Nỗi buồn khôn nguôi của người sống sót sau thảm họa sóng thần ở Nhật Bản

Nỗi buồn khôn nguôi của người sống sót sau thảm họa sóng thần ở Nhật Bản

Khi trận sóng thần rút đi, thế giới đã thay đổi hoàn toàn. Những chiếc xe tải và nhà cửa bị cuốn trôi như những món đồ chơi, để lại người còn sống lần mò qua vùng đất bị ngập chìm bởi bùn đất và các mảnh vụn để tìm kiếm người mất tích. Mười năm sau đó, họ vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm này, nỗi buồn trong lòng chưa bao giờ vơi đi.

Nỗi buồn khôn nguôi của người sống sót sau thảm họa sóng thần ở Nhật Bản ảnh 1

Một con sóng khổng lồ hất tung mọi thứ ở thành phố Miyako sau khi một trận động đất xảy ra ở khu vực này vào ngày 11/3 năm 2011. Ảnh: Reuters

Một người cha sống đơn thân ở căn nhà nằm cạnh con đường dài bao bọc bởi hai hàng anh đào. Ông cặm cụi đọc những cuốn sách về chứng rối loạn đã ngăn cách con trai của mình trong căn phòng nhỏ. Người con trai đã không thể bỏ chạy khi cơn sóng thần đang gào thét bên ngoài, mặc cho vợ ông đã khẩn thiết van xin.

Tiếng khóc của những đứa trẻ bị kẹt lại ám ảnh một người mẹ. Cô tin rằng trong đó có cả âm thanh của đứa con đang gọi mình từ cõi u tịch. Cho đến giờ, cô vẫn luôn mang theo tờ thời gian biểu của chiếc xe buýt đưa con bé đến trường mầm non, như thể cô bé 6 tuổi vẫn còn đang sống trên cõi đời này.

Một người vợ chưa bao giờ từ bỏ hy vọng rằng chồng mình sẽ quay trở lại. Trong những bức thư viết sau cuốn lịch, bà trách móc ông vì đã xa nhà quá lâu. Đôi khi bà còn tự mình viết ra những lời hồi âm của người chồng động viên mình tiếp tục mà không có ông bên cạnh.

“Ông Migaku này, tôi vẫn còn để đôi găng tay bẩn và giày rách của ông ở bên thềm cửa. Tôi chỉ lo rằng khi về ông lại càu nhàu và bảo sao lại động vào đồ của mình, vậy nên tôi vẫn để chúng ở bên thềm cửa mà không đánh chùi gì", trích bức thư bà Kumagai Sachiko viết cho chồng mình sau khi ông mất tích trong thảm họa sóng thần.

Vào ngày 11/3, lễ kỷ niệm 10 năm thảm họa kép động và sóng thần sẽ được phát sóng trên khắp nước Nhật. Các chức sắc sẽ mặc lễ phục và tập trung tại một nhà hát ở Tokyo, nơi họ cúi đầu như một nghi thức tưởng niệm khoảnh khắc thảm họa xảy ra. Đối với những người sống sót, ngày này là thời điểm viếng mộ người đã khuất và thầm lặng cầu nguyện cho hương hồn của họ.

Nhưng với nhiều người khác, ngày này cũng không khác gì nhiều so với mọi ngày thường nhật khác. Họ bị mắc kẹt lại trong những khoảnh khắc khủng khiếp xảy ra từ một thập kỷ trước.

Trận động đất và sóng thần đã cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người ở khu vực bờ biển Thái Bình Dương kéo dài 400 km nằm ở phía bắc thủ đô Tokyo. Thảm họa kép này cũng đã khiến cho một loạt các lò hạt nhân tại Fukushima bị nóng chảy, buộc khoảng 10.000 người dân phải sơ tán.

Chính phủ đã chi ra khoảng 31 nghìn tỷ yên để tái thiết khu vực này. Trong nhiều năm sau thảm họa, người dân Nhật Bản đã xây dựng nên những khu phố, công viên và trường học mới. Nhưng không một chính sách nào có thể bù đắp được những mất mát đã xảy ra. Hàng nghìn người dân đã rời khỏi những thành phố đổ nát, nhưng đâu đó vẫn còn những người cố nán lại và ám ảnh bởi những gì đã diễn ra.

