1. Đặt câu hỏi mở và lắng nghe
Bắt đầu câu chuyện bằng cách gợi ý cho con bạn nói về vấn đề này. Tìm hiểu xem những đứa trẻ đã biết được bao nhiêu. Nếu chúng còn quá bé và chưa có đủ nhận thức về tình trạng bùng phát dịch bệnh, bạn có thể không cần nêu vấn đề - chỉ cần nhắc nhở những đứa trẻ về các thực hành vệ sinh tốt mà không gây ra nỗi sợ hãi mới nào.
Hãy chắc chắn rằng bạn đang ở trong một môi trường an toàn và cho phép con bạn nói chuyện thoải mái. Vẽ tranh, kể chuyện và các hoạt động khác có thể giúp mở ra một cuộc nói chuyện về vấn đề này một cách tự nhiên nhất.
Quan trọng nhất, đừng nói giảm nói tránh trước những nỗi lo mà con bạn nêu lên. Hãy chắc chắn thừa nhận cảm xúc của chúng và đảm bảo rằng đó là điều tự nhiên khi cảm thấy sợ hãi về những vấn đề này. Hãy thể hiện sự quan tâm lắng nghe bằng cách chú ý vào câu chuyện và khiến chúng hiểu rằng có thể nói chuyện với bạn và giáo viên bất cứ khi nào chúng muốn.
2. Thành thật: giải thích sự thật theo cách thân thiện nhất với trẻ em
Trẻ em có quyền có thông tin trung thực về những gì xảy ra trên thế giới, nhưng người lớn cũng có trách nhiệm giữ cho chúng an toàn khỏi những nỗi đau sự tiêu cực. Hãy sử dụng ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi, xem phản ứng của những đứa trẻ và nhạy cảm với mức độ lo lắng của con.
Nếu bạn không có câu trả lời cho vấn đề chúng nêu ra, đừng đoán mò. Nhân cơ hội đó, hãy cùng tìm hiểu câu trả lời với nhau. Trang web của các tổ chức quốc tế như UNICEF và Tổ WHO là nguồn thông tin tuyệt vời cho cả trẻ và bố mẹ. Giải thích với trẻ rằng một số thông tin trên mạng không chính xác, và nhất thiết phải tin tưởng lời các chuyên gia.
3. Hướng dẫn trẻ cách bảo vệ bản thân và bạn bè
Một trong những cách tốt nhất để giữ an toàn cho trẻ em khỏi corona và các bệnh khác là khuyến khích chúng rửa tay thường xuyên. Đừng để không khí cuộc trò chuyện trở nên đáng sợ. Có thể hát và nhảy theo những điệu nhảy như “Ghen Cô Vy” để khiến chúng tiếp nhận thông tin một cách vui vẻ.
Bạn cũng có thể chỉ cho trẻ cách che ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay, giải thích rằng tốt nhất không nên đến quá gần những người có các triệu chứng đó và yêu cầu trẻ nói với bạn nếu chúng bắt đầu cảm thấy như bị sốt, ho hoặc khó thở
4. Trấn an trẻ
Khi nhìn thấy nhiều hình ảnh rắc rối trên TV hoặc trên mạng, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy như khủng hoảng đang ở ngay xung quanh. Trẻ em có thể không phân biệt giữa hình ảnh trên màn hình và thực tế cá nhân ngoài đời, và chúng có thể tin rằng mọi người sẽ sớm gặp nguy hiểm. Bạn có thể giúp con vượt qua sự căng thẳng bằng cách tạo cơ hội cho chúng chơi và thư giãn khi có thể. Giữ thói quen và lịch trình thường xuyên càng nhiều càng tốt, đặc biệt là trước khi họ đi ngủ, hoặc giúp tạo ra những niềm vui mới trong hoàn cảnh mới (phải dừng việc tới trường trong một thời gian dài).
Nếu khu vực của bạn đang bùng phát dịch, hãy nhắc nhở con bạn rằng không phải mọi người chắn chắn sẽ mắc bệnh, hầu hết những người bị nhiễm corona không rơi vào trạng thái bệnh nặng, cũng như có rất nhiều người lớn đang làm việc chăm chỉ để giữ an toàn cho gia đình bạn.
Nếu con bạn cảm thấy không khỏe, hãy giải thích rằng chúng phải ở nhà/ở bệnh viện vì điều đó sẽ an toàn hơn cho chúng và bạn bè. Hãy an ủi những đứa trẻ rằng bạn biết điều đó thật khó khăn (có thể đáng sợ hoặc thậm chí nhàm chán), nhưng việc tuân theo các quy tắc sẽ giúp giữ an toàn cho mọi người.
5. Kiểm tra xem trẻ có đang gặp phải sự kỳ thị
Sự bùng phát của coronavirus đã mang theo rất nhiều báo cáo về sự phân biệt chủng tộc trên khắp thế giới, vì vậy, điều quan trọng là phải kiểm tra xem con bạn không gặp phải cũng không góp phần bắt nạt.
Giải thích rằng coronavirus không liên quan gì đến việc ai đó trông như thế nào, họ đến từ đâu hoặc họ nói ngôn ngữ gì. Nếu họ bị gọi tên hoặc bắt nạt ở trường, họ nên cảm thấy thoải mái khi nói với người lớn mà họ tin tưởng.
Nhắc nhở con bạn rằng mọi người đều xứng đáng được an toàn ở trường. Bắt nạt luôn là sai và mỗi chúng ta nên làm một phần của mình để lan truyền lòng tốt và hỗ trợ lẫn nhau.
6. Dạy con tìm kiếm người giúp đỡ
Một điều rất quan trọng đối với trẻ em là biết rằng mọi người đang giúp đỡ nhau bằng những hành động tử tế và rộng lượng.
Chia sẻ những câu chuyện của nhân viên y tế, các nhà khoa học và những người trẻ tuổi, những người đang làm việc để ngăn chặn sự bùng phát và giữ an toàn cho cộng đồng. Khiến chúng tin rằng có những người anh hùng đang chiến đấu bảo vệ mọi người.
7. Chăm sóc bản thân
Trẻ em có thể nhìn và học theo cách bạn đối phó với dịch bệnh, hãy bình tĩnh và kiểm soát tốt tình hình.
Nếu bạn cảm thấy lo lắng hoặc buồn bã, hãy dành thời gian cho bản thân và gia đình, bạn bè và những người đáng tin cậy khác trong cộng đồng. Dành thời gian để làm những việc giúp bạn thư giãn và hồi phục.
8. Kết thúc cuộc trò chuyện một cách cẩn thận
Điều quan trọng là phải biết rằng nhất thiết không để trẻ em rơi vào trạng thái đau đớn buồn bã hay lo lắng sợ hãi. Khi cuộc trò chuyện kết thúc, cố gắng đánh giá mức độ lo lắng của trẻ bằng cách xem ngôn ngữ cơ thể của chúng, xem xét liệu giọng nói và nhịp thở của chúng có ổn định không.
Nhắc nhở con bạn rằng chúng có thể có những cuộc trò chuyện về những khó khăn khác với bạn bất cứ lúc nào. Nhắc nhở chúng rằng bạn quan tâm, bạn lắng nghe và bạn luôn sẵn sàng bất cứ khi nào con mình cảm thấy lo lắng.