Đại diện VKS khẳng định đủ căn cứ xác định ông Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm đã có sự móc nối, chỉ đạo, thông đồng để chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại dự án Nam Đàn Plaza thấp hơn giá trị đặt cọc với số tiền 87 tỉ đồng. Từ đó họ chia nhau chiếm đoạt tổng cộng 49 tỉ đồng, trong đó ông Thanh chiếm đoạt 14 tỉ đồng, cựu chủ tịch HĐQT PVP Land Đào Duy Phong 8 tỉ đồng, cựu chủ tịch Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà Đinh Mạnh Thắng 5 tỉ đồng…
Trịnh Xuân Thanh có vai trò quyết định
Tại phiên tòa, ông Thanh không thừa nhận chỉ đạo, quyết định bán cổ phần thấp hơn giá trị thực tế. Tuy nhiên, PVC do ông Thanh làm chủ tịch HĐQT. Theo quy chế, hai bị cáo Phong và cựu tổng giám đốc (TGĐ) PVP Land Nguyễn Ngọc Sinh được ông Thanh cử làm người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land nên phải được sự đồng ý của ông Thanh khi bán cổ phần. Ông Thanh nắm rõ thông tin về dự án, trong đó giá trị sử dụng đất là 25 triệu USD (tương đương 52 triệu đồng/m2). Tuy nhiên, ông Thanh đã chấp thuận phương án trên cơ sở tờ trình của bị cáo Phong với mức chuyển nhượng chỉ có 34 triệu đồng/m2.
Đối với Phong, có đủ căn cứ kết luận với cương vị chủ tịch HĐQT PVP Land cũng như người đại diện phần vốn của PVC, bị cáo này biết rõ về dự án Nam Đàn Plaza nhưng đã ký nghị quyết bán cổ phần của PVP Land với giá 34 triệu đồng/m2 để hưởng chênh lệch giá. Bản thân Phong đã nhận 10 tỉ đồng, trong đó sử dụng 8 tỉ đồng vào chi tiêu cá nhân.
Đối với Sinh, với cương vị TGĐ PVP Land cũng như người đại diện phần vốn của PVC, bị cáo này biết rõ về dự án Nam Đàn Plaza, bản thân đã trực tiếp nhận 2 tỉ đồng từ bị cáo Phong.
Các bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Trịnh Xuân Thanh, Thái Kiều Hương (từ trái sang) tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN |
Đối với Thắng, tại tòa bị cáo thừa nhận được cựu phó TGĐ Công ty Vietsan Thái Kiều Hương nhờ tác động đến ông Thanh, sau đó được nhận 5 tỉ đồng tiền “cảm ơn”, đồng thời được Hương nhờ chuyển 14 tỉ đồng cho ông Thanh. Bị cáo Thắng khai không biết số tiền 14 tỉ đồng này là tiền từ chênh lệch giá do bán cổ phần có giá thấp hơn thực tế. Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng có đủ căn cứ cho thấy bị cáo Thắng biết rõ số tiền 14 tỉ đồng trên là từ việc ông Thanh đồng ý cho bán số cổ phần thấp hơn giá trị thực tế. Đối với các bị cáo còn lại, đại diện VKS cũng khẳng định có đủ cơ sở để kết luận họ đã phạm tội tham ô tài sản.
Bản luận tội của đại diện VKS cũng nhận định ông Thanh có chức vụ, quyền hạn cao nhất tại PVC, có vai trò quyết định trong việc chuyển nhượng số cổ phần có giá trị chênh lệch so với thực tế, sau khi phạm tội đã có hành vi che giấu, tại tòa chưa thành khẩn, chỉ thừa nhận một phần hành vi phạm tội… Tuy nhiên, lời khai của ông này giúp một phần làm rõ vụ án, đã trả lại số tiền 14 tỉ đồng cho bị cáo Hương nên cần xem xét.
Các bị cáo Thắng, Hương… có sự móc nối, giúp sức cho các bị cáo khác tham ô. Trong đó, bị cáo Thắng trong quá trình xét xử đã thành khẩn khai báo, quá trình công tác có nhiều thành tích, đã trả lại 5 tỉ đồng cho Hương nên cần xem xét.
Từ đó, đại diện VKS đã đề nghị phạt Trịnh Xuân Thanh án tù chung thân, Phong 17-18 năm tù, Sinh 14-15 năm tù, Thắng 11-12 năm tù, Hương 11-12 năm tù, các bị cáo còn lại 8-12 năm tù…
Luật sư yêu cầu được HĐXX tôn trọng
Trước đó, sáng cùng ngày, luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (LS của ông Thanh) hỏi hai bị cáo Phong và Sinh. Bị cáo Sinh đang trình bày thì HĐXX ngắt lời, đề nghị LS Quynh hỏi câu hỏi khác vì bị cáo không nắm được vấn đề.
