Theo Đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020, trong 9 tháng đi học từ năm học 2018-2019 đến hết năm 2020, trẻ mẫu giáo, học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội được phụ huynh tự nguyện cho tham gia uống sữa tươi.
Đối tượng học sinh hộ nghèo, cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách. Học sinh bình thường được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Mức giá sữa dự kiến tối đa là 6.800 đồng/hộp (180ml).
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục&Đào tạo Thành phố Hà Nội khẳng định đề án chương trình sữa học đường là không bắt buộc học sinh tham gia. Ông Tiến cho biết, hiện nay chưa thể công khai được đơn vị cung cấp sữa bởi phải qua đấu thầu để đảm bảo đơn vị cung cấp tốt nhất, đơn vị cung cấp sữa học đường có bổ sung thành phần vi lượng, khoáng chất tăng chiều cao so với các sữa khác để giúp trẻ phát triển, theo tiêu chuẩn của Viện dinh dưỡng đưa ra. Theo đề án sữa học đường, sữa sẽ được dán nhãn sữa học đường và không bán ngoài thị trường.
Ông Phạm Xuân Tiến trả lời báo chí tại buổi giao ban Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Zing |
Ông Phạm Xuân Tiến cho biết: “Phụ huynh học sinh có thể tự nguyện đăng ký chương trình trong quá trình uống thấy không phù hợp có thể dừng, không có chuyện ép buộc ai, đánh giá vào thi đua đối với các nhà trường. Ngược lại cháu nào chưa đăng ký sau này có nhu cầu thì vẫn có thể đăng ký uống sữa. Tuyệt đối tránh tình trạng học sinh không uống được sữa bắt ép uống”.
Lãnh đạo Sở Giáo dục Hà Nội cho hay khi chấm thầu xong được thành phố phê chuẩn sẽ có họp báo công khai để doanh nghiệp trả lời về thành phần sữa, theo VOV.
PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết sữa là một trong tám nhóm thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày, có mặt trên tất cả tháp dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi. Sữa quan trọng và dễ tiếp thu của giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.
Theo bà Nhung, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị trẻ mầm non nên sử dụng 3-4 đơn vị sữa một ngày, trẻ 6-7 tuổi sử dụng 5 đơn vị sữa, trẻ 9-11 tuổi sử dụng 9 đơn vị sữa một ngày.
Trường học đang áp dụng cho trẻ uống sữa có thể chuyển thành sữa chua hoặc phomai. Chương trình sữa học đường không tăng thêm năng lượng, khiến học sinh bị béo phì.
Khi thấy con béo phì, nhiều phụ huynh cắt sữa. Tuy nhiên, thực tế, các thực phẩm như bánh bao, bánh giò, xôi đều có lượng kalo nhiều hơn sữa. Trẻ béo phì không phải do sữa mà bởi nếp sống chuộng đồ ăn nhanh. Một hộp sữa trong bữa phụ sẽ tốt hơn chiếc bánh quy, bánh giò hay bánh rán.
Việc dậy thì sớm của trẻ liên quan hormone tồn dư trong rau, thịt gà, thịt lợn của bữa ăn hàng ngày. Hiện chưa có bài báo quốc tế nào đăng thông tin về mối liên hệ giữa sữa và dậy thì sớm, báo Zing.vn trích lời bà Nhung.