Phận đời vô gia cư trong mắt người trẻ

(Ngày Nay) - Những đêm lạnh tê tái, khi phần lớn người dân Thủ đô chìm sâu vào giấc ngủ, vẫn có rất nhiều bạn trẻ ra khỏi nhà, lặng lẽ vào từng ngõ phố, mang đến cho người vô gia cư từng tấm chăn, manh chiếu, áo mưa… hay đơn giản chỉ là đốm lửa nhỏ xua tan đêm giá.
Nhóm Ấm trong một đêm gặp gỡ người vô gia cư
Nhóm Ấm trong một đêm gặp gỡ người vô gia cư

Đêm Đông vất vả vì… người dưng

2h30 phút sáng Chủ nhật, Trung Anh trở về nhà sau một đêm thức trắng lang thang cùng nhóm Ấm – một nhóm từ thiện hoạt động tại Hà Nội chuyên giúp đỡ người vô gia cư và người có hoàn cảnh khó khăn. Nhiệt độ ngoài trời những ngày rét đỉnh điểm lúc nào cũng xuống dưới 10 độ C, nhưng nhóm Ấm chẳng quan tâm. Chẳng mấy ai để ý đến dự báo thời tiết, vì mưa hay tạnh, nóng bức hay rét run, Trung Anh và những người bạn trong nhóm như Chiến, Linh, My… vẫn xuất phát đúng hẹn.

"Tôi còn ám ảnh mãi về một chú vô gia cư nằm trú ở vườn hoa, chú từng chia sẻ với nhóm Ấm mong ước có nước sạch để dùng. Ấm chưa kịp thực hiện thì đã hay tin chú mất ngay tại vườn hoa do cảm”. Trung Anh - trưởng nhóm từ thiện Ấm

Đã từ lâu, cứ đến tối thứ Bảy, những thú vui giải trí cùng bạn bè cuối tuần được chàng trai trẻ Trung Anh xếp gọn sang một bên, nhường chỗ cho những lo toan tất bật, vội vã chuẩn bị cho buổi gặp gỡ, chia quà cho những người vô gia cư khắp Hà Nội. Mỗi buổi từ thiện tối thứ Bảy thường bắt đầu từ 22h đến 2-3h sáng Chủ nhật. Mùa Đông giá rét, không phải ai cũng có thể rời chăn ấm và xuống đường làm từ thiện.

Trung Anh chia sẻ, ban ngày chẳng ai biết họ là vô gia cư. Chỉ khi đêm đen buông, khi họ lục tục trải chiếu, kéo chăn, co ro trên vỉa hè hay núp trong cột ATM… những phận người vô gia cư mới rõ rệt, cuộc sống nghèo khổ mới phơi bày. Phần nhiều trong số họ là hoàn cảnh xô đẩy phải ra đường: những cụ già mất nhà, mất đất ở quê, bị con cháu vô ơn đẩy ra đường, hay những người quá nghèo khổ, không có nổi chục ngàn qua ngày, nói gì đến tiền trăm thuê một phòng trọ tránh mưa tránh nắng.

Phận đời vô gia cư trong mắt người trẻ ảnh 1

Hà Nội về đêm, có rất nhiều người vô gia cư cố nép vào những bức tường lạnh ngắt để chống chọi với cái rét vô tình, hay ăn vội vàng một vài miếng cơm thiu moi được từ thùng nước gạo đâu đó. Những ngày đầu nhóm từ thiện bắt đầu hoạt động, mỗi hành trình tối thứ Bảy của Ấm đều mang tới 120 suất quà cho người vô gia cư. Sau, số người vô gia cư giảm xuống theo từng năm, từ 120 xuống 100, 80, 70, 65 và hiện tại là 30 suất. Người chết vì tuổi già, vì cảm, người chết vì đói lạnh…

“Tôi còn ám ảnh mãi về một chú vô gia cư nằm trú ở vườn hoa, chú từng chia sẻ với nhóm Ấm mong ước có nước sạch để dùng. Ấm chưa kịp thực hiện thì đã hay tin chú mất ngay tại vườn hoa do cảm” - Trung Anh nhớ lại.

Ấm được thành lập từ năm 2012, số lượng thành viên chính vẻn vẹn 5 người, tất cả đều là người trẻ. Ngoài ra có khoảng 5 - 15 tình nguyện viên tham dự hàng tuần cho cả 2 hoạt động của Ấm, đó là Hành trình Ấm vào mỗi tối thứ Bảy và phát cháo cho các bệnh nhi tại Viện châm cứu Trung ương hàng tuần. Suốt 5 năm hoạt động, nhóm đã chứng kiến biết bao số phận đáng thương giữa lòng Hà Nội.