LS Quynh phản đối: “Tôi cảm giác phiên tòa này HĐXX điều hành không được khách quan. Tôi hỏi cái gì cũng là để làm rõ sự thật của vụ án. Đang có cáo buộc bị cáo Thanh dọa cách chức bị cáo Sinh và Phong nên phải làm rõ. Nếu chúng ta không làm rõ tại phiên tòa này thì việc xét xử không có ý nghĩa”. LS Quynh gay gắt nói thêm: “Xin HĐXX tôn trọng LS, đừng có cắt lời LS như thế”.
“HĐXX tôn trọng tất cả người tham gia tố tụng và tham dự phiên tòa, ngược lại mọi người cũng phải tôn trọng HĐXX đồng thời phải thực hiện theo sự điều hành của HĐXX. Những nội dung không liên quan đến phần bào chữa thì HĐXX có quyền cắt. Trong trường hợp này, rõ ràng câu trả lời của bị cáo Sinh là không nắm được về tổ chức vì bị cáo Sinh không làm về tổ chức. HĐXX muốn LS hỏi câu hỏi khác bởi lẽ nếu tiếp tục hỏi về tổ chức, bị cáo Sinh không nắm được sẽ chỉ trả lời theo phỏng đoán của mình, không có câu trả lời chính xác. Với câu hỏi này, LS hỏi người có thẩm quyền thì HĐXX sẽ không cắt” - HĐXX giải thích.
LS Quynh tiếp tục phản đối: “Tôi thấy HĐXX giải thích không thấy thỏa mãn. TGĐ là người ký quyết định, ký hợp đồng lao động, không hỏi TGĐ thì hỏi ai?”.
Đến đây, HĐXX đề nghị LS Quynh tiếp tục hỏi nhưng LS nói: “Vì HĐXX cắt đứt mạch hỏi của tôi nên tôi quên câu hỏi rồi. Đề nghị HĐXX lưu ý tôn trọng chúng tôi, chúng tôi đang có mạch hỏi”. HĐXX bèn tuyên bố nghỉ giải lao 15 phút vì “LS quên câu hỏi”.
Cần nhắc lại, chiều 24-1, LS Lê Văn Thiệp (bào chữa cho ông Thanh) cũng phản ứng cách điều hành của HĐXX. Khi LS Thiệp hỏi bị cáo Thắng về việc chuyển tiền đựng trong valy hay túi xách, HĐXX nhắc vấn đề này không hỏi nữa. LS Thiệp phản ứng rằng ông chỉ hỏi những vấn đề HĐXX chưa hỏi hoặc vấn đề các bị cáo đang trả lời thì bị HĐXX ngắt.
Một LS khác của ông Thanh là LS Trần Hồng Phúc thì công bố bảng kê số tiền 14 tỉ đồng mà VKS quy buộc ông Thanh nhận gồm các mệnh giá khác nhau lên đến khoảng 90.000 tờ. Trả lời câu hỏi của LS, ông Thanh nói đề nghị HĐXX cho thực nghiệm công khai tại phiên tòa là với số tiền đó thì có thể nhét vào một valy như cáo trạng xác định được không…
Bị cáo cũng có quyền hỏi
Ngay sau khi HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, LS Nguyễn Văn Quynh nêu ý kiến là theo quy định của BLTTHS mới, các bị cáo cũng có quyền được hỏi nên ông “xin nhắc để HĐXX lưu ý”.
HĐXX cho rằng việc xét hỏi đã rõ, phần tranh luận các LS và bị cáo sẽ nêu về quan điểm của mình. LS Lê Văn Thiệp cho rằng để bảo đảm quyền của bị cáo, theo quy định của BLTTHS mới thì đề nghị HĐXX hỏi xem các bị cáo có muốn đặt câu hỏi nào với các bị cáo khác hay không. “Các bị cáo có muốn hỏi thêm về vấn đề gì không?” - HĐXX sau đó hỏi.
Ông Trịnh Xuân Thanh liền đề nghị được hỏi đại diện VKS nhưng HĐXX giải thích bị cáo không được hỏi đại diện VKS, chỉ được quyền đề nghị hỏi thêm về những vấn đề gì để HĐXX xem xét. Sau đó, ông Thanh đã hỏi một số bị cáo như Hương, Thắng, Sinh...
Theo Pháp Luật TP.HCM