Những cuộc gọi gửi trong gió

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - “Tất cả chỉ xảy ra trong tích tắc, đến bây giờ anh vẫn không thể nào quên được. Anh đã nhắn tin hỏi em đang ở đâu nhưng em không hồi âm. Khi về nhà, nhìn lên bầu trời có muôn ngàn vì sao, chẳng khác gì nhìn hộp ngọc vậy. Anh đã khóc và khóc", đó là lời tâm sự của ông Sasaki Kazuyoshi gửi tới người vợ quá cố đã thiệt mạng trong thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản.
Ông Sasaki Kazuyoshi nói chuyện với người vợ quá cố tại bốt điện thoại Kazo-no-Denwa. Ảnh: Reuters
Ông Sasaki Kazuyoshi nói chuyện với người vợ quá cố tại bốt điện thoại Kazo-no-Denwa. Ảnh: Reuters

Trong một khu vườn trên đồi, dưới những tán cây anh đào, một bốt điện thoại màu trắng sáng bừng trong ánh nắng đầu xuân.

Bên trong đó, ông Sasaki Kazuyoshi cẩn thận quay số điện thoại di động của người vợ quá cố Miwako, ngón tay ông xiết chặt ống nghe.

Ông đã cố giải thích với vợ rằng ông đã tìm bà trong nhiều ngày sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng quét qua vào 10 năm trước. Ông cũng ghé thăm từng trung tâm sơ tán và nhà xác để níu kéo chút hy vọng, tới đêm ông lại trở về đống đổ nát từng là tổ ấm của hai vợ chồng.

Những cuộc gọi gửi trong gió ảnh 1

Bốt điện thoại Kazo-no-Denwa nơi an ủi tinh thần nhiều người Nhật Bản.

“Tất cả chỉ xảy ra trong tích tắc, đến bây giờ anh vẫn không thể nào quên được. Anh đã nhắn tin hỏi em đang ở đâu nhưng em không hồi âm. Khi về nhà, nhìn lên bầu trời có muôn ngàn vì sao, chẳng khác gì nhìn hộp ngọc vậy. Anh đã khóc và khóc", người đàn 67 tuổi nói qua điện thoại.

Vợ của ông Sasaki là một trong số gần 20.000 người thiệt mạng do thảm họa xảy ra vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 tại vùng đông bắc Nhật Bản.

Nhiều người sống sót cho biết bốt điện thoại ở thị trấn Otsuchi là cách họ giữ liên lạc với những người thân yêu và mang lại cho họ chút an ủi khi phải tiếp tục sống.

"Em thật sự cô đơn"

Vào một ngày cuối tháng 2, bà Okawa Sachiko gọi cho Toichiro, người chồng quá cố mà bà đã kết hôn 44 năm. Bà hỏi rằng ông ấy đã làm gì trong những ngày kể từ sau thảm họa.

“Em thật sự cô đơn", giọng bà Okawa vỡ vụn, người phụ nữ nhắn nhủ chồng chăm sóc gia đình của mình. "Tạm biệt, rồi em sẽ sớm gọi lại".

Những cuộc gọi gửi trong gió ảnh 2

Bà Okawa Sachiko nói chuyện với chồng trong bốt điện thoại của gió

Đôi khi, bà Okawa như nghe thấy tiếng của ông Toichiro ở đầu dây bên kia. "Nó làm cho tôi cảm thấy tốt hơn một chút".

Bà quả phụ 76 tuổi biết đến bốt điện thoại Kazo-no-Denwa (bốt điện thoại của gió) từ bạn bè. Bà cũng thường đưa hai cháu trai đến đây để chúng nói chuyện với ông nội.

Những cuộc gọi gửi trong gió ảnh 3

Ba bà cháu Okawa trò chuyện với ông nội.

“Ông ơi, đã 10 năm rồi và cháu sắp vào cấp hai”, Daina, cháu trai 12 tuổi của bà Okawa nói khi cả hai chen chúc vào bốt điện thoại. “Có một loại virus đang giết chết rất nhiều người khiến chúng cháu phải đeo khẩu trang. Nhưng cả nhà vẫn rất khỏe".

Điện thoại của gió

Bốt điện thoại của gió được xây dựng bởi Sasaki Itaru, người sở hữu khu vườn ở Otsuchi, một thị trấn thuộc tỉnh Iwate, một vài tháng trước khi xảy ra thảm họa, sau khi ông mất người anh họ vì ung thư.

“Có rất nhiều người đã không thể nói lời tạm biệt", ông Sasaki nói. "Có những gia đình ước rằng họ có thể nói một lời sau cuối, nếu họ biết rằng họ sẽ không thể gặp lại".

Hiện bốt điện thoại này đã thu hút hàng nghìn lượt khách từ khắp nơi trên Nhật Bản. Nó không chỉ được sử dụng bởi những người sống sót sau trận sóng thần, mà còn được sử dụng bởi những người đã mất người thân vì bệnh tật và tự tử. Được mệnh danh là “bốt điện thoại của gió”, gần đây Kazo-no-Denwa đã truyền cảm hứng cho một bộ phim.

Những cuộc gọi gửi trong gió ảnh 4

Ông Sasaki Itaru người nghĩ ra ý tưởng dựng bốt điện thoại Kazo-no-Denwa.

Vài tháng trước, Sasaki cho biết anh đã được những người ở nước ngoài liên hệ để thiết lập những bốt điện thoại tương tự ở Anh và Ba Lan để an ủi những người đã mất người thân vì COVID-19.

"Cũng giống như một thảm họa, đại dịch đến bất ngờ và khi một cái chết đột ngột xảy ra, nỗi đau mà một gia đình phải trải qua cũng lớn hơn nhiều", người đàn ông 76 tuổi nói.

"Anh mừng là chúng ta đã gặp nhau"

Giống như hàng ngàn người khác trong các cộng đồng ven biển bị tàn phá, ông Sasaki Kazuyoshi không chỉ mất vợ mà còn nhiều người thân và bạn bè khác trong thảm họa.

Ông Sasaki đã biết và yêu bà Miwako trong phần lớn cuộc đời mình. Ông nhớ lần đầu thổ lộ tình cảm với vợ mình khi cả hai còn học trung học, dù lần đó bà từ chối thẳng thừng.

Những cuộc gọi gửi trong gió ảnh 5

Bốt điện thoại Kazo-no-Denwa đã truyền cảm hứng cho các nhà làm phim Nhật Bản.

Phải mất 10 năm nữa cả hai mới bắt đầu hẹn hò. Cuối cùng, họ kết hôn và có 4 người con.

Ông Sasaki thông báo với vợ rằng gần đây đã chuyển ra khỏi nhà ở tạm thời và con trai út của cả hai hiện đang xây một ngôi nhà mới để ông có thể sống cùng các cháu.

Trước khi cúp máy, ông Sasaki nói với bà Miwako rằng cuộc kiểm tra sức khỏe gần đây cho thấy ông đã giảm cân.

“Anh sẽ chăm sóc bản thân. Anh rất vui vì chúng ta đã gặp nhau, cảm ơn em, tất cả chúng ta đang làm những gì có thể, rồi anh sẽ gọi lại".

Theo Reuters
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.