Theo thông tin từ Đại học La Matanza tiết lộ hôm thứ Hai (7/1), bộ hoá thạch chưa được xác định tuổi gần như còn nguyên vẹn, bao gồm khoảng 70% xương của loài hươu từ thời tiền sử, cụ thể như xương sống, tứ chi và răng.
Phát hiện này đến từ một địa điểm trước đó từng tìm thấy 24 hóa thạch của các loài động vật có vú và bò sát từ thời xa xưa.
Một phần của bộ xương hoá thạch được tìm kiếm |
"Thật đáng kinh ngạc khi thấy các phần xương của loài vật này gần như vẫn giữ nguyên cấu tạo khi nó còn sống”, Jose Luis Aguilar, giám đốc Bảo tàng Cổ sinh vật học San Pedro, ở phía bắc tỉnh Buenos Aires, nói.
Theo các nhà khoa học, đây là hoá thạch xương của loài hươu thuộc chi Morenelaphus đã tuyệt chủng. Một số nghiên cứu đã khẳng định rằng Morenelaphus có từ thời đại Pleistocene, tồn tại từ 2,5 triệu cho đến khoảng 12.000 năm về trước. Cho tới ngày nay, loài này chỉ còn được biết đến thông qua những mảnh xương còn xót lại. Dựa theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khi còn sống loài hươu này có thể đạt cân nặng lên tới 200kg.
"Sự phát hiện về hoá thạch của loài động vật này giúp chúng tôi có thêm thông tin chi tiết một giai đoạn trong thời tiền sử, khi môi trường sống khá khác biệt so với bây giờ", ông Aguilar, người phát hiện ra bộ xương hoá thạch cho biết.