Nỗi đau trước mắt, hệ quả lâu dài

[Ngày Nay] - Trong khi sự việc cô giáo cho bạn cùng lớp tát học sinh 231 cái tại Quảng Bình đang còn đang gây bức xúc trong dư luận thì lại xảy ra việc một cô giáo ở trường tiểu học Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) bị tố đã cho học sinh tát bạn cùng lớp 20 cái, giáo viên ở Long An đánh một học sinh khuyết tật tới bầm tím người.
Ảnh minh họa: I.T
Ảnh minh họa: I.T

Những sự việc đáng buồn liên tiếp xảy ra đã gây bức xúc trong dư luận và đang được các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, dù giáo viên có bị xử lý kỷ luật thế nào thì điều vẫn không thể xóa được là nỗi đau về thể xác, tinh thần mà học sinh phải chịu đựng, đặc biệt và nguy hại hơn là những hành động đó của giáo viên gieo mầm mống bạo lực vào cho mỗi học sinh ngay từ khi còn rất nhỏ.

Bài học… bạo hành?

TS Nguyễn Thu Hương, Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng trong khi giáo viên đánh học sinh là đã gieo vào các em bài học của sự khuất phục người khác bằng sức mạnh và quyền lực. Những trẻ em này khi lớn lên có nguy cơ sẽ tiếp tục sử dụng bạo lực để trấn át người khác.

Khi giáo viên cho học sinh tát bạn như ở Quảng Bình hay Hà Nội thì không chỉ học sinh bị tát mới bị tổn thương mà tất cả các em bé tham gia vào câu chuyện này đều bị tổn thương rất nặng, giống như là tay các em đã một lần nhúng tràm và chắc chắn các em sẽ cảm thấy mình là người có tội. Điều này sẽ để lại dấu ấn nghiêm trọng trong lòng các em.

Lối giáo dục quyền uy đã làm thui chột trong học sinh tinh thần phản biện, sự phân biệt đúng-sai, mà việc hàng chục học sinh ở Quảng Bình đã tát bạn đến hàng trăm cái tát theo lời cô, không ai dám có ý kiến, là một minh chứng. Đây chính là hệ quả của nền giáo dục áp đặt, quyền uy, khi mà ở đó, giáo viên luôn luôn đúng, nếu học sinh không nghe lời thì sẽ phải chịu một hình phạt nào đó.

Theo PGS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong những trường hợp này, giáo viên đã giáo dục học sinh bằng nỗi sợ và đây là một quan điểm giáo dục cần phải thay đổi. “Giáo dục bằng nỗi sợ khiến trẻ cảm thấy đau đớn hoặc xấu hổ, sẽ không thể xây dựng cho trẻ lòng tự trọng, trẻ sẽ không dám nói những điều mà ở trong lòng cho là đúng”, ông Nam phân tích.

Điều này hoàn toàn đi ngược lại với mục tiêu giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra là đào tạo cho học sinh sống trung thực, tự chủ, sáng tạo, biết yêu thương.

Câu hỏi về chất lượng giáo viên

Theo thầy Nguyễn Hữu Chỉnh, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội, người giáo viên luôn phải tiếp xúc hàng ngành với hàng chục học sinh, trong đó mỗi em một cá tính, nên dễ xảy ra những va chạm.

“Tuy nhiên, trong giáo dục, chữ nhẫn phải được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là người giáo viên chủ nhiệm. Có những tình huống mà học sinh có thể làm cho sự bực tức của người thầy lên đến tột đỉnh, nhưng nếu người thầy hành động theo cảm tính, nông nổi, nóng vội thì hậu quả là rất lớn, muốn chữa cũng khó”, thầy Chỉnh chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc ngành giáo dục cần đưa ra giải pháp để chấn chỉnh tình trạng, trong đó giải pháp tiên quyết là xem xét lại vấn đề đào tạo giáo viên hiện nay.

“Trường sư phạm dạy dỗ như thế nào để cho ra trường những giáo viên như vậy. Nói cách khác là các trường sư phạm nên xem lại cách thức đào tạo. Chắc chắn cô giáo tốt nghiệp được thì phải được đánh giá không chỉ chuyên môn và cả đạo đức, nhưng rõ ràng cô giáo như vậy là chưa đạt yêu cầu”, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nói.

Theo PGS Trần Thành Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội, lâu nay, đào tạo sư phạm không có môn học cụ thể về giáo dục đạo đức sinh viên, chỉ có một số học phần nói về đạo đức và chỉ tập trung lý thuyết.

Khi hoàn thành chương trình sư phạm, sinh viên có mấy tháng thực tập trước khi trở thành giáo viên chính thức. Những giờ thực tập này, các bạn tập trung chủ yếu chuyên môn, chưa chú trọng việc ứng xử tình huống sư phạm, chưa được đánh giá về đạo đức. Do đó, nhiều người nghĩ giáo dục học sinh bằng cách áp đặt, quát mắng là bình thường.

Nhìn ở góc độ khác, PGS Vũ Trọng Rỹ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam lại cho rằng tuy không có môn riêng biệt nhưng trong các nội dung đào tạo của trường sư phạm có lồng ghép vấn đề đạo đức nhà giáo và kỹ năng xử lý tình huống sư phạm. Thừa nhận rằng các nội dung này đúng là chưa nhiều, nhưng ông Rỹ cho rằng những áp lực của giáo viên trong môi trường làm việc cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các ứng xử chưa đúng của giáo viên với học sinh.

Tuy nhiên, theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT FPT, không thể lấy lý do áp lực hay thành tích mà biện minh cho hành động sai trái yêu cầu học sinh tát bạn hay sử dụng bạo lực với học sinh của mình. Giáo dục luôn phải lấy việc hướng thiện cho con người làm gốc và người giáo viên luôn phải vị tha và có kỹ năng cần thiết để uốn nắn học sinh, vì các em chính là tương lai đất nước.

TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.