Chiều 20/2, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù với TP HCM.
Theo tờ trình của Chính phủ, từ khi Nghị định 124/2004 về cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho TP HCM và Nghị định 61/2014 sửa đổi - bổ sung có hiệu lực, ngân sách trung ương đã thưởng và đầu tư trở lại TP HCM 8.900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2010-2013, TP HCM không được thưởng và đầu tư trở lại theo quy định do các khoản thu phân chia và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% giảm thu so với dự toán.
Tuy nhiên, do TP HCM có nỗ lực lớn trong đóng góp thu, Bộ Tài chính đã trình hỗ trợ thành phố 1.850 tỷ đồng trong 2 năm 2010 và 2011. Tổng cộng số tiền TP HCM được trung ương bổ sung 10 năm qua là trên 10.773 tỷ đồng.
Theo dự thảo được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, Chính phủ quy định trong trường hợp tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia trên địa bàn, thành phố được thưởng một phần nhưng không quá 30% số tăng thu và được bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách Trung ương một phần không quá 70% số tăng thu... Trước đó, các quy chế tài chính áp dụng hiện hành cho TP HCM chưa đưa ra những con số cụ thể này.
Góp ý về dự thảo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP HCM - Nguyễn Thành Phong nhận xét nếu giữ những nội dung được nêu nói trên khi ban hành, thành phố vẫn sẽ không có cơ chế nào để khai thác nguồn lực, tăng nguồn thu, chủ động trong chi tiêu, nhất là huy động nội lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
“Uỷ ban nhân dân TP HCM nhận thấy cả 13 điều của dự thảo Nghị định này vẫn như quy định hiện hành, chưa thấy rõ nét về tính đặc thù, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP HCM”, ông Phong nêu. Do đó, lãnh đạo địa phương đề nghị Chính phủ quy định cứng “TP HCM được bổ sung có mục tiêu 70% số tăng thu từ khoản thu phân chia với ngân sách Trung ương” và “được thưởng 30% số tăng thu”.
Giải trình cụ thể hơn về cơ chế đặc thù cho thành phố, Bí thư Thành uỷ - Đinh La Thăng bày tỏ, TP HCM mong muốn làm thế nào thu vượt ngân sách, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Trung ương nên tỷ lệ thưởng số tăng thu 30% và bổ sung có mục tiêu từ tăng thu 70% là rất quan trọng. “Có tăng thu thì ngân sách Trung ương cũng được hưởng 70% rồi, còn thành phố chỉ có 30% thôi”, ông nói.
Ông Đinh La Thăng cũng cho hay, TP HCM đang chuẩn bị một đề án không chỉ tăng ngân sách một con số mà sẽ tăng trưởng kinh tế hai con số. Nhưng muốn vậy, địa phương phải được chủ động hơn về nhiều mặt, trong đó cả về tài chính, về tổ chức và cả về biên chế. “Phải có sự tự chủ lớn nhất, không phải vì thành phố muốn trở thành vương quốc riêng đâu mà mong muốn tự chủ nhiều hơn để làm ra nhiều tiền hơn”, Bí thư Thăng nhấn mạnh.
Nhắc lại Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, Bí thư TP HCM chia sẻ, lâu nay địa phương vẫn bị phê bình là không kiên trì, đeo bám cơ chế chính sách đặc thù dành cho mình, do đó thành phố đang làm rất quyết liệt.
“Thành phố đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho chủ động nhất về thu chi trong khuôn khổ để thu được nhiều ngân sách hơn, nộp trung ương cao hơn”, Bí thư Thăng nhấn mạnh. Đồng thời, ông đề nghị tỷ lệ thưởng số thu tăng thêm là 30% không phụ thuộc vào cả nước.
“Nếu phụ thuộc vào thì lại như 5 năm trước, vượt thu nhưng cả nước không cân đối được nên thành phố không được thưởng, gọi là thưởng nhưng thực chất chỉ thưởng trên giấy thôi, không mang tính động viên”, Bí thư Thăng giải thích.
Thẩm tra dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cũng đồng tình với đề nghị TP HCM. Ông Hải nhấn mạnh quy định về mức bổ sung có mục tiêu 70% từ nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước cho TP HCM cũng tương thích với mức mà Thủ đô Hà Nội được hưởng.
Góp ý tại phiên thảo luận Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh cần có cơ chế đặc thù cho TP HCM do đây là tay hòm chìa khoá, vùng động lực chiếm 1/3 tổng số thu của cả nước. “Thành phố chỉ được hưởng 18% còn lại điều tiết về Trung ương thì phải có cơ chế đặc thù, thúc đẩy cho thành phố thu nhiều hơn, tạo nguồn thu nhiều hơn cho ngân sách Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhất trí để TP HCM được thưởng 30% số tăng thu, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, phải có điều kiện kèm theo là thu ngân sách Trung ương cũng phải vượt, nếu không sẽ phải đi vay để chi cho các nhiệm vụ khác.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho biết các thành viên cơ quan thường trực Quốc hội nhất trí để TP HCM được hưởng tỷ lệ thưởng 30% khi vượt thu ngân sách và tỷ lệ hỗ trợ có mục tiêu mà thành phố này được hưởng không quá 70%. Đồng thời, để đảm bảo cho địa phương phát triển thì mức vay của TP HCM sẽ được nâng từ 60% như dự thảo Nghị định, lên mức 70%.
Với lý do “khả năng trả nợ của thành phố là có. Muốn tăng trưởng 2 con số thì cần nhiều nguồn lực”, Bí thư Đinh La Thăng đề nghị nới thêm tỷ lệ vay của TP HCM lên 90%. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng “trước mắt chỉ tăng lên 70%, khi nào vượt được số này thì sẽ tính toán, bàn cụ thể sau”.
Theo Vnexpress