, vậy nhưng, đến nay nguồn thu từ du lịch vào ngân sách địa phương lại quá khiêm tốn, không phản ánh đúng tiềm năng và thực tế phát triển của ngành du lịch địa phương.
Mấy năm gần đây, Cục Thuế Ninh Bình đều có kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế, phí đối với doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường nhưng đơn vị đưa ra nhiều lý do để trì hoãn, chưa chấp nhận thanh tra.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Kinh nghiệm du lịch Tràng An dịp Tết Nguyên đán 2015
- Kinh nghiệm du lịch Chùa Bái Đính dịp đầu năm
- Chuyện chưa kể về “biệt đội” nữ lái đò Tràng An - Ninh Bình