Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin trái chiều trên báo chí và mạng xã hội, nhiều phụ huynh, nhà báo, chuyên gia dinh dưỡng lại có cái nhìn khác khi hiểu thấu đáo mục tiêu cũng như ý nghĩa về chương trình này.
Những cái nhìn thấu đáo
Mặc dù đang triển khai giai đoạn lấy ý kiến tại các nhà trường và Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã quyết định kéo dài chốt danh sách mời thầu đến 10/10 thay vì 1/10 như dự diến, nhưng trên một số tờ báo điện tử và mạng xã hội vẫn có những cái nhìn thiếu thiện chí và có phần sai lệch, từ đó dẫn đến hiểu sai về Chương trình “sữa học đường”.
Tuy nhiên, cũng đã có không ít người dân, phụ huynh sau khi tìm hiểu về Chương trình này đã bày tỏ những ý kiến, quan điểm tích cực. Đang có con theo học lớp 2, anh Nguyễn Hữu Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ sự không đồng tình với những suy nghĩ và những phát ngôn thái quá về Chương trình này.
Anh chia sẻ: “Một chương trình ý nghĩa đang bị bóp méo mó, dù cơ quan chức năng khẳng định sữa đảm bảo chất lượng. Theo tôi, cách chọn nhà cung cấp sữa thông qua đấu thầu là việc làm công khai, minh bạch”. Anh Hưng cũng cho rằng, phụ huynh được tự nguyện tham gia, không bắt buộc, vậy sao nhiều người lại phản đối kịch liệt, chính điều này đã làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người khác?
Trước đó, trong buổi làm việc với báo chí, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định, trước cũng như sau khi đưa vào thực hiện, hãng sữa nào trúng thầu cũng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật của Bộ Y tế đưa ra. Việc sản xuất sữa cũng phải có quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế đã quy định…
“Trong đề án của TP nêu mức hỗ trợ tối thiểu của đơn vị trúng thầu là 20%, ai hỗ trợ nhiều hơn thì sẽ được ưu tiên. Còn giá hộp sữa, đơn vị nào bỏ thầu thấp nhất thì được ưu tiên. Giá này quy định trong hồ sơ mời thầu bao gồm tất cả chi phí đến tay học sinh sử dụng, từ vận chuyển, gom vỏ hộp, tập huấn cho giáo viên xử lý vỏ hộp sữa sau khi các em uống xong để đảm bảo vệ sinh môi trường. Như vậy, học sinh sẽ được sử dụng sữa có chất lượng với mức giá thấp.
Với các tiêu chí rõ ràng như vậy, chẳng có lý do gì để phản đối chương trình” - chị Nguyễn Thu Thủy - một phụ huynh có con học tiểu học ở phường Thành Công, quận Đống Đa nêu quan điểm.
Việc một số phụ huynh có cái nhìn chưa đúng về Chương trình “Sữa học đường” đã tạo ra những luồng thông tin trái chiều, làm mất đi tính nhân văn và hơn nữa, sẽ khiến con trẻ mất đi một cơ hội phát triển tốt về trí tuệ cũng như thể chất.
Người Nhật từ chỗ bị gọi là “Nhật lùn” nay đã thành “Nhật kều” nhờ một phần của dinh dưỡng học đường, trong đó có sữa học đường. |
Tính đến hiệu quả lâu dài
Đây là lần đầu tiên Hà Nội đưa vào áp dụng chương trình “Sữa học đường” cho học sinh tiểu học, mầm non trên toàn TP. Việc bước đầu triển khai có những ý kiến trái chiều là điều dễ hiểu. Hơn nữa, Sở GD&ĐT Hà Nội mới chỉ đưa ra đề án, lấy ý kiến chứ chưa triển khai thực hiện. Vì vậy, việc xây dựng, góp ý là điều “rất cần thiết” cho đề án trước khi triển khai.
Trước những ý kiến trái chiều, nhà báo Phạm Dương Ngọc - báo điện tử VTC New cho rằng, có lẽ do thói quen phản đối, dù chưa hiểu xấu tốt, cụ thể ra sao nhưng nhiều người “cứ phải chửi trước đã”, nên khi Nhà nước kết hợp cùng người dân, DN triển khai Chương trình “Sữa học đường”, người khen thì ít mà người chửi vô căn cứ thì nhiều. Đưa sữa vào học đường là việc mà thế giới đã làm từ lâu. Ở châu Á, câu chuyện của người Nhật là một ví dụ rõ nét nhất. Nửa thế kỷ trước, cùng với việc tái thiết đất nước, họ đầu tư triệt để cho giáo dục và thế hệ mầm non. Cả đất nước nhịn ăn để cho học sinh có sữa uống. Nhờ đó, người Nhật từ chỗ bị gọi là “Nhật lùn” nay đã thành “Nhật kều” nhờ một phần của dinh dưỡng học đường, trong đó có sữa học đường.
“Hiểu được câu chuyện đó nên nhiều năm trước, tôi đã tham gia vào việc vận động để đưa sữa vào học đường cho một DN lớn vào một số tỉnh miền núi phía Bắc. Vẫn biết DN có tính toán để tiêu thụ sản phẩm, nhưng lợi ích cho dân tộc là lâu dài và có thật. Vì thế, tôi ủng hộ triển khai Chương trình, không chỉ ở Hà Nội, mà cần phải triển khai trên phạm vi cả nước, từ đô thị đến nông thôn, từ vùng xuôi đến miền ngược” - nhà báo Phạm Dương Ngọc chia sẻ thêm.
“Một số tờ báo phản ứng gay gắt chương trình này, bản thân tôi cho rằng đó là động thái hết sức vội vàng. Khi chưa hiểu cặn kẽ chính sách này được triển khai thế nào, bên nào tham gia, quan trọng nhất là con em sẽ được hưởng lợi ra sao, đã vội phê phán, đó là cái nhìn thiếu thiện chí, chưa vì lợi ích, tương lai con em mình” - một chuyên gia dinh dưỡng cho biết.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, một chính sách cũng có ưu điểm và hạn chế, không riêng gì Chương trình “Sữa học đường”. Nhưng việc cần làm của báo chí là tiếp tục theo dõi sát sao để vừa ủng hộ, vừa tuyên truyền phát huy những mặt tích cực, vừa đóng vai trò giám sát xem Chương trình này được triển khai thực sự nghiêm túc hay không. Chính điều này tạo nên sự khách quan, trung thực và tính nhân văn của báo chí, quan trọng hơn là người dân có cái nhìn xa hơn, rộng hơn.