Nghệ sĩ Bùi Chát: Họa sĩ cần nhà sưu tập chứ không cần thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Năm 2022, Bùi Chát - nghệ danh của Bùi Quang Viễn, lần đầu triển lãm tranh nhưng quên xin phép suýt chút nữa bị chế tài. Cứ nghĩ Bùi Chát vẽ tranh chơi cho vui, một cách thay đổi không khí như nhiều người cầm bút lâu ngày giải khuây bằng hội họa. Nhưng không, Bùi Chát không chơi.
Nghệ sĩ Bùi Chát
Nghệ sĩ Bùi Chát

Từ 26/11 – 3/12 tại Maii Artspace 72/7 Trần Quốc Toản, phường Võ Thị Sáu, Q.3, TPHCM, Bùi Chát triển lãm cá nhân lần thứ 9 với chủ đề “Gieo dó ngồi ngó” với bộ sưu tập gồm 23 bức tranh mực tàu màu nước trên giấy dó. 9 cuộc triển lãm trong 3 năm với gần 300 bức tranh vả là một cuộc chơi đáng nể về cường độ.

Xuất phát từ một nhà thơ đến với hội họa, Bùi Chát sẽ lợi dụng ngôn từ để đặt tên tranh theo hướng thi vị hóa? Ngược lại, chưa bao giờ thấy Bùi Chát đặt tên cho các bức tranh một cách rõ ràng, cụ thể. Phần lớn các tên tranh đều là “Không đề” và được đánh số theo thứ tự, hoặc tên tranh được đặt theo tên triển lãm và được đánh số.

Nghệ sĩ Bùi Chát: Họa sĩ cần nhà sưu tập chứ không cần thị trường ảnh 1

Một góc triển lãm Gieo dó ngồi ngó

Bùi Chát cho biết, vì không muốn áp đặt hay định hướng cách hiểu nghệ thuật cho người xem tranh, nên anh không đặt tên cho tác phẩm. Ngoài ra với Bùi Chát thì một cái tên cụ thể nào đó sẽ không bao giờ diễn đạt được diễn biến thực sự của các “tình huống nghệ thuật”, mà ở đây là “hội họa tình huống” anh đang theo đuổi lâu nay.

Có lẽ trong hơn 20 năm thực hành nghệ thuật từ thơ cho đến hội họa, Bùi Chát chỉ quan tâm và cố gắng thể hiện những vấn đề cốt lõi nhất, và luôn định vị tác phẩm của mình nằm ở ranh giới giữa nghệ thuật và không nghệ thuật.

Nghệ sĩ Bùi Chát: Họa sĩ cần nhà sưu tập chứ không cần thị trường ảnh 2

Bùi Chát, cho hay: “Gieo dó… là một kiểu gieo nghệ thuật, gieo tinh thần của tác giả vào chất liệu là giấy dó

Trong loạt tranh Gieo dó… này, “hội họa tình huống” của Bùi Chát đã được biến ảo phù hợp trên chất liệu giấy dó, tạo nên một bề mặt lạ, vừa theo hướng thể nghiệm đương đại vừa gợi nhớ hội họa truyền thống phương Đông.

Bùi Chát, cho hay: “Gieo dó… là một kiểu gieo nghệ thuật, gieo tinh thần của tác giả vào chất liệu là giấy dó. Tôi tự ý thức đây chỉ là bước khởi đầu trong một địa hạt mới, nói cách khác là khởi đầu cho một hành trình mới của nghệ thuật. Và vẫn trên tinh thần thể nghiệm là chính, tôi nghĩ rằng khi đã chọn nghệ thuật là con đường thì phải luôn luôn bước đi, luôn luôn thể nghiệm”.

Hỏi: “Đang ngon trớn với sơn dầu tại sao chuyển qua chất liệu truyền thống giấy dó?Bùi Chát: “Tôi nghĩ bất cứ họa sĩ/nghệ sĩ nào cũng đều muốn thể hiện tác phẩm của mình trên nhiều vật liệu khác nhau. Phần vì muốn thăm dò khả năng thích ứng của mình với những vật liệu ít quen thuộc, phần vì vật liệu mới thường có khả năng thách thức và tạo cảm quan cho những kỹ thuật mới, giúp nghệ sĩ dễ dàng hơn trong việc làm mới chính mình.Tranh giấy dó trong triển lãm này tôi vẽ chủ yếu từ 2022, nhưng cất kho bây giờ mới có điều kiện trưng bày”.

Khi nói đến việc mua – bán người ta nghĩ ngay đến thị trường, các họa sĩ vẽ tranh cần thị trường. Sau 8 lần triển lãm thì các họa phẩm của Bùi Chát đã có thị trường chưa trong mối quan hệ họa sĩ là nhà sản xuất và người mua tranh là nhà sưu tập? Bùi Chát, thẳng thắn: “Họa sĩ cần nhà sưu tập chứ không cần thị trường. Họa sĩ cần bán tranh và cần người hiểu mình, để cân bằng được hai yếu tố này thì nhà sưu tập đáp ứng tốt hơn là thị trường. Thị trường có những đòi hỏi khắc nghiệt và phi lý mà không phải họa sĩ nào cũng chấp nhận được. Thường thì họa sĩ không thể nào hiểu nổi thị trường và thị trường cũng không thể hiểu được họa sĩ. Tôi nghĩ tôi không phải là nghệ sĩ sáng tạo để phục vụ thị trường nên tôi không tìm kiếm thị trường, mà không tìm không kiếm thì sẽ không bao giờ thấy”.

