Ông già đoàn lô tô: bàng bạc tình người phương Nam

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -"Ông già đoàn lô tô" (tác giả và đạo diễn Bùi Quốc Bảo cảm tác từ truyện ngắn "Cải ơi về đâu" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) là vở kịch tham gia Liên hoan Sân khấu kịch TPHCM lần 1-2024 – Khát vọng phương Nam.
Phương Lan hoá thân cảm động vào nhân vật Bích, cô gái khát khao tình thương yêu
Phương Lan hoá thân cảm động vào nhân vật Bích, cô gái khát khao tình thương yêu

Đây cũng là vở kịch đồng thời phục vụ cho mùa kịch Giáng sinh của sân khấu Thế Giới Trẻ. Vở diễn này vừa có phong cách hài quen thuộc nhưng đồng thời có những phút lắng đọng đến rơi lệ.

Hợp chủ đề và "chạm" khán giả

Chủ đề Liên hoan Sân khấu kịch TPHCM lần thứ nhất -2024 là Khát vọng phương Nam. Theo một nghĩa nào đó, ban tổ chức muốn các đơn vị tham gia mang đến những tác phẩm có ý nghĩa tôn vinh văn hóa và con người miền Nam. Bối cảnh của kịch "Ông già đoàn lô tô" diễn ra ở miền Tây sông nước, tất cả các nhân vật là người miền Nam và người Bắc di cư sống tại miền Nam.

Hát lô tô cũng là nét văn hóa bình dân rất phổ biến ở miền Tây, miền Đông Nam bộ và cả Sài Gòn. Cốt lõi của câu chuyện vẫn giữ hồn cốt của truyện ngắn "Cải ơi về đâu" của Nguyễn Ngọc Tư. Đó là hành trình người cha dượng đi tìm đứa con của vợ bị thất lạc. Tuy nhiên, Bùi Quốc Bảo đã dựng lên một câu chuyện có xung đột kịch qua việc tạo thêm nhiều nhân vật khác, và tình huống kịch khác so với bản gốc.

Ông già đoàn lô tô: bàng bạc tình người phương Nam ảnh 1

Quang Tuấn rất ấn tượng trong vai người cha dượng tìm con gái thất lạc, và Khả Như cũng có một vai bi hay

Trong tác phẩm văn học chỉ có nhân vật chính cha dượng, thằng con nuôi ca sĩ, cô gái bia ôm, đứa con gái mà người cha dượng đi tìm không xuất hiện. Trong "Ông già đoàn lô tô" có rất nhiều nhân vật trong tuyến chính như đứa con gái bị thất lạc, chồng sắp cưới của cô gái bị thất lạc, em nuôi của cô gái bị thất lạc, cha dượng, thằng con nuôi, vợ sắp cưới của thằng con nuôi, ba cô gái trong đoàn lô tô. Trong đó, Bùi Quốc Bảo đã xây dựng thân phận nhân vật rất xúc động với người cha dượng tìm con gái vợ (Quang Tuấn), Bích (Phương Lan) vợ sắp cưới của thằng con nuôi, Thắm (Khả Như) đứa con gái bị thất lạc, bà bán gạo (Hồng Trang) người mẹ có con trai yêu một đồng tính nam trong đoàn lô tô.

Nếu trong truyện Nguyễn Ngọc Tư người cha dượng lạc vào một đoàn hát của một tỉnh nghèo, thì trong kịch Bùi Quốc Bảo cho ông ấy tá túc trong đoàn hát lô tô nghèo của người nam giả gái hoặc chuyển giới chưa hết do không đủ tiền. Bối cảnh này gợi lên rất nhiều thân phận bềnh bồng, nổi trôi và nghèo khó, đặc biệt là khát khao gần như vô vọng của mình. Các chàng trai giả gái trong đoàn lô tô mải miết giấc mơ có được một tình yêu đích thực, muốn có tiền để biến thành con gái hoàn toàn về thể xác.

Ông cha dượng vô vọng theo đuổi trách nhiệm đi tìm lại đứa con gái của vợ mà ông xem như máu mủ. Những con người bên cạnh đoàn lô tô cũng chông chênh với những niềm hạnh phúc mộc mạc, nhưng xa tầm tay. Thắm (Khả Như) khát khao tình yêu với người chồng là cậu ấm gia đình giàu có (HuỳnhQuý), Bích (Phương Lan) chờ đợi sự quan tâm của cha mẹ bỏ rơi mình và cả tình yêu với người yêu (Huỳnh Phương).

