Theo số liệu của tổ chức từ thiện Shelter, hơn 300.000 người ở Anh được ghi nhận là người vô gia cư. Ước tính, cứ 200 người thì sẽ có một người vô gia cư. Trong năm vừa qua, số người vô gia cư ở Anh đã tăng lên mức kỷ lục, 13.000 người.
Tuy nhiên, đại diện của tổ chức Shelter nói rằng, những con số này không đáng kể, đó chỉ là những con số trên mặt giấy. Bởi trong bản báo cáo, họ chưa đề cập đến những người vô gia cư chưa được xác định, những người không có nơi để sống, nhưng không được ghi nhận là cần trợ giúp về nhà ở.
Khủng hoảng nhà ở tăng vọt
Tara Diamond, giáo viên tiếng Anh trung học cơ sở phát hiện sẽ không còn nơi để ở chỉ một tuần trước Giáng sinh. Không hề cảnh báo trước, chủ nhà quyết định bán căn hộ ba phòng ngủ ở thành phố Bath, Somerset, nơi cô thuê với giá 1.000 bảng Anh (gần 30 triệu đồng) mỗi tháng trong suốt ba năm. Bà mẹ đơn thân có hai con nhanh chóng nhận ra với mức lương 28.000 bảng Anh mỗi năm, cô không đủ khả năng thuê một căn nhà khác trong khu vực.
Tara Diamond |
"Lương đóng băng trong khi giá thuê nhà ở Bath đang tăng vọt. Tôi dành mọi thời gian rảnh để dạy kèm, chấm bài kiểm tra, chỉ mong trả đủ tiền cho cửa hàng tạp hóa và tránh rơi vào cảnh nợ nần. Những căn hộ ba phòng ngủ khác có giá thuê 1.300 bảng mỗi tháng - bằng 80% thu nhập sau khi đã khấu trừ mọi khoản thuế và nghĩa vụ, có nghĩa tôi và các con chỉ còn 320 bảng để sống. Ngay cả những chủ nhà hai phòng ngủ cũng khiến tôi thất vọng khi báo giá", cô chia sẻ trên The Guardian ngày 23/5. Hiện Diamond không có 4.000 bảng để chuyển nhà, tính cả tiền đặt cọc, nhưng cô vẫn bám trụ mảnh đất này.
"Tất cả những gì hỗ trợ tôi đều ở đây, điều này rất quan trọng khi là một bà mẹ đơn thân. Con gái tôi đang thi GCSE. Hơn nữa, những học sinh mà tôi đang dạy có ý nghĩa rất lớn đối với tôi" - Tara nói.
Hàng năm, các thành phố lớn trong nước Anh “chứng kiến” sự gia tăng chóng mặt tỷ lệ người vô gia cư trên các tuyến phố, nhà ga, tàu điện ngầm, sân bay...
Cô đã đến gặp hội đồng thành phố và giải thích tình hình. Mặc dù tên cô nằm trong danh sách đợi cung cấp nhà ở trong 10 năm, nhưng họ nói không thể giúp đỡ. "Tôi chỉ có thể miêu tả đó thực sự là nỗi kinh hoàng. Tôi chưa bao giờ sợ hãi đến vậy trong suốt cuộc đời mình" - Diamond chia sẻ.
Ở trường, cô vờ như mọi chuyện vẫn ổn. Luôn niệm thần chú "việc đó không ảnh hưởng đến việc dạy học", tuy nhiên nỗi lo lắng ngày càng tăng khiến cô rất khó tập trung. Trưởng khoa tiếng Anh đoán được cô đang gặp chuyện gì đó, nhưng cô không muốn đối mặt trò chuyện vì cảm thấy xấu hổ.
"Lòng tự trọng của tôi rơi xuống đáy vực. Tôi luôn tự hào là một giáo viên, nhưng nếu không đủ khả năng giữ được một mái nhà che chở hai con trong mưa nắng, điều đó nói gì về giá trị của tôi trong xã hội?", Diamond tuyệt vọng nói.
