Công nghệ số: Cơ hội và thách thức
Sự kiện thu hút hơn 700 đại biểu từ 114 quốc gia, giới thiệu các chiến lược sáng tạo, giải pháp thực tiễn và những câu chuyện truyền cảm hứng về cách công nghệ số có thể hỗ trợ giáo dục chất lượng ngay cả trong điều kiện khó khăn.
Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO, nhấn mạnh: “Công nghệ số đang hiện diện ngày càng nhiều trong cuộc sống của chúng ta, định hình không chỉ cách chúng ta sống mà còn cách chúng ta học tập. Những tiến bộ về kết nối, tài nguyên giáo dục mở và trí tuệ nhân tạo đang mở ra nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục cho những đối tượng yếu thế nhất.”
Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo về khoảng cách số còn tồn tại. Hiện nay, 2,6 tỷ người – tương đương 32% dân số thế giới – vẫn chưa có kết nối internet, trong đó 1,8 tỷ người sống ở vùng nông thôn. Trong giáo dục, 60% trường tiểu học, 50% trường THCS và 33% trường THPT trên toàn cầu chưa được kết nối mạng.
Giải pháp địa phương tạo nên thay đổi toàn cầu
UNESCO đang dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu nhằm thúc đẩy học tập số cho tất cả thông qua các sáng kiến như Khung Năng lực AI dành cho giáo viên và học sinh, cũng như Khung Năng lực CNTT-TT dành cho giáo viên. Những khung hướng dẫn này giúp chính phủ và nhà giáo dục tích hợp công nghệ vào hệ thống giáo dục một cách hiệu quả và toàn diện.
Tại những khu vực thiếu nguồn lực, giáo viên và học sinh đang tận dụng sáng tạo các công nghệ sẵn có. Tại Namibia, giáo viên ở một trường tiểu học mới thành lập đang sử dụng một chiếc máy tính và máy chiếu duy nhất để cải thiện bài giảng. Cô Ester Namupa, một giáo viên vùng nông thôn Namibia, chia sẻ: “Giờ đây, tôi có thể tạo nội dung số, thiết kế bài giảng trên PowerPoint, tải hình ảnh hoặc video ngắn rõ ràng hơn sách giáo khoa để tích hợp vào bài giảng của mình.”
Tại Kenya, các chương trình học qua tin nhắn SMS đang hỗ trợ học sinh ở những khu vực hạn chế internet. Trong khi đó, tại Malawi, chính phủ đang hợp nhất các tài liệu giảng dạy từ các chương trình tài trợ thành một nền tảng trực tuyến chung, giúp giáo viên và học sinh tiếp cận dễ dàng hơn.
Bà Verna Lalbeharie, Giám đốc Điều hành EdTech Hub, nhận định: “Học tập số không phải là giải pháp ‘"một kích cỡ phù hợp cho tất cả’" Thành công phụ thuộc vào cách chúng ta tùy chỉnh công nghệ theo nhu cầu địa phương.”
Hướng tới một tương lai số toàn diện
Phát biểu tại sự kiện, bà Huda Al Hashimi, Thứ trưởng Văn phòng Nội các UAE về Chiến lược, nhấn mạnh: “Học tập số không chỉ là công nghệ. Đó là những cuộc cách mạng thầm lặng diễn ra trong lớp học, trại tị nạn và làng mạc xa xôi, nơi học sinh và giáo viên biến hạn chế thành cơ hội.”
UAE là quốc gia đề xuất Ngày Quốc tế Học tập Kỹ thuật số, được UNESCO thông qua vào năm 2023, thể hiện cam kết toàn cầu về giáo dục số bình đẳng.
Bà Raïssa Malu, Bộ trưởng Quốc gia về Giáo dục và Quốc tịch Mới của Cộng hòa Dân chủ Congo, cũng khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi rất rõ ràng: Huy động tối đa nguồn lực số để tăng cường sự hòa nhập và bình đẳng giáo dục, đảm bảo mọi trẻ em Congo, dù là trai hay gái, đều được tiếp cận giáo dục chất lượng.”
Trao quyền cho giáo viên và học sinh
Giáo viên đóng vai trò then chốt trong thành công của học tập số. Sáng kiến Digital School (Trường học số) tại UAE đã đào tạo hơn 10.000 giáo viên trên toàn cầu, trang bị cho họ kỹ năng tích hợp công nghệ vào giảng dạy.
Ông Barry Kruger, cố vấn của Digital School, nhấn mạnh: “Trao quyền cho giáo viên là yếu tố sống còn. Chúng ta không thể tạo ra tác động thực sự cho người học nếu thiếu những giáo viên tự tin và thành thạo công nghệ.”
Học sinh cũng đang chủ động trong việc học tập. Tại Brazil, dự án News Agencies in Schools (Các trạm tin tức trong trường học) giúp học sinh sản xuất podcast, video và các nội dung số về các vấn đề địa phương. Một giáo viên người bản địa Pataxó và học sinh của cô đã sản xuất một bộ phim được trình chiếu tại liên hoan phim quốc gia ở Rio de Janeiro, cho thấy cách công nghệ có thể khuếch đại tiếng nói của các cộng đồng thiểu số.
Kêu gọi hành động: Định hình tương lai số toàn diện
Thông điệp của UNESCO rất rõ ràng: Học tập số phải là công cụ thúc đẩy sự hòa nhập, không phải làm trầm trọng thêm bất bình đẳng. Để đạt được điều này, các nhà hoạch định chính sách cần ưu tiên mở rộng tiếp cận công nghệ, đầu tư vào đào tạo giáo viên và hỗ trợ các sáng kiến đổi mới từ địa phương.
Bà Shafika Isaacs, Trưởng bộ phận Công nghệ và AI trong Giáo dục của UNESCO, nhấn mạnh: “Chỉ khi cùng nhau hợp tác, chấp nhận những cách tiếp cận đa dạng và kiên định với cam kết giảm thiểu bất bình đẳng giáo dục, chúng ta mới có thể tiến xa.”
Với sự hợp tác và đầu tư liên tục, học tập số có thể trở thành động lực cho sự thay đổi tích cực, đảm bảo rằng mọi học sinh, bất kể hoàn cảnh, đều có cơ hội phát triển trong kỷ nguyên số.