‘Sưởi ấm’ quanh năm

(Ngày Nay) - Giáng Sinh và năm mới là thời điểm những người vô gia cư cần sự giúp đỡ nhiều nhất, bởi đây cũng là lúc họ cảm thấy cô đơn nhất trong cái lạnh tê tái. Nhưng có lẽ, cùng với sự nghèo đói, bị xa lánh và phải đối mặt với hiểm nguy trên đường phố, người vô gia cư còn cần được “sưởi ấm” quanh năm.
‘Sưởi ấm’ quanh năm

1.     Một câu chuyện ấm áp cho đêm Giáng sinh năm nay ở Anh:

Tối 25/12, khoảng 200 người vô gia cư sẽ được mời tới dùng bữa tối miễn phí và ngủ qua đêm ở phòng chờ của ga tàu Euston – một trong những nhà ga đông đúc nhất tại thủ đô London hoa lệ. Khoảng 30 tình nguyện viên của “Mạng lưới Đường sắt” (Network Rail) và 02 tổ chức từ thiện: “Bếp đường phố” và “St Mungo” dự tính biến phòng chờ nhà ga Euston thành một lều tạm khổng lồ, với những bàn tiệc được trang hoàng đồ Giáng Sinh. Tổ chức “St Mungo” đang cung cấp giường ngủ và hỗ trợ 2.700 người vô gia cư mỗi đêm trên khắp nước Anh, trong khi “Bếp đường phố” cung cấp thức ăn cho 1.000 người vô gia cư mỗi tuần. Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ của Ban quản lý nhà ga Euston, Sở Cảnh sát Giao thông Anh (BTP) và nhiều nhà cung cấp thực phẩm, quần áo…

Ông John Glackin thuộc tổ chức “Bếp đường phố” khẳng định: “Đây là ví dụ tiêu biểu, tươi đẹp về sự chung tay của các cá nhân, doanh nghiệp, nhà chức trách và cộng đồng để giúp đỡ những người nghèo khó trong dịp Giáng Sinh”. Ông Beth Norden – người quản lý sự kiện của “St Mungo” – nói thêm: “Nhiều người trở thành vô gia cư sau khi các mối quan hệ gia đình đổ vỡ, vì thế họ cảm thấy đặc biệt cô đơn khi Giáng Sinh tới. Sự kiện này sẽ giúp họ vơi đi cảm giác lạc lõng giữa cộng đồng”.

Trong một bài viết trên tờ The Guardian (Anh), Vashti Kashian-Smith – từng là người vô gia cư và nay là sinh viên Đại học Cambridge – đồng ý với phát biểu của ông Beth, song cho rằng người vô gia cư không chỉ cô đơn lúc Giáng Sinh mà còn quanh năm. Trở thành đứa trẻ vô gia cư năm 16 tuổi, ký ức sâu sắc nhất của Vashiti là việc sống vạ vật, không biết ngày mai sẽ ngủ ở đâu, thiếu tiền ăn, không có phương tiện đi lại, không điện thoại…Tất cả khiến Vashiti cảm thấy bị cô lập. Theo Vashiti, nhiều vấn đề mà người vô gia cư đang phải đối mặt không thể giải quyết theo kiểu “vụ mùa”. Chẳng hạn, ở Anh không thiếu những tòa nhà bỏ không và có thể lấy đó làm nơi ở cho những người vô gia cư quanh năm, không chỉ riêng dịp Giáng Sinh.

‘Sưởi ấm’ quanh năm ảnh 1

Số liệu của Bộ Cộng đồng & Chính quyền địa phương Anh (DCLG) cho thấy kể từ năm 2011 đến nay, số người vô gia cư ở Anh đã tăng trở lại; số người ngủ vạ vật trên đường phố tăng tới 134% (4. 134 người vào năm 2016), trong khi số hộ gia đình sống tạm bợ tăng tới 60%. Từ 2016 - 2017, 88. 410 hộ vô gia cư đã yêu cầu được trợ giúp. Đáng lo ngại, những người vô gia cư phải ngủ trên đường phố thường là nạn nhân của tình trạng bạo lực, với nguy cơ cao hơn các đối tượng khác tới 17 lần.

Khảo sát của tổ chức từ thiện Crisis cho thấy cứ 3 người vô gia cư lại có 01 người phải chịu cảnh bạo hành, đánh đập; cứ 20 người vô gia cư thì có hơn 01 người là nạn nhân của tấn công tình dục (65% phụ nữ vô gia cư bị lạm dụng) từ những kẻ xấu. Bên cạnh đó, người vô gia cư còn phải đối mặt với nạn trộm cắp. Có tới 51% người vô gia cư ngủ trên phố bị trộm đồ (54% phụ nữ vô gia cư và 50% nam giới vô gia cư bị trộm đồ ít nhất 01 lần trong 12 tháng qua). Chính vì vậy, dù phải mạo hiểm mạng sống của mình, nhiều người vô gia cư vẫn chấp nhận ngủ tại những nơi nguy hiểm như chân cầu để tránh khỏi những tay côn đồ luôn rình rập xung quanh.