Cuối cùng, khi không thể chịu đựng thêm nữa, cô dốc bầu tâm sự với một đồng nghiệp và được giới thiệu về ESP, tổ chức từ thiện nhỏ hỗ trợ giáo viên gặp rắc rối tài chính. Tổ chức này tặng cô 2.000 bảng để trang trải phí chuyển nhà, đặt cọc nhà ở. Vào phút cuối, hội đồng cung cấp cho cô một căn hộ ba phòng với điều kiện khá nghèo nàn ở một khu đất rớt giá, chi phí 489 bảng một tháng.
"Nó không có máy sưởi, không lát sàn và toilet không sạch bóng, nhưng tôi vô cùng biết ơn. Tôi cảm thấy như mình vừa né được một viên đạn", Diamond nói
Thực trạng đáng lo ngại
Hàng năm, các thành phố lớn trong nước Anh cũng “chứng kiến” sự gia tăng chóng mặt tỷ lệ người vô gia cư trên các tuyến phố, nhà ga, tàu điện ngầm.
Thành phố London - nơi mà cứ 59 người lại có một người vô gia cư, vẫn là “trung tâm vô gia cư” của nước Anh. Nơi đây tập trung số lượng lớn người không nhà, không công ăn việc làm, không họ hàng thân thích…
Trong khi tỷ lệ người vô gia cư của London vẫn “kiên định” giữ số lượng ổn định trong năm qua thì các số liệu lại cho thấy vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn, đáng lo hơn tại các khu vực khác như Broxbourne, Luton và Chelmsford.
Ở Manchester, cứ 154 người thì có một người vô gia cư (so với năm 2016 là 266 người là đã giảm). Ở Birmingham, cứ 88 người thì có một người vô gia cư (so với 119 người vào năm 2016); ở Bristol cứ 170 người thì có một người vô gia cư (so với 199 người vào năm 2016).
Nguyên nhân là gì?
Tuổi thọ trung bình của người vô gia cư ở Anh là 47, thấp hơn khoảng 30 năm so với tuổi thọ bình quân của dân số. Vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần là nguyên nhân khiến họ đoản mệnh. Ngoài ra, họ có xu hướng tìm tới cái chết cao gấp 9 lần những người bình thường. Họ cũng đối mặt với nguy cơ bị bạo hành và lạm dụng cao gấp 13 lần. Những người này được gọi là những người thuộc diện “dễ bị tổn thương”.
Nhiều người dân sống tại London hoàn toàn không biết tới sự tồn tại của những người vô gia ở chính thành phố của mình. Rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại có những người phải ngủ ngoài đường ở nước Anh trong thế kỷ 21?
Một phần của câu trả lời nằm trong quy định của luật phát Anh được thông qua năm 1998, không cho phép người vô gia cư đơn thân được hỗ trợ nhà ở nếu họ không thuộc diện “dễ bị tổn thương”.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp thuộc diện “dễ bị tổn thương” lại không được hưởng trợ cấp vì nhà chức trách địa phương phát hiện họ vẫn còn người thân giúp đỡ. Sifatullah Hotak là người bị trầm cảm và có tiền sử tự tử nhưng vẫn được coi là “bình thường” vì có anh trai giúp đỡ việc ăn mặc và nơi ở cùng vấn đề tài chính.
Polly Neate, giám đốc điều hành Shelter nói: "Thật kinh ngạc khi biết rằng ngày nay, hơn 300.000 người ở là người vô gia cư. Trong khi nhiều gia đình được quây quần trong căn nhà ấm áp cùng con cái thì nhiều người sẽ phải trải qua cả đêm run rẩy trên một vỉa hè lạnh. Và điều tồi tệ hơn cả, nhiều người thậm chí còn không được biết đến.
