Tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng 16/2, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội, cho biết thành phố đang tiến hành quy hoạch các tuyến đê sông Hồng chạy qua địa bàn thành phố dưới sự tài trợ vốn của các doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử cán bộ tham gia cùng thành phố ngay từ đầu. “Hiện người dân Hà Nội sống ở vùng bãi sông Hồng là 853.000 dân. Họ không có trường học, trạm y tế, đường, đời sống người dân rất bức bách. Nếu triển khai nhanh được vấn đề này, sẽ có điều kiện cải thiện đời sống người dân, cải thiện được các khu đô thị hiện nay”, ông Chung nói.
Ông Nguyễn Đức Chung cũng cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai hệ thống phân lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và đề nghị đẩy nhanh hơn về tiến độ.
Về thông tin dư luận đang xôn xao việc Hà Nội đề xuất hạ đê hữu sông Hồng để làm giao thông, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định đã xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị báo chí nêu rõ là Hà Nội không kiến nghị hạ cốt đê sông Hồng.
“Chúng tôi kiến nghị thay đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến An Dương từ đê bằng đất chuyển thành đê bê tông. Thực tế từ đoạn Phúc Tân đến An Dương đã làm rồi. Nếu làm thì kiến trúc cầu An Dương sẽ đẹp hơn”, Chủ tịch UBND Hà Nội nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu chính quyền Hà Nội, đề xuất chuyển từ đê đất sang đê bê tông sẽ mở rộng mỗi bên hai làn đường 3,7 m. Toàn bộ khu vực từ khách sạn Thắng Lợi đến An Dương đã xin ý kiến người dân và nhận được sự đồng tình rất cao.
Cũng theo ông Chung, khi làm con đường này thì giao thông rất thuận lợi, người dân đi từ đường xuống hai bên sẽ hạ được độ dốc.
“Trước đây chúng ta nghiên cứu thì chưa có thủy điện Sơn La, Lai Châu. Khu này người dân đã xây nhà kín nên mặt đê bê tông không chịu áp lực trực tiếp của mực nước khi dâng cao, vì vậy có thể chịu được áp lực nước. Với công nghệ hiện nay, hoàn toàn có thể làm đê bê tông chịu lực được”, ông Chung khẳng định và đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thống nhất để triển khai dự án.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi Trần Quang Hoài cho hay vừa qua nhiều người dân, chuyên gia, các cán bộ lão thành trong lĩnh vực thuỷ lợi đều rất bức xúc trước thông tin Hà Nội đề xuất hạ cốt đê đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.
"Một số báo đưa tin Hà Nội đề xuất hạ cốt đê khiến dư luận phản ứng, bởi từ vị trí đê đó vào trung tâm rất gần, sẽ tiềm ẩn nguy cơ khi hồ thủy điện Hoà Bình xả lũ. Do đó, báo chí cần phản ánh chính xác thông tin, nếu không sẽ gây bức xúc dư luận", ông Hoài nói.
Ngày 24/1, UBND Hà Nội đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất phương án thay đổi kết cấu cao trình mặt đê tại đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, với cao độ dương 12,4 m, như phương án đã đề xuất trước đó.
Theo UBND Hà Nội, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận.
UBND Hà Nội cho rằng thượng nguồn sông Hồng đã xây dựng một số đập thủy điện (thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu...), các đập thủy điện này có chức năng điều tiết lưu lượng nước trên sông Hồng, hạn chế tối đa các nguy cơ gây lũ lụt trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn Hà Nội.
Đề xuất của Hà Nội gây ra nhiều ý kiến trái chiều, có ý kiến ủng hộ nhưng đa số cho rằng đề sông Hồng rất trọng yếu trong công tác chống lũ nên phải cẩn trọng.
Ngày 14/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý với đề xuất thay đổi kết cấu đê đất sang đê bê tông nhưng yêu cầu Hà Nội phải lên phương án, thiết kế chi tiết.