Vì không tìm kiếm thị trường, nên Bùi Chát hy vọng vào nhà sưu tập cũng là người hiểu được họa sĩ: “Tôi mong nhà sưu tập của tôi là những người yêu và hiểu biết về nghệ thuật cũng như bối cảnh văn hóa mà nghệ sĩ và tác phẩm đã và đang trải qua. Việc sưu tập lúc nào cũng kĩ lưỡng và cẩn thận, luôn có chiến lược phù hợp cho sự nghiệp sưu tập của mình”.

Nghệ sĩ Bùi Chát: Họa sĩ cần nhà sưu tập chứ không cần thị trường ảnh 3

Bùi Chát không đặt tên tranh vì không muốn áp đặt hay định hướng cách hiểu nghệ thuật cho người xem tranh

Ở điểm này, Bùi Chát vẽ tranh như một thi sĩ làm thơ, vì nhà thơ không tìm kiếm thị trường cho tác phẩm của mình, nhà thơ chỉ tìm người hiểu tác phẩm của mình để tạo thành sự gắn kết của những tâm hồn đồng điệu.

Bùi Chát theo học và tốt nghiệp cử nhân văn chương, rồi cử nhân luật, anh chưa từng học bất cứ một trường hoặc khóa học nghệ thuật chính quy nào. Trước khi trở thành một họa sĩ với 9 lần triển lãm cá nhân, Bùi Chát là một thi sĩ, anh đã xuất bản 7 tập thơ được dịch và giới thiệu qua một vài ngôn ngữ khác. Bùi Chát cũng được xem là một người hoạt động xuất bản đáng kể.

Với hội họa, Bùi Chát một họa sĩ tự dạy – anh tự dạy anh thông qua sách vở đã đọc để từ đó tìm ra con đường sáng tạo riêng. Sau nhiều lần phải bỏ dở hội họa dù rất mê vẽ, Bùi Chát cầm cọ lại một cách chuyên tâm vào năm 2019. Hiện Bùi Chát đang chủ trương một lối hội họa riêng có tên gọi là “Hội họa Tình huống”

Tuy mới “xuất hiện”, nhưng nghệ thuật Bùi Chát là “một quá trình” tìm kiếm và sáng tạo với tinh thần tự do rất đáng chú ý... Mỗi triển lãm của Bùi Chát, là một trình hiện nghệ thuật khác...

Ở tư cách người viết phê bình, bao nhiêu năm nay, khi bắt đầu lập “folder” về một họa sĩ nào đó, là tôi bắt đầu cho một vụ “đặt cược”. Đặt cược vào tương lai...

Khi lập “folder Bùi Chát”, tôi tin, Bùi Chát rồi sẽ đi xa, và có nhiều đóng góp trong nghệ thuật...

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng

Loạt tranh màu nước mà Bùi Chát vẽ trên Giấy Dó ở triển lãm lần này mang đến một trải nghiệm nghệ thuật độc đáo và sáng tạo. Việc sử dụng kỹ thuật vẽ khô với những nét thiếu, đứt gãy… không những tạo ra sự thú vị trong từng bức tranh mà còn gợi nhớ đến nghệ thuật thư pháp truyền thống. Những nét vẽ này không chỉ tượng hình những con chữ, những bài thơ haiku trừu tượng, mà còn là cảm xúc tuôn trào như không control được của một người nghệ sĩ vừa là nhà thơ đương đại, vừa là họa sĩ, thể hiện qua từng đường nét.

Họa sĩ Phan Trọng Văn – phụ trách chuyên môn của Maii Artspace

BTC chương trình với nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm mang đến những kỷ niệm đẹp cho các bạn học sinh Ảnh: BTC.
Điểm nhấn thú vị trong ngày hội tư vấn tuyển sinh Diễn Châu 3 Open Day
(Ngày Nay) - Tiếp nối 14 mùa tổ chức thành công rực rỡ, Diễn Châu 3 Open Day 2025 đã chính thức khởi động trở lại với chủ đề “Dream Catcher”. Với tinh thần nhiệt huyết cùng những giá trị thiết thực, chương trình nhận được sự hưởng ứng và quan tâm đông đảo từ phía học sinh cũng như các bậc phụ huynh.
Google đối diện rắc rối pháp lý mới
Google đối diện rắc rối pháp lý mới
(Ngày Nay) -  Ngày 6/1, Google cho biết công ty con này của Alphabet đang phải đối mặt với khiếu nại thứ hai từ tổ chức đại diện quyền lợi cho người lao động Mỹ.
Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút và giữ chân giáo viên mầm non là một thách thức lớn đối với nhiều địa phương. Tại tỉnh Tây Ninh, tình trạng thiếu giáo viên mầm non đang trở thành một vấn đề nan giải, mặc dù ngành Giáo dục đã nỗ lực tuyển dụng.
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
(Ngày Nay) - Điện ảnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình quan trọng, khi sự cạnh tranh không chỉ dừng lại ở những tác phẩm nội địa mà còn đối diện với làn sóng mạnh mẽ từ các nền điện ảnh châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.