Di tích xuất lộ nhờ việc gia đình anh Nguyễn Văn Mão đào nền xây nhà và làm chuồng trại chăn nuôi. Đây là khu đất khá rộng thuộc bờ phải sông Hồng, địa điểm này có đồi và mặt bằng thuộc thềm phù sa cổ sông Hồng. Tại khuôn viên nhà anh Mão, hiện vật được phát hiện rải rác trên bề mặt có diện tích khoảng 600 m2.
Hiện vật phát hiện ở đây phong phú, đa dạng, chế tác chủ yếu từ cuội sông. Về loại hình gồm các loại chủ yếu: Công cụ hình mai rùa, công cụ một rìa lưỡi, công cụ hai lưỡi, công cụ mảnh tách, công cụ mũi nhọn, công cụ mũi dọc, công cụ chặt rìa ngang, công cụ 1/2 viên cuội… có niên đại khoảng 9.000 đến 10.000 năm. Ngoài ra, trên bề mặt còn phát hiện được vật liệu xây dựng gạch vồ thời Lê - Nguyễn thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX.
Cũng theo ông Lý Kim Khoa, việc phát hiện thêm, mới di tích khảo cổ học tiền sử tại thôn Ngòi Sen có ý nghĩa rất quan trọng trong nghiên cứu khảo cổ học thời tiền sử tại tỉnh Yên Bái. Đây cũng là lần đầu tiên Bảo tàng Yên Bái phát hiện được loại hình di tích khảo cổ học tiền sử loại hình này, có công cụ phong phú, kỹ thuật chế tác tinh xảo hơn các địa điểm khác có cùng niên đại trên địa bàn tỉnh.
Bảo tàng tỉnh Yên Bái dự kiến xây dựng nơi này thành điểm thám sát thăm dò, khai quật nghiên cứu nhiều năm và thường xuyên về loại hình văn hóa (chuyển tiếp giữa Hậu kỳ Đá cũ với tiền văn hóa Hòa Bình) theo hướng bảo tồn tại chỗ, phát huy giá trị du lịch học thuật của ngành khoa học khảo cổ học Việt Nam.