Phận đời vô gia cư trong mắt người trẻ ảnh 2

Nguyễn Diệu Linh (24 tuổi) - thành viên nhóm Ấm chia sẻ: “Có đi và nói chuyện với họ rồi mới biết, người ta không có nhà, tặng nhiều quần áo cũng chẳng để làm gì. Cái họ cần nhất là đồ ăn, đồ dùng, thuốc men, chăn ấm để sống sót qua ngày. Sau đó là một công việc phù hợp để nuôi thân. Có người nói thẳng với nhóm, “tôi không thích tiền đâu, tôi thích tấm lòng”.

Phận đời vô gia cư trong mắt Diệu Linh không chỉ cần tấm lòng, mà còn mang sẵn tấm lòng nhân hậu, thật thà: “Nhiều cụ già gầy gò run run nhận quà xong xua tay bảo chúng tôi, thôi bác nhận thế là đủ, cháu chia bớt cho cả những người ở chỗ kia, chỗ kìa đi, tôi và các bạn cảm thấy rất ấm. Càng chứng kiến nhiều, tôi càng muốn ra đường, mang quà cho người vô gia cư, để mùa đông này tất cả đều ấm”.

Gần cái khổ lại thấy lạc quan hơn

Những ngày đầu tham gia nhóm từ thiện Ấm, Trung Anh được gặp bà Loan và ông Thành – cặp vợ chồng già sống vất vưởng ở phố Hàng Đậu suốt năm này qua năm khác. Bà Loan 3 con trai thì lũ cuốn mất 2 đứa, đứa con trai cả vô ơn đánh bố, hai ông bà đã ở cái tuổi gần đất xa trời bỏ quê “trôi dạt” ra Hà Nội lang thang sống vỉa hè. Ban ngày họ nhặt chai lọ, nilon, xin tiền trong chợ Đồng Xuân, đêm họ lại trở về Hàng Đậu như một chốn đi về thân thuộc. Mọi hoạt động tắm giặt, vệ sinh, ông bà đều “nhờ” nhà vệ sinh công cộng trên các phố Hà Nội.

Khi bà Loan gần trăm tuổi thì ông Thành mất. Bà cô lẻ giữa Hà Nội, lúc nào cũng mang theo di ảnh ông. “Lúc nào bà cũng cảm thấy có ông bên cạnh, bà bảo bà không cô đơn. Chúng mình hỏi mưa bà có ướt không, bà chỉ 2 cái ô rồi cười: mưa bà cứ ngồi dưới gốc cây che 2 cái ô liền, sao ướt được” - Trung Anh kể.

Phận đời vô gia cư trong mắt người trẻ ảnh 3

Điều ngạc nhiên nhất với chàng trai trưởng nhóm Ấm này là cái lạc quan khó tin của những người vô gia cư. “Trước đây khi chưa tham gia nhóm từ thiện, tôi nghĩ rằng cuộc sống của người vô gia cư rất khó khăn nên họ lúc nào cũng cảm thấy buồn tủi, bi quan. Nhưng sau khi nói chuyện, chia sẻ với họ, tôi nhận ra mình đã nhầm. Đoạn hội thoại làm tôi nhớ mãi là:

“- Nằm ở dưới chân cầu mưa gió, lạnh như thế này mà bà vẫn nằm được ạ?

- Chú thấy đấy, nằm ở đây mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, không khổ đâu chú à. Ngoài kia còn nhiều người khổ hơn mình, ở như thế này còn sướng chán.

Sau câu chuyện ấy, tôi rút ra được một vài điều đó là dù cho hoàn cảnh khó khăn thế nào chăng nữa, giữ được tinh thần và suy nghĩ lạc quan là vượt qua hết cả. Điều quan trọng là biết trân trọng những gì mà mình đang có, vì ngoài kia còn có rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình”.

Đỗ An Chiến (26 tuổi) - thành viên nhóm Ấm chia sẻ thêm: “Buổi tối đầu tiên tham gia cùng các anh chị trong nhóm từ thiện, được trực tiếp chia sẻ khó khăn với những cảnh đời vô gia cư, tôi nghĩ sao mình không được biết đến nhóm sớm hơn nhỉ. Hoạt động của Ấm đã làm tôi cảm nhận được hơi ấm của lòng yêu thương, từ bi, dạy tôi biết sống nhân ái hơn. Những việc nhỏ bé mà nhóm làm không kỳ vọng sẽ thay đổi cuộc sống hiện tại của người vô gia cư. Nhưng, chỉ cần bỏ chút thời gian trò chuyện cùng họ, giúp họ có một đêm ấm áp hơn, tôi thấy mình dần mở lòng hơn, không còn vô tâm như trước”.

