Chiều 20/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ công bố hiện trạng môi trường quốc gia 2016 với chuyên đề “Môi trường đô thị”.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nhìn nhận hiện ở các thành phố lớn tình trạng ô nhiễm đang là vấn đề nổi cộm, đặc biệt Hà Nội, TP.HCM và các đô thị khác sức ép từ ô nhiễm bụi, các nguồn nước thải cũng đang là vấn đề đặt ra nhiều thách thức.
Bụi vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao, nhiều loại khí độc (NO2, O3, CO) có dấu hiệu vượt quy chuẩn, khiến tỷ lệ người dân mắc bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí tăng mạnh, đặc biệt ở trẻ em.
“Nồng độ NO2 có xu hướng tăng trong các năm gần đây. NO2 có dấu hiệu ô nhiễm và tăng mạnh vào giờ cao điểm giao thông tại khu vực giao thông trong một số đô thị lớn tại Hà Nội, TP.HCM...Nồng độ khí CO cũng tăng lên trong giờ cao điểm tại các trục giao thông và xung quanh các khu công nghiệp nằm trong đô thị”, ông Hoàng Dương Tùng thông tin.
Theo báo cáo, ghi nhận thực tế tại các khu công trường xây dựng (xây dựng khu chung cư, khu đô thị mới, sửa chữa đường giao thông, sửa chữa hệ thống thoát nước…), tình trạng ô nhiễm cục bộ với mức độ ô nhiễm bụi rất cao.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng trình báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016. |
Nguyên nhân chính là do việc thực thi các quy định về bảo vệ môi trường không nghiêm và hoạt động giám sát chưa được quan tâm đúng mức.
Cũng theo báo cáo, TP.HCM đáng báo động nhất là tình trạng ô nhiễm không khí, mà nguyên nhân chủ yếu là do khí thải từ các phương tiện giao thông gây ra.
Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí vừa qua trên địa bàn TP.HCM tại 20 vị trí cho thấy, ô nhiễm chất lượng không khí chủ yếu là do bụi lơ lửng từ các hoạt động giao thông gây ra (hơn 72% số liệu bụi quan trắc tại 12 vị trí giao thông vượt tiêu chuẩn Việt Nam).
Theo các chuyên gia về môi trường, với số lượng xe gắn máy trên 7 triệu chiếc và hơn 600.000 xe ôtô các loại ở TP.HCM thì mỗi ngày sẽ thải ra một lượng rất lớn khói, bụi.
Những khu vực có mức độ ô nhiễm cao thường đi kèm với mật độ giao thông đông đúc như khu vực: Ngã tư An Sương, khu vực ra vào cảng Cát Lái, đường Cộng Hòa, Trường Trinh, Nguyễn Hữu Thọ, ngã sáu Gò Vấp…
“Bên cạnh khói, bụi do phương tiện giao thông, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chết xuất mỗi ngày cũng phát thải chưa qua xử lý ra môi trường rất cao, nếu quy đổi thì lượng bụi cũng cả chục tấn mỗi ngày”, lãnh đạo Tổng cục Môi trường nói.
Ông Hoàng Dương Tùng cũng dân báo cáo ở Hà Nội, thống kê có đến 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm là do hoạt động giao thông. Với khoảng 5 triệu phương tiện, hoạt động giao thông chiếm tới 85% lượng khí thải CO2 và 95% lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi mà mắt thường không nhìn thấy được.
“Trong mấy năm gần đây, việc kéo dài thời gian thi công tuyến đường sắt đô thị, các công trình xây dựng, quanh năm bụi bẩn khiến cuộc sống người dân ở Hà Nội ảnh hưởng nghiêm trọng”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định.