Trong khi những người sống sót vẫn đang ngoái lại quá khứ, phần lớn công chúng Nhật Bản bắt đầu chuẩn bị cho sự kiện Olympic tại thủ đô Tokyo. Đây sẽ là một sự kiện mà chính phủ Nhật Bản mong đợi sẽ cho thế giới thấy sự phục hồi thần kỳ của đất nước sau thảm họa.

Sasaki Yoshihito – Thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate

Tại Rikuzentakata, thành phố đã mất đi một 1/10 dân số sau cơn sóng thần, một bức tường ngăn cao 12.5 m đã được dựng lên quanh các bờ cát. Đây là một dự án được thiết kế để bảo vệ người dân khỏi những cơn lũ có thể xảy đến trong tương lai. Vào buổi tối tháng 3 lạnh thấu xương, một cơn gió rít nhấn chìm âm thanh của những cơn sóng đang chồng lên nhau. Trong bóng đêm, chỉ một gợn bọt biển bám quanh phiến đá làm bằng bê tông hiển hiện trước mắt, bên dưới mặt nước thanh tĩnh là một đại dương sâu thẳm.

Ông Sasaki Yoshihito có thể thấy được bờ biển từ trong phòng khách của mình. Thế nhưng ông đã ngừng ra biển để câu cá hay tản bộ từ rất lâu. Người đàn ông 70 tuổi đã chuyển tới căn hộ hiện tại sau khi trận sóng thần cuốn trôi ngôi nhà cũ, nơi ông từng sống cùng vợ và hai người con trai.

Nỗi buồn khôn nguôi của người sống sót sau thảm họa sóng thần ở Nhật Bản ảnh 2

Ông Sasaki Yoshihito, người đã mất vợ và con trai trong thảm họa sóng thần. Ảnh: Reuters

Vào tháng 3/2011, Sasaki đang chuẩn bị hoàn thành quá trình bàn giao công việc để nghỉ hưu trong một vài tuần tới. Ông từng là hiệu trưởng của một trường tiểu học trên sườn đồi ở Hirota, một làng chài cách nhà nửa giờ lái xe.

Sau khi đã chắc chắn rằng toàn bộ học sinh và người con trai cả tên Yoichi của mình đã an toàn, ông vội vã đi tìm những thành viên còn lại trong gia đình. Ông đã lường trước rằng kịch bản tồi tệ nhất sẽ xảy đến với Jinya, người con trai út 28 tuổi. Khi đó, Jinya đã là “hikikomori” (những người tự tách mình khỏi xã hội), trong suốt 10 năm trời. Khi thảm họa diễn ra, Jinya đã tự nhốt mình trong phòng suốt hai năm.

“Tôi nghĩ rằng bà ấy có thể đã sống sót nên vội chạy tới các khu tị nạn, tôi hỏi họ liệu có từng thấy một người phụ nữ mất trí không,” Sasaki thì thầm, đôi mắt nhìn xa xăm. Ông biết rằng việc bỏ lại con trai ở phía sau có thể đã làm người vợ Mikiko suy sụp.

Ông Sasaki đã không thể tìm thấy bà Mikiko ở bất kỳ trung tâm sơ tán nào. Vài tuần sau, người ta tìm được thi thể của bà.

Một thời gian sau đó, ông mới biết bà Mikiko trước khi chết đã cố dỗ dành con trai mình rời khỏi căn phòng đang dần ngập nước. Jinya không chịu nghe lời, nói rằng anh không muốn gặp bất kỳ ai ngay cả trong tình huống thập tử nhất sinh. Cuối cùng, bà Mikiko phải bỏ cuộc và tới trú ẩn tại nóc nhà hàng xóm cùng người con cả. Từ đó bà có thể thấy cơn sóng nuốt chửng căn nhà cùng đứa con út của mình.

Ông Sasaki bỏ kính và chăm chú đọc một chồng báo để trên bàn. Phòng đọc của ông chìm trong ánh đèn màu cam ấm áp, nơi vẫn còn bừa bộn nhiều hộp đồ đạc mà người con trai cả đã để lại sau khi rời đi vào tháng 12 năm ngoái.

Trong gần một thập kỷ kể từ sau thảm họa, Sasaki và con trai ông không nói với nhau một lời về ngày cơn sóng thần ập đến. Hai người đàn ông chỉ bắt đầu trò chuyện trong một bữa ăn vài tháng trước khi Yoichi dọn ra khỏi nhà.

