Trong báo cáo mới được công bố tại Paris, UNESCO không khuyến nghị đưa rạn san hô vào danh sách các địa điểm báo động. Tuy nhiên, các tài liệu cho biết Australia nên được yêu cầu nộp báo cáo tiến độ trước tháng 2/2025, sau đó Ủy ban sẽ xem xét việc đưa di sản này vào danh sách di sản thế giới đang gặp nguy hiểm tại cuộc họp năm 2026.
Đại diện Tổ chức UNESCO thế giới cho biết, họ rất quan ngại khi tỷ lệ giải phóng mặt bằng ở các lưu vực chảy vào rạn san hô không tương thích với các mục tiêu cắt giảm trầm tích và chất dinh dưỡng chảy vào rạn san hô.
“Việc tẩy trắng hiện nay xảy ra như một phần của đợt tẩy trắng hàng loạt diễn ra khắp toàn cầu lần thứ tư, ảnh hưởng đến ít nhất 30% rạn san hô được xếp hạng di sản thế giới và những tác động trên toàn hệ thống di sản thế giới cũng sẽ cần được xem xét”, các chuyên gia của UNESCO cho biết.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết rạn san hô vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng, các hành động khẩn cấp và bền vững là ưu tiên hàng đầu nhằm cải thiện khả năng phục hồi của tài sản trong bối cảnh khí hậu thay đổi nhanh chóng. UNESCO cho biết Australia cần tiếp tục nỗ lực giảm ô nhiễm chảy vào rạn san hô và kiểm soát sự bùng phát của sao biển ăn san hô.
Chính phủ liên bang đã chỉ ra khoản tài trợ 1,2 tỷ USD và danh sách các nỗ lực bảo tồn rạn san hô, bao gồm mục tiêu cắt giảm 43% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Bộ trưởng môi trường Australia, Tanya Plibersek cho biết, Australia có nhiệm vụ bảo vệ rạn san hô và bảo vệ nó cho các thế hệ tương lai. “Chúng tôi biết thế giới đang dõi theo chúng tôi”, bà nói. Queensland năm nay đặt mục tiêu cắt giảm 75% lượng khí thải vào năm 2035 so với mức năm 2005. Thủ hiến bang Steven Miles, cho biết bảo vệ rạn san hô là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.
Khuyến nghị của UNESCO được đưa ra sau một trong những mùa hè tồi tệ nhất được ghi nhận đối với rạn san hô bởi hiện tượng tẩy trắng trên diện rộng và trầm trọng xảy ra trong cùng thời điểm với hai cơn bão và sự bùng phát của sao biển ăn san hô bản địa. Gần 3/4 số rạn san hô được các nhà khoa học của chính phủ khảo sát cho thấy ít nhất 10% san hô bị tẩy trắng. Các phần phía nam của rạn san hô chứng kiến mức độ tăng nhiệt cao nhất từng được ghi nhận.
Lãnh đạo Australia trước đây từng báo cáo với UNESCO rằng họ đang “đi đúng hướng” để đạt được các mục tiêu khí hậu quốc gia phù hợp với việc duy trì mức nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5C.
Richard Leck - người đứng đầu bộ phận đại dương tại WWF-Australia cho biết ủy ban di sản thế giới nên được yêu cầu xem xét tình trạng của rạn san hô vào năm 2025 chứ không phải năm 2026. Ông nhấn mạnh chính phủ cần cam kết cắt giảm 90% lượng khí thải vào năm 2035, chấm dứt các dự án nhiên liệu hóa thạch mới, hỗ trợ loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu và thực hiện các bước mạnh mẽ hơn để làm chậm quá trình giải phóng mặt bằng.
Theo Lissa Schindler - nhà vận động bảo vệ rạn san hô tại Hiệp hội Bảo tồn Biển Úc, nếu Úc không cải thiện các mục tiêu về khí hậu và làm nhiều hơn để ngăn chặn tình trạng giải phóng mặt bằng và ô nhiễm thì việc đưa vào danh sách nguy hiểm là không thể tránh khỏi.
Rạn san hô này đã nằm trong danh sách nguy hiểm của di sản thế giới trong nhiều năm, gần đây nhất là vào năm 2021 khi chính phủ Morrison tiến hành một chiến dịch vận động hành lang lớn đối với các thành viên của ủy ban sau khi UNESCO cho biết tác động của khí hậu và ô nhiễm từ các trang trại khiến rạn san hô đủ điều kiện đưa vào danh sách nguy hiểm.
(Theo The Guardian)