Điều kiện sống của trẻ em vô gia cư cũng là vấn đề đáng lưu ý tại Anh. 59% trẻ em và thanh thiếu niên bị rơi vào cảnh “không nơi nương tựa” được xác định là do gặp sự cố trong mối quan hệ gia đình bên cạnh nghèo đói, thất nghiệp, có vấn đề về sức khỏe tâm thần hay bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường phạm tội. Theo một nghiên cứu mới công bố của tổ chức từ thiện Shelter, gần 130.000 đứa trẻ ở Anh sẽ thức giấc trong những nơi ở tạm bợ kiểu ký túc xá, B&Bs hoặc vô gia cư vào dịp Giáng Sinh 2017. B&Bs là hệ thống nhà nghỉ giá rẻ, được chọn làm nơi tá túc khẩn cấp với thời gian giới hạn là 6 tuần cho những hộ gia đình vô gia cư có trẻ em. Những nơi này thường ồn ào và đầy người xa lạ. Năm nay, ước tính có thêm 8.000 trẻ em (tăng 7% so với năm 2016) đón Noel trong những chỗ ở tạm bợ như thế. 

‘Sưởi ấm’ quanh năm ảnh 2

Kết quả thăm dò của Shelter cho thấy, ¼ hộ gia đình vô gia cư Anh sống trong các ký túc xá, B&Bs không có nhà bếp, phải ăn trên giường hoặc dưới sàn phòng. Phần lớn số còn lại sống trong một căn phòng duy nhất và buộc trẻ ngủ chung giường. Nathan – một người cha 28 tuổi – đã sống không nhà cửa trong 3 tháng và gần đây mới cùng đứa con 16 tháng tuổi chuyển vào căn phòng tạm Travelodge bên lề đường cao tốc. Chỉ có đúng một cái nồi nấu ăn, Nathan phải bỏ cả bình sữa của con vào nồi này để hâm nóng. Sarah – bà mẹ 40 tuổi – sống cùng chồng và đứa con 3 tháng tuổi trong một phòng B&B. Họ ngủ, chơi và ăn trên chiếc giường duy nhất.

Các số liệu của chính phủ Anh chỉ ra rằng hiện cứ 111 trẻ em thì có 01 trẻ vô gia cư ở “xứ sở sương mù”. Mỗi ngày, ít nhất 140 gia đình trở thành vô gia cư; 45% gia đình sống quá hạn cho phép ở các khu B&Bs. Điều nguy hiểm ở chỗ các gia đình vô gia cư sống quá lâu trong điều kiện tạm bợ, thiếu thốn, mất vệ sinh đang khiến sức khỏe tâm thần, thể chất của những đứa trẻ ngày càng kém.

Một bà mẹ cho biết đứa con gái 13 tuổi đã tự tử sau khi sống trong khu ký túc dành cho người vô gia cư. Bên cạnh đó, việc học của trẻ vô gia cư cũng bị ảnh hưởng bởi đường đến trường mỗi ngày khá xa, đồng thời chúng không có nơi yên tĩnh, rộng rãi để làm bài tập về nhà. Polly Neate – người điều hành Shelter – miêu tả thực trạng này như một “nỗi xấu hổ” và nói : “Nhiều người chúng ta sẽ hưởng một ngày Giáng Sinh vui vẻ, đầy đủ; song đáng buồn là có câu chuyện khác về những đứa trẻ sống lầm lũi trong các căn phòng ký túc hoặc B&Bs”.

2.     Để giảm sự xuất hiện của người vô gia cư trên đường phố cũng như tăng cường các biện pháp bảo vệ và đảm bảo quyền cho họ, từ cuối năm 2016, nghị sỹ Bob Blackman với sự ủng hộ của Chính phủ Anh đã trình Quốc hội nước này Dự thảo “Đạo luật về giảm người vô gia cư 2017”. Hiện Dự thảo Đạo luật này đã được Quốc hội Anh thông qua và đang chờ sự phê chuẩn của Nữ hoàng Anh. Dự thảo là “chìa khóa” giúp Chính phủ can thiệp ngay từ điểm đầu của tình trạng vô gia cư.