“Tôi hỏi con trai rằng nó đã nghe mẹ mình nói gì vào phút cuối”, người đàn ông kể lại.

Lần cuối cùng Yoichi thấy mẹ mình, bà đang ôm lấy một mảnh vụn trên con sóng đen và gào thét gọi anh. “Nó bảo rằng bà ấy đã thét lên rằng nó phải sống,” người cha 70 tuổi thở dài. “Bà ấy bảo nó phải sống sót”.

Yoichi đã bám được vào một mảnh vụn và trôi lênh đênh trên dòng nước trong nhiều giờ trước khi được giải cứu.

Nỗi buồn khôn nguôi của người sống sót sau thảm họa sóng thần ở Nhật Bản ảnh 3

Ông Sasaki nâng niu những bức ảnh gia đình tìm được sau thảm hoja. Hiện ông sống một mình sau khi người con cả dọn ra riêng. Ảnh: Reuters

Sau cơn sóng thần, Sasaki đã mua hàng tá những cuốn sách để nghiên cứu về tình trạng của người con út Jinya. Ông hối hận vì đã không giúp đỡ và quan tâm vợ của mình lúc đó. Bật đèn trong phòng, Sasaki lôi ra một loạt những bài báo về “hikikomori” mà ông đã viết trong suốt 10 năm qua. Ông cũng tổ chức một nhóm hỗ trợ những cha mẹ có con là “hikikomori”. Hàng tháng, họ họp mặt và lắng nghe, chia sẻ tâm tư về những đứa con sống ẩn dật khỏi xã hội.

Mặc dù vậy, nỗi ân hận vẫn luôn nặng trĩu trên vai người cha 70 tuổi. Ông nghĩ hẳn là người con cả Yoichi vẫn luôn thầm trách móc mình vì đã không giúp đỡ mẹ anh và em trai nhiều hơn.

“Người ta hay nói thời gian sẽ hàn gắn vết thương, nhưng tôi hiểu, đây không phải điều có thể được chữa lành. Có nhiều thứ mà ta muốn quên đi nhưng chẳng thể”, ông Sasaki ngập ngừng. “Một vài ký ức, những ký ức quan trọng, giờ đây còn hiện lên rõ hơn cả”.

“Bờ biển đã thay đổi rất nhiều, tôi chỉ lo rằng ông sẽ không biết đường để trở về. Nhưng mà vì đã sống ở đây suốt 72 năm, nên chắc là ông sẽ tìm được thôi. Tôi vẫn luôn chờ ở nhà, nhưng hãy cố quay lại khi tôi còn khỏe (và trước khi tôi quên mất ông) nhé", trích bức thư bà Kumagai Sachiko viết gửi người chồng mất tích

Sato Mika– Thành phố Ishinomaki, tỉnh Miyagi

Ở Ishinomaki, một thành phố ven biển thuộc tỉnh Miyagi, gần 3.200 người đã thiệt mạng trong thảm họa. Trong số đó có Airi, con gái của Sato Mika. Cô bé có ước mơ sau này lớn lên trở thành phát thanh viên.

Lúc trận động đất xảy ra, Airi đang ở một nhà trẻ trong thành phố. Mọi chuyện diễn ra chỉ trong một vài phút sau khi cô giáo đưa Airi cùng 4 đứa trẻ khác lên trên xe buýt sơ tán xuống ngọn đồi gần bờ biển.

Ba ngày sau đó, Sato mới tìm thấy được Airi. Cô loay hoay quanh khu đất bị vùi lấp bởi những tảng đá lớn, một lớp bụi dày che phủ những thanh gỗ và sắt thép bị bẻ cong. Một phụ huynh đã phát hiện ra những phần còn sót lại của chiếc xe màu vàng bị gạch đá vùi lấp.

Nỗi buồn khôn nguôi của người sống sót sau thảm họa sóng thần ở Nhật Bản ảnh 4

SatoMika đã mất cô con gái Airi sau thảm họa sóng thần. Ảnh: Reuters

“Cho tới khi tìm ra đám trẻ, những gì còn lại chẳng là bao”, Sato nói, đưa tay lên như thể đang ẵm con gái mình. “Chúng tôi chỉ sợ một cơn gió cũng sẽ thổi chúng đi mất”.

