Ngày 29/4/2016 vừa qua, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phối hợp với các địa phương tiến hành lấy và phân tích các mẫu nước biển ven bờ tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Nhiều ngư dân lao đao vì hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. (Ảnh: Zing)
Theo đó, sau khi so sánh với Quy chuẩn Việt Nam QCVN 10-MT:2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển để đánh giá cho thấy, các chỉ số đều nằm trong giới hạn cho phép. Kết quả này được công bố ngày hôm qua 1/5/2016.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, chất lượng môi trường tại các bãi biển ở 4 tỉnh miền trung hoàn toàn đáp ứng để tắm. Đồng thời, Bộ chính thức chịu trách nhiệm làm việc với các Sở Tài nguyên và Môi trường để lấy mẫu nước hàng ngày. Mỗi tỉnh lấy mẫu nước ở ít nhất 3 vị trí, nhiều nhất là 6, chủ yếu là các bãi tắm, trong đó có Đá Nhảy, Nhật Lệ (Quảng Bình); Triệu Lăng, Cửa Việt (Quảng Trị); Lăng Cô, Cảnh Dương, Thuận An (Thừa Thiên - Huế)...
Trong khi đó, tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết các loại hải sản đánh bắt xa bờ đều được lấy mẫu kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy các loại hải sản gồm mực, cá bớp, cá thu, cua tươi đều an toàn.
Ông Cao Đức Phát cho biết, nước biển không có vấn đề gì bất thường nên có thể sử dụng để nuôi trồng thủy hải sản. Kết luận này được đưa ra sau khi phân tích các chỉ tiêu cơ bản trong thành phần nước, tuy nhiên, ông Phát khuyến nghị vẫn cần phải đề phòng yếu tố bất thường và tiếp tục giám sát.
Từ đầu tháng 4/2016, cá ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế đồng loạt chết, ước tính khối lượng khoảng 70 tấn. Tới ngày 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường kết luận 2 nhóm nguyên nhân chính có thể khiến cá chết là thủy triều đỏ và hóa chất do con người xả thải.
Xuân Bách