Tất cả đều hy vọng, mong mỏi và chơi vơi. Những tình huống này dẫn đến nhiều cảm xúc khác lạ cho người xem.

Dấu ấn Quang Tuấn và Phương Lan

Được biết vai ông già lúc đầu được chọn cho Hoàng Phi, một diễn viên hài quen thuộc của Thế Giới Trẻ. Hoàng Phi đã diễn khá tốt nhưng trong tháng 11 kéo dài hết tháng 12/2024, Hoàng Phi kẹt lịch quay phim. Vì vậy, để kịp thời gian tham gia liên hoan, Bùi Quốc Bảo đã chọn Quang Tuấn thay thế.

Chàng diễn viên trẻ này vốn dĩ rất mạnh ở thể loại vai tính cách buồn, khổ, cô độc nên Tuấn đã hóa thân sinh động vào nhân vật cha dượng tìm con. Trong suất diễn có sự hiện diện của ban giám khảo, Tuấn diễn cảm xúc đến mức khán giả thấy rõ nước mắt nước mũi chảy xuống khi nhân vật đang khóc. Theo Bùi Quốc Bảo, sau khi Hoàng Phi hoàn thành dự án phim, anh sẽ trở lại cùng diễn xen kẻ với Quang Tuấn trong vai này.

Ông già đoàn lô tô: bàng bạc tình người phương Nam ảnh 2

Ba nhân vật nam giả nữ trong đoàn lô tô vừa bi vừa hài

Phương Lan vốn dĩ là một diễn viên hài đối đáp rất nhanh lẹ, lối diễn sôi động nhưng trong vai Bích, Lan đã hóa thân vào một tính cách khác. Cô gái này rơi nhiều nước mắt, cảm xúc vui buồn thăng trầm theo hành động ứng xử của người yêu. Cô đã dành dụm từng chút tiền cho đám cưới nhưng người yêu thì lại lo cho cha nuôi hơn mình.

Sở dĩ Bích khát khao một mái ấm gia đình vì cô là đứa con bị bỏ rơi. Cái cảnh cô được ông cha dượng muốn đeo đôi bông tai là một cảnh rất lắng. Bích đã bịt tai chạy đi vì cô chưa từng xỏ lỗ tai. Hầu như đa số các cô gái nông thôn Việt Nam đều được mẹ xỏ lỗ tai từ nhỏ để chuẩn bị đeo bông cưới sau khi trưởng thành, nhưng Bích không có. Đây là một nỗi bất hạnh lớn của đời con gái và Phương Lan đã diễn đạt rất cảm động.

Nhân vật trai giả gái của Hữu Đằng, Lâm Nguyễn, Dương Thanh Vàng cũng có sự xúc động nhưng đa phần là nhân tố tạo nên tiếng cười. Hồng Trang xuất hiện ít nhưng cũng tạo ấn tượng. Nhìn chung, sân khấu Thế Giới Trẻ quan tâm đến những vở kịch tâm lý có chiều sâu nội tâm là tín hiệu tốt.

Qua các câu chuyện như thế, khán giả trẻ còn vô tư và hồn nhiên nhận ra những bài học nhân nghĩa cần thiết trong cuộc sống vật chất gần như áp đảo nhiều giá trị khác. Kịch nghệ đúng là để giải trí nhưng khi có thêm những điều gì đó, không cần triết lý to tát, nhưng đủ để suy gẫm là điều nên làm.

Bác sĩ Chuyên khoa II Võ Trương Quý, Phó Trưởng Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi.
Khu vực phía Nam: Trẻ mắc sởi phải nhập viện tăng mạnh
(Ngày Nay) - Liên tục trong những ngày qua, các bệnh viện tuyến cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều ca trẻ nhập viện do mắc sởi. Bệnh đang lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, trong đó nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chưa đủ mũi.
Chùa Yên Phú, di sản cổ tự 2.000 năm tuổi ở Hà Nội
Chùa Yên Phú, di sản cổ tự 2.000 năm tuổi ở Hà Nội
(Ngày Nay) - Chùa Yên Phú có tên chữ là Thanh Vân tự, sau đổi thành Khánh Hưng tự - là một trong nhng ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Chùa cách trung tâm Hà Nội 18km về phía Nam, với bề dày lịch sử 2.000 năm và những câu chuyện ly kỳ xung quanh cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Logo chính thức của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Việt Nam
Logo chính thức của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Việt Nam
(Ngày Nay) - Chiều ngày 2/12/2024, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN, đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, đã thông báo việc chọn logo chính thức cho sự kiện quan trọng này.