Ông Trần Xuân Phong, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Đây là hoạt động nằm trong Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023. Dự án được coi là giải pháp tích cực giúp công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của người Chăm trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời, có hiệu quả.
Tham gia lớp, 35 học viên người Chăm sẽ được các nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy kỹ thuật làm gốm truyền thống từ cách thức nhào, ủ đất đến các kỹ thuật nặn, tạo hình để tạo ra những sản phẩm gốm bảo đảm chất lượng và thẩm mỹ, đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, đáp ứng được thị hiếu của khách du lịch.
Chị Dụng Nguyễn Thị Tường Vôn, xã Phan Hiệp cho biết: Vì mẹ đã già và bản thân chị cũng đam mê nghề gốm nên tham gia lớp này. Chị ý thức được trách nhiệm kế thừa, duy trì nghề gốm của gia đình và dân tộc mình.
Nghệ nhân Đơn Thị Hiệu bày tỏ sự vui mừng khi ngày càng có nhiều bạn trẻ đam mê và hứng thú với nghề làm gốm. Bà chia sẻ, "Thế hệ chúng tôi ngày càng già đi. Việc truyền dạy, lưu giữ nghề hết sức cần thiết. Không chỉ truyền dạy kỹ thuật làm đồ gốm gia dụng như: niêu, chảo, hỏa lò…, chúng tôi còn hướng dẫn các em, các cháu cách làm gốm mỹ nghệ. Hy vọng thế hệ sau tiếp nối “giữ hồn” cho dân tộc".
Gốm Chăm mang vẻ đẹp độc đáo thể hiện nét tài hoa từ bàn tay khéo léo của người thợ làm gốm. |
Bình Đức là làng nghề gốm thủ công truyền thống độc đáo, riêng biệt mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng người Chăm. Đến nay, nghề gốm Bình Đức còn bảo lưu khá nguyên vẹn về kỹ thuật, phương thức làm gốm theo lối thủ công truyền thống từ xa xưa. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, do tác động của khoa học và công nghệ, cơ chế kinh tế thị trường…, nghề gốm Chăm tại làng Bình Đức đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Số hộ gia đình, nghệ nhân đang duy trì nghề gốm ngày càng suy giảm dần. Nghề truyền thống này đang có nguy cơ mai một.
Năm 2022, nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận và người Chăm Bình Đức, tỉnh Bình Thuận đã được UNESCO ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Sự kiện này giúp thế giới biết đến nghệ thuật làm gốm độc đáo của người Chăm ở Việt Nam; tạo ra cơ hội để gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề làm gốm độc đáo này, tránh nguy cơ bị mai một theo thời gian./.