Sato nói rằng phải mất một vài giờ sau khi ngọn sóng cao 8,5 m ập vào Ishinomaki thì cô mới nghe được tin từ những người hàng xóm rằng họ nghe thấy tiếng trẻ em kêu cứu.

Sato và những phụ huynh khác không ngừng chất vấn nhà trường về những gì đã diễn ra trong ngày hôm đó. Năm tháng sau thảm họa, cô cùng ba gia đình khác quyết định làm hồ sơ kiện ban quản lý nhà trẻ.

“Chúng tôi đã nghĩ rằng có thể tìm được công lý ở tòa”, người phụ nữ 46 nhớ lại. “Nhưng mọi chuyện chẳng như mong đợi, chúng tôi còn chẳng tiến được một thước tới sự thật”.

Sato đã hy vọng có được một lời giải thích từ phía nhà trẻ về lý do tại sao lại đưa các bé lên xe buýt tới bờ biển sau một cơn địa chấn khủng khiếp đến vậy. Nhưng phía nhà trường chỉ phản hồi rằng họ đã không nghe thấy còi báo động sóng thần.

Sato cùng các phụ huynh khác đã đạt được hòa giải với nhà trẻ vào năm 2014. Như một phần của việc hòa giải, ban quản lý nhà trẻ chịu mọi trách nhiệm pháp lý và hứa sẽ đưa ra “một lời xin lỗi chân thành” với phía phụ huynh. Mặc dù ban quản lý đã gửi hoa chia buồn, nhưng Sato nói rằng cô chưa từng nhận được bất kỳ lời xin lỗi chính thức nào.

Luật sư đại diện cho phía nhà trẻ, nay đã đóng cửa, cho biết họ vẫn tiếp tục gửi hoa tới cho những gia đình có con đã thiệt mạng trong thảm họa năm đó.

Thở hắt ra, Sato lặng lẽ bước đi trên khu tưởng niệm đã được xây trên con đường ven biển nơi cô tìm thấy thi thể của con gái. Tháo khẩu trang, cô chạm lên tấm bia có khắc tên Airi.

Nỗi buồn khôn nguôi của người sống sót sau thảm họa sóng thần ở Nhật Bản ảnh 5

Sato đặt tay lên bia tưởng niệm khắc tên con gái mình. Ảnh: Reuters

“Cơn giận dữ chẳng thể nguôi ngoai”, người phụ nữ chia sẻ. Vốn là một người rụt rè, Sato cho biết cô không muốn tham gia vào những vấn đề kiện tụng. “Con chúng tôi đã chết và sự thật là..,” cô ngừng lại khi một người đàn ông tiến tới và nói anh ta nhận ra cô từ một buổi phỏng vấn trên truyền hình.

Sau khi hồi tưởng lại thảm họa 10 năm trước, người đàn ông này nói với Sato rằng việc kiện tụng vì tiền sau thảm họa thật đáng hổ thẹn.

“Chẳng phải các cô đã nhận được 300 triệu yên sao?”, người đàn ông gặng hỏi - “Thực ra chúng tôi chẳng nhận được đồng nào”, Sato điềm tĩnh trả lời, trước khi người đàn ông kia cắt ngang - “Chúng ta ai cũng chịu tổn thất và đã đến lúc phải tiến lên phía trước rồi”, anh ta lầm bầm trước khi bỏ đi.

Sau khi vụ kiện xảy ra, Sato cho biết dư luận trong thành phố hầu hết ủng hộ cô và các phụ huynh, nhưng cũng có nhiều người khác lại cho rằng họ làm vậy là vì tiền. Gia đình của 4 đứa trẻ thiệt mạng đã nhận được khoản bồi thường 60 triệu yên, luật sư của Sato cho biết.

“Tôi đã dần quen với việc đó,” Sato buồn bã nói. Cô tự hỏi không biết người đàn ông kia sẽ phản ứng ra sao nếu anh ta cũng mất con vào 10 năm trước.

“Nhiều người sẵn sàng nói ra những điều vô tâm, những ai không hiểu thì sẽ chẳng bao giờ hiểu, dù có giải thích như thế nào đi chăng nữa”, Sato nói.