Theo đó, dự luật đưa ra định nghĩa về “người đứng trước nguy cơ vô gia cư”, yêu cầu chính quyền địa phương ở Anh phải giúp đỡ các đối tượng này tìm được nơi ở an toàn trong vòng 65 ngày, thay vì 28 ngày như trước. Định nghĩa về người vô gia cư tại Anh cũng được các hội đồng địa phương nước này xác định rất rõ ràng. Không phải ai không có nhà ở cũng được hưởng những ưu tiên dành cho người vô gia cư theo luật định. Những “người vô gia cư đúng định nghĩa” tại Anh là các gia đình có trẻ em, tạm mất nhà cửa sau những trường hợp khẩn cấp như lũ lụt, hỏa hoạn… Những người cố tình biến mình trở thành “kẻ không nhà ở” như bị siết nợ, lười lao động… không được coi là vô gia cư.

‘Sưởi ấm’ quanh năm ảnh 3

Thực tế, có tới 20.000 người không có nhà ở tại Anh mỗi năm không được hưởng chính sách ưu tiên dành cho người vô gia cư do không đúng “định nghĩa”. Các địa phương, nơi có những người “vô gia cư đúng định nghĩa” sinh sống buộc phải có biện pháp cần thiết để tư vấn, giúp đỡ họ tìm được nơi sống lâu dài. Thống kê cho thấy, quý đầu tiên năm 2016 đã có 63% số hộ gia đình vô gia cư trên cả nước Anh chấp thuận chỗ ở tạm thời do các hội đồng địa phương gợi ý.

Một trong những nguyên nhân đẩy các gia đình vào tình trạng vô gia cư là giá thuê nhà tăng chóng mặt. Theo tờ The Guardian, nhiều báo cáo từ cuối năm 2016 cho thấy giá nhà ở tại Anh đã tăng 151% kể từ năm 1996, trong khi thu nhập thực tế chỉ tăng khoảng 25%. Ngày càng ít người trẻ và gia đình có điều kiện mua được một căn nhà khi giá vượt xa khả năng tài chính.

Anne Baxendale, giám đốc truyền thông, chính sách và chiến dịch củaShelter - cho rằng cuộc khủng hoảng nhà ở đang trở nên tồi tệ hơn. "Đáng buồn thay, sự thiếu thốn những căn nhà giá phải chăng kết hợp với cắt giảm phúc lợi khiến số người vô gia cư ngày càng tăng, hoặc trên bờ vực của tình trạng vô gia cư. Chúng tôi muốn giải quyết tận cùng gốc rễ của cuộc khủng hoảng bằng cách xây dựng những căn nhà tử tế để những người bình thường có thể đủ điều kiện sống trong đó" - Baxendale nói. Trước thực trạng này, các chính trị gia phe đối lập ở Anh cũng đang thúc giục chính phủ nước này phải đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn để kiềm chế giá thuê nhà, đồng thời cải tổ phúc lợi xã hội cho các gia đình thu nhập thấp.

Bên cạnh đó,  việc cắt giảm hỗ trợ cho các chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan người vô gia cư những năm qua cũng khiến tình hình thêm xấu. Để giải quyết, năm 2016, chính phủ Thủ tướng Theresa May đã công bố gói ngân sách 40 triệu Euro (khoảng 44,55 triệu USD) nhằm giúp người không nhà cửa kết thúc cuộc sống lang bạt trên đường phố. Trong đó, 20 triệu Euro (khoảng 22,275 triệu USD) sẽ được chuyển tới chính quyền địa phương để thực hiện thí điểm các sáng kiến giải quyết cũng như hỗ trợ kịp thời các gia đình, cá nhân trước khi rơi vào cảnh không nơi nương tựa. Các thành phố Manchester, Newcastle và London  là những nơi thí điểm đầu tiên trong cả nước.

Trong những mùa đông giá rét, chính phủ Anh đã khuyến khích tất cả chính quyền địa phương ban hành “Hướng dẫn khẩn cấp trong thời tiết khắc nghiệt” (SWEP) nhằm giúp chính quyền có các bước phản ứng nhanh chóng, thích hợp để ngăn chặn hiểm nguy sức khỏe, tính mạng cho những người vô gia cư ngủ trên đường phố. SWEP hướng dẫn cung cấp các lều bạt, nơi ở tạm thời cho người vô gia cư tránh rét. Ngoài ra, Anh đã thiết lập đường dây điện thoại StreetLink để giúp cộng đồng thông báo với nhà chức trách về những trường hợp người vô gia cư ngủ trên đường phố cần giúp đỡ.

Với những nỗ lực kể trên, Chính phủ Anh đặt mục tiêu giảm một nửa số người vô gia cư vào năm 2020, tiến tới chấm dứt tình trạng này vào năm 2027. Có thể nói, vô gia cư là một vấn đề phức tạp, không thể giải quyết bằng một giải pháp đơn lẻ. Việc nước Anh thay đổi chính sách với người vô gia cư, từ “đối phó với hậu quả” sang “chủ động phòng, chống” có thể được coi là bài học vượt qua tình trạng “khủng hoảng người vô gia cư” ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.