Trái đất đang ngày càng nóng lên. Chúng ta đã từng nghe năm 2015 là năm nóng nhất trong lịch sử, rồi đến năm 2016, 2017 và năm 2018 này lại là một năm nóng kỷ lục mới. Trong 16 năm nóng nhất trong lịch sử có đến 15 năm là từ năm 2001 trở lại đây. Tổ chức Khí tượng thế giới khẳng định các đợt nắng nóng cực đoan với cường độ và tần suất nóng ngày càng tăng là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu, mà chính con người, với những hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt hằng ngày, góp phần gây ra. |
Theo báo cáo mới nhất vừa được IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu) công bố hôm 8/10/2018, với tốc độ nóng lên như hiện tại, nhiệt độ của thế giới có thể đạt 1,5 độ C trong khoảng thời gian từ năm 2030 - 2052. Vượt qua ngưỡng nhiệt này, nhân loại sẽ đứng trước hàng loạt hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán, cháy rừng, lũ lụt. Hàng trăm triệu người có thể rơi vào cảnh thiếu lương thực.
Tính đến thời điểm này, nhân loại đã đi gần 2/3 chặng đường đến giới hạn đỏ. Các nhà khoa học cảnh báo thế giới chỉ còn 12 năm để thay đổi và kìm hãm hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang được “cảm nhận” một cách rõ rệt trên khắp nước Mỹ với sự gia tăng của các vụ cháy rừng thảm khố ở phía Tây, lũ lụt ở bờ biển phía Đông, mất đât ở Trung Tây và xói mòn bờ biển ở Alaska, theo Báo cáo đánh giá khí hậu Quốc gia Hoa Kỳ.
Bản báo cáo nêu rõ rằng các tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đang gia tăng trên khắp đất nước và các mối đe dọa liên quan đến sức khỏe thể chất, xã hội và kinh tế của người Mỹ cũng đang dần tăng lên. Những rủi ro của biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục phát triển nếu con người không có những hành động ngăn chặn.
Nhiệt độ toàn cầu có thể cao hơn so với thời kỳ tiền công nghiệp 2 độ C nếu khí thải nhà kính bị cắt giảm nhưng nêu sự cắt giảm này không đáng kể, nhiệt độ trung bình toàn cầu hàng năm có thể tăng thêm 5 độ C hoặc cao hơn vào cuối thế kỷ này.
Ngay cả sự nóng lên 2 độ C cũng có khả năng ảnh hướng đến sự phan nhánh xã hội, theo báo cáo của IPCC gần đây đã nêu ra. Michael Oppenheimer, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Princeton cho biết, việc hành tinh nóng lên vượt xa ngưỡng nhiệt này này sẽ tạo ra “một thế giới hoàn toàn khác”. Đây là điều không thể diễn tả được, nó sẽ khiến thế giới đảo lộn về mặt khí hậu. Sẽ không giống với bất cứ điều gì từng xảy ra trong lịch sử của nền văn minh nhân loại.
Oppenheimer, cùng với nhiều nhà khoa học khác cũng cho biết thêm sự nóng lên 3 độ C nhiều khả năng là do sự tiến bộ của năng lượng tái tạo và giảm phát thải dự kiến trong tương lai.
“Giải quyết vấn đề này còn khó khăn hơn cả việc trả lời các câu hỏi về kinh tế, chính trị hay thậm chí là công nghệ. Khó có thể nói những gì chúng ta đang đi là đúng hướng ở thời điểm hiện tại”, một độc giả giấu tên của tờ Guardian nhận xét.
Các báo cáo cảnh báo rằng những phản ứng hiện tại là không đủ để ngăn chặn các tác động tồi tệ nhất từ môi trường. Không chỉ cần có nỗ lực toàn cầu nói chung để giảm thiểu các tác nhân của biến đổi khí hậu mà mỗi khu vực nói riêng cũng cần cố gắng thích ứng nhanh chóng với những tác động hiện tại để tránh những thiệt hại đáng kể của từng vùng cho nền kinh tế, môi trường và sức khỏe của người dân Mỹ trong những thập kỷ tới.
Việc biến đổi khí hậu như một trò chơi xúc xắc chống lại con người. Nó sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước, thực phẩm và hệ sinh thái của chúng ta. Không phải ở những hòn đảo xa xôi hay ở các cực của Trái đất, nó xảy ra ở chính nơi mà chúng ta đang sống.