“Migaku này, mọi người đang nỗ lực làm việc hết mình để tiến tới ‘phục hồi’, thế nhưng tôi có thể làm được gì chứ? Hãy nhanh trở về đi ông…Thảm họa này đã phá hoại cuộc đời tôi hoàn toàn. Tôi ghét, ghét nó vô cùng. Chúng ta chẳng làm gì sai cả! Ký tên: Sachiko", trích bức thư bà Kumagai Sachiko viết gửi người chồng mất tích.

Kumagai Sachiko – Thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate

Ở khắp vùng đông bắc Nhật Bản, hơn 2.500 người vẫn đang ở trong tình trạng mất tích dù cho thảm họa đã qua đi gần một thập kỷ. Tại tỉnh Iwate, lực lượng cảnh sát vẫn tổ chức các cuộc tìm kiếm hàng tháng cùng thân nhân người mất tích tại các trung tâm thương mại và cộng đồng. Tại các buổi gặp mặt này, các viên cảnh sát sẽ điều tra các chi tiết về người mất tích và đôi khi là thu thập những mẫu ADN từ gia đình họ.

Việc không tìm thấy thi thể vẫn đang kéo dài cảm giác mập mờ đối với những gia đình có người thân mất tích.

Ba tháng sau thảm họa, bà Kumagai Sachiko bắt đầu viết thư cho chồng mình, ông Migaku. Ông là một ngư dân đã mất tích sau khi rời khỏi căn nhà bên đồi trong ngày mà sóng thần ập đến.

Khi đó, ông Migaku 71 tuổi còn bà Kumagai thì 69 tuổi. Trong suốt 10 năm, bà Kumagai đã viết hàng trăm bức thư gửi cho người chồng mất tích. Nội dung của những bức thư chỉ là nói về thời tiết, bữa sáng mà bà đã chuẩn bị và các câu hỏi rằng ông đang ở nơi nào.

Nỗi buồn khôn nguôi của người sống sót sau thảm họa sóng thần ở Nhật Bản ảnh 6

Thành phố Miyako, tỉnh Iwate, một tháng sau thảm họa kép. Ảnh: Reuters

Nhiều lần, bà Kumagai còn tự mình viết những bức thư phản hồi.

“Bà Mama này, tôi sẽ không thể quay về nếu như bà cứ lo lắng như vậy đâu…Tôi sẽ chờ bà, bà có thể làm được, tôi tin ở bà”.

Tsurizaki Hitoshi,71 tuổi, gặp bà Kumagai lần đầu khi ông đang tham gia hoạt động tình nguyện sau thảm họa ở thành phố Rikuzentakata. Trong nỗ lực nhằm giúp bà vượt qua nỗi đau, ông Tsurizaki đã đề nghị biên tập những bức thư mà Kumagai viết thành những tập sách cho bà.”

“Tôi nghĩ rằng có nhiều người vẫn mong rằng họ có thể trở về quá khứ, điều mà ai cũng biết là không thể”, ông nói. Việc thi thể mất tích đã đẩy nhiều người vào trạng thái mơ hồ, khiến cho họ phải tự thêu dệt nên những nguyên do cho sự biến mất bất chợt của người thân.

“Nếu như việc đánh máy những lá thư này giúp bà ấy nguôi ngoai đi phần nào cơn đau, tôi cũng thấy rất mừng rồi”, ông Tsurizaki nói.

Kumagai Makoto, người con trai 51 tuổi của cặp vợ chồng, nói rằng ông đã không thể hiểu sự gắn kết của cha mẹ mình cho đến khi đọc được những bức thư mà mẹ mình viết.

Vào năm 2017, đúng 6 năm sau khi thảm họa xảy ra, bà Kumagai cuối cùng cũng làm đơn báo tử cho chồng mình. Một năm sau đó, bà lặng lẽ qua đời. Trong một bức thư cuối cùng, dường như bà đã chấp nhận rằng ông Migaku đã ra đi.

“Chào buổi sáng, ông Migaku. Chẳng mấy ngày nữa là năm nay sẽ qua đi. Có lẽ năm nay sẽ lại trôi qua trong khi chúng tôi chẳng tìm thấy được ông. Sẽ tuyệt biết mấy nếu ông lang thang trở lại trên Vịnh Ono. Tôi thường nghe câu chuyện về những phép màu, thế nhưng nó có vẻ đã không đến với chúng ta trong thảm họa này rồi”.

Theo Reuters
TIN LIÊN QUAN
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.