Hàng ngày, chúng tôi nói chuyện với hàng trăm người và gia đình đang cố gắng hết sức để thoát khỏi cái bẫy tàn phá của nạn vô gia cư. Một cái bẫy được thắt chặt bởi hàng thập kỷ, không xây đủ nhà giá rẻ và ảnh hưởng của việc cắt giảm phúc lợi.
Shelter chỉ ra rằng nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng vô gia cư được ghi nhận là do việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà bởi sự kết hợp của việc giá thuê nhà tăng cao nhưng lợi ích nhà ở lại bị cắt giảm.
Số liệu của Shelter cho thấy, tính đến tháng 4 năm nay, ở Anh, có 281.000 người đang sống trong nhưng căn nhà tạm thời (không có nơi ở ổn định); 21.300 người trong những khu nhà lưu trú vô gia cư hoặc nhà dịch vụ xã hội, và 4.500 người ngủ lang ngoài đường.
Chính phủ Anh đã làm gì?
Chính phủ đã Anh đã đề ra Đạo luật Giảm vô gia cư sẽ có hiệu lực vào năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc các chính quyền địa phương phải chủ động thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa các hộ gia đình có nguy cơ bị mất nhà cửa trong tình trạng khủng hoảng.
Tuy nhiên, vào thời điểm áp lực do thiếu nhà ở, giá thuê tăng và cắt giảm phúc lợi đang gia tăng áp lực lên các bộ phận nhà ở của họ, chính quyền các địa phương lo ngại rằng việc cấp ngân sách của nhà nước cho nhiệm vụ mới này của họ là không đủ.
Từ đầu năm nay, trung tâm Shelter cũng đã cảnh báo rằng hơn một triệu hộ gia đình có nguy cơ trở thành vô gia cư vào năm 2020. Số hộ gia đình có thu nhập thấp đang ngày càng tăng lên. Những người này thậm chí còn phải vật lộn để chi trả cho nơi ở của mình mặc dù những nơi ấy chỉ là những nhà ở tư nhân có giá thấp nhất.
Một cuộc điều tra cho thấy rất nhiều người vô gia cư bị chính quyền quay lưng. Người vô gia cư tố cáo những người trực tiếp làm công việc đánh giá tình trạng của những kẻ khốn cùng “hoàn toàn không có sự cảm thông”.
Báo cáo của một cuộc điều tra của Cơ quan Kiểm toán Quốc gia vào tháng 9 đã chỉ trích Chính phủ vì không nắm bắt được tình trạng vô gia cư, mặc dù con số này tăng lên hàng năm kể từ năm 2010.
Một người phát ngôn của DCLG (Bộ Cộng đồng và Chính quyền Địa phương) nói: "Chúng tôi quyết tâm sẽ giải quyết tất cả các vấn đề về vô gia cư, bao gồm việc đảm bảo rằng những người ở nơi ở tạm thời cũng sẽ được hỗ trợ để giữ ‘’mái che trên đầu’. Chúng tôi sẽ đầu tư 950 triệu bảng vào năm 2020 để hỗ trợ và sẽ nỗ lực đưa Đạo luật Giảm Vô Gia Cư vào thực tiễn. Điều này đòi hỏi các hội đồng phải cung cấp hỗ trợ sớm cho những người có nguy cơ bị bỏ lại mà không có bất cứ nơi nào để đi. "
Hiện tại, Tòa án tối cao là cơ quan duy nhất mà những người không nhà cửa có thể trông mong. Việc giúp đỡ một người không lâm vào cảnh vô gia cư sẽ giúp họ tránh được hàng loạt nguy hại về sau.
Nhiều báo cáo trong tháng 11/2016 cho thấy giá nhà ở tại Anh đã tăng 151% kể từ năm 1996, trong khi thu nhập thực tế chỉ tăng khoảng 1/4. Ngày càng ít người trẻ và gia đình có điều kiện mua được một căn nhà khi giá đang vượt xa ngoài tầm với.