Không tham gia nhóm như Trung Anh và Án Chiến, Nguyễn Dương Minh Trang, 25 tuổi, cựu sinh viên khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội giúp đỡ người vô gia cư độc lập. Trang cảm thấy lạc quan hơn vì “càng thấy họ khổ càng phải cố gắng, càng phải nỗ lực kêu gọi từ thiện, giúp đỡ những phận đời cơ cực lang thang giữa lòng Hà Nội bởi mình may mắn hơn, mình có nhà, gia đình và những người bạn”.

Minh Trang đi làm từ thiện đơn thuần chỉ vì hoàn thành môn học Thực Nghiệm - một môn học đặc biệt dành cho sinh viên năm cuối thuộc ngành Khoa học Quản lí, Khoa Quốc tế, trường ĐHQG Hà Nội. Trong môn học này, sinh viên sẽ phải áp dụng các kiến thức kỹ năng đã học được trong nhà trường trong suốt 4 năm để kinh doanh kiếm tiền. Số tiền kiếm được sẽ hoàn toàn dành để thực hiện các dự án hỗ trợ cộng đồng và làm từ thiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Phận đời vô gia cư trong mắt người trẻ ảnh 4

Năm ngoái, sinh viên lớp Trang dưới sự hướng dẫ của một giáo sư Mỹ Richard Pearl đã thực hiện các dự án kinh doanh nhỏ bao gồm rửa xe, bán nước giải khát, dạy nấu ăn cho người nước ngoài… để gây quỹ từ thiện. Cuối học kỳ ấy, lần đầu tiên, Trang được ra ngoài thâu đêm, thong dong với các bạn mang 70 phần quà đến những người vô gia cư tại quận Ba Đình và Hoàn Kiếm. Chuyến đi ngắn ngủi một đêm ấy như có “ma lực” khiến Trang tiếp tục công việc của mình đến bây giờ. Hễ rảnh là Trang đi, không có lịch đều đặn. “Càng tiếp xúc với những người khốn khổ, tôi càng thấy mình may mắn. Tôi đã từng rất vô tâm với bố mẹ, đua đòi mua xe mua quần áo hàng hiệu một cách điên cuồng. Tôi thậm chí không thấy mình may mắn khi mẹ không cho tiền tiêu vặt. Nhưng tất cả thay đổi 180 độ khi tôi gặp người vô gia cư”.

Từ ngày đi phát quà cho người vô gia cư, lúc nào đi đường, Trang cũng đưa mắt sang hai bên vỉa hè để tìm những mảnh đời thiếu thốn không nơi nương nựa. Khi họ ở vườn hoa công cộng, xó nhà ga; khi lại co ro bên hiên nhà…

Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.
Không giữ giới có năm điều suy hao
Không giữ giới có năm điều suy hao
(Ngày Nay) - Sống ở đời ai cũng mong muốn gia đạo bình an, sự nghiệp ổn định và phát triển. Tuy vậy, không nhiều người biết rằng nền tảng của những mong ước thiện lành đó chính là phước đức.
Đức Phật và những di huấn sau cùng
Đức Phật và những di huấn sau cùng
(Ngày Nay) - Theo kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), trước lúc viên tịch, Thế Tôn an cư mùa mưa tại Baluvā, bị bệnh trầm trọng, rất đau đớn. Nhưng Ngài giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán.
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
Người xuất gia cần tránh những cơ hiềm, tổn hại cho đạo
(Ngày Nay) - Người tu không nên bất cẩn, mà phải luôn quan tâm đến cơ hiềm của thế gian, tránh để người đời đánh mất niềm tin vào Tam bảo. Phật dạy: “Luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong Chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát”.
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
Bảy pháp tôn kính làm cho Chánh pháp tăng trưởng
(Ngày Nay) - Tôn kính là sự kính trọng cao tột. Khi tôn kính điều gì thì điều ấy trở thành thiêng liêng, là ngọn đuốc sáng soi đường, là biểu tượng cao cả để hướng đến. Mỗi người có đối tượng tôn kính khác nhau để dẫn lối cho cuộc đời.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam yêu cầu quán bar H2 Club không được tổ chức các hoạt động biểu diễn, sau khi dư luận phản ánh việc quán bar này tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang vào tối ngày 6/4/2024 trước đó. (Ảnh cắt từ clip)
Vụ mặc áo cà sa trong quán bar: Tỉnh Hà Nam yêu cầu dừng các hoạt động biểu diễn
(Ngày Nay) - Liên quan đến vụ việc quán bar H2 Club (phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục cùng các vũ nữ ăn mặc hở hang; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam đã lập tức vào cuộc và có văn bản yêu cầu quán bar này không được tổ chức hoạt động biểu diễn.