Tóm tắt của Báo cáo đánh giá khí hậu Quốc gia Hoa Kỳ còn nêu rõ khí hậu đất liền hiện đang thay đổi nhanh hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử của nền văn minh hiện đại, chủ yếu là kết quả của các hoạt động của con người. Tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đã được “cảm nhận” ở Hoa Kỳ và dự kiến sẽ tăng cường trong tương lai.
Mực nước biển trung bình dọc theo bờ biển Mỹ đã tăng khoảng hơn 20cm kể từ đầu thế kỷ 20 khi các đại dương ấm lên và băng tan chảy. Nếu lượng khí thải không được hạn chế, nhiều cộng đồng ven biển sẽ bị biến đổi vào khoảng cuối thế kỷ này.
Nghề cá, du lịch, sức khỏe con người và an toàn công cộng cũng đang bị biến đổi, xuống cấp hoặc mất đi một phần do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là mực nước biển dâng cao và sự xuất hiện ngày càng nhiều các thiên tai khắc nghiệt.
Từ năm 2000 đến 2016, cháy rừng đã thiêu rụi ít nhất 3,7 triệu mẫu ở Mỹ. Các vụ cháy rừng thường xuyên xảy ra hơn và thiệt hại ngày càng rộng hơn,
Hơn 100 triệu người Mỹ sống ở những nơi có chất lượng không khi kém và biến đổi khí hậu sẽ làm cho tình trạng ô nhiễm không khí hiện tại trở nên tồi tệ hơn,. Khói lửa gia tăng có nguy cơ làm tăng các vấn đề về hô hấp và tim mạch, trong khi tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn và sốt cỏ khô cũng có khả năng tăng cao.
Các nguồn cung cấp nước ngầm chính đã giảm trong thế kỷ qua kể từ năm 2001. Điều này làm thay đổi đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng nguồn nước trên toàn nước Mỹ.
Biến đổi khí hậu sẽ làm gián đoạn nhiều lĩnh vực của cuộc sống bằng cách làm “tổn thương” nền kinh tế Mỹ, ảnh hưởng đến thương mại và làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột ở nước ngoài. Cộng đồng thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thế nhưng, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Theo ông Trump, thỏa thuận này sẽ khiến nước Mỹ thiệt hại hàng nghìn tỷ USD, người lao động mất việc làm và gây cản trở các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá và cả lĩnh vực sản xuất cơ khí.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh California bị bao vây bởi trận cháy rừng kinh hoàng nhất trong lịch sử được ghi nhận. Cái gọi là “lửa trại” đã phá hủy cả thị trấn Paradise. Ít nhất 84 người đã chết và hàng chục ngàn người đã phải chạy trốn khỏi đám cháy. Trận hỏa hoạn xảy ra cùng lúc với một ngọn lửa nhỏ hơn ở phía Nam, gần Los Angeles.
Tổng thống Trump đã đánh giá thấp những lời khẳng định của các nhà khoa học và nhân viên cứu hỏa rằng biến đổi khí hậu đang khiến California trở nên dễ bị cháy rừng hơn, thay vào đó là chỉ trích việc quản lý khu vực rừng
Trong khi đến thăm những vùng bị tàn phá ở California, Tổng thống Trump đã được hỏi rằng liệu những gì ông được nhìn và nghe thấy có thay đổi suy nghĩ về vấn đề biến đổi khí hậu mà trước đấy ông đã gọi nó là “một trò lừa bịp” hay không. Và ngài Tổng thống đã trả lời một cách chắc nịch rằng: “Không!”.
Hiện tượng biến đổi thời tiết giống như sự thay đổi nhiệt độ từng ghi nhận được trong lịch sử, nhưng thay vì từ lạnh đến ấm, chúng ta đang chuyển tiếp từ ấm đến nóng hơn và quá trình này diễn ra nhanh hơn bất cứ điều gì Trái đất từng trải qua trong quá khứ. Trong bối cảnh nhu cầu sản xuất, phát triển triển ngày càng đòi hỏi nguồn cung năng lượng cao gấp nhiều lần so với hiện tại, bài toán biến đổi khí hậu là thách thức to lớn cho cả hành tinh, đòi hỏi hành động đồng bộ từ nhiều phía, đặc biệt là Mỹ và các nước lớn, vì một tương lai phát triển bền vững trên toàn cầu.