Mấy hôm nay, cộng đồng lại bàn tán, quan tâm nhiều đến quy định “ngoại tình” dẫn tới ly hôn có thể bị phạt tù. Nhiều người lo ngại, cho rằng đó là hình sự hóa quan hệ dân sự. Nhưng các chuyên gia pháp luật đều khẳng định, quy định này đã tồn tại từ lâu. Bộ luật Hình sự 2015 chỉ chi tiết hóa “hậu quả nghiêm trọng”mà Bộ luật trước đó quy định.
Bàn về vấn đề này, các luật sư cho rằng, ngay cả quy định từ Bộ luật trước cũng được áp dụng rất ít. Việc cụ thể hóa hậu quả trong điều luật này cũng khó có tính khả thi.
Phạt tù người ngoại tình có khả thi? (Ảnh minh họa)
Trao đổi với phóng viên Infonet, cựu thẩm phán, luật sư Phạm Công Út cho rằng quan trọng là “dâm tang, gian chứng”.
Thưa ông, Bộ luật hình sự năm 2015 có bổ sung thêm chi tiết về tội "vi phạm chế độ 1 vợ 1 chồng", khiến nhiều người rất quan tâm. Từ góc nhìn của luật sư, quy định này có gì khác trước?
Theo Điều 147 BLHS hiện hành thì tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, trừ trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, là phải có hậu quả nghiêm trọng. Nhưng mặt hạn chế của điều luật này là chưa có quy định cụ thể thế nào là hậu quả nghiêm trọng, do đó điều luật này gần như mất tính khả thi suốt một thời gian dài trong xã hội.
Khắc phục khiếm khuyết này, điều 182 BLHS năm 2015 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã quy định cụ thể hơn về hậu quả nghiêm trọng, cụ thể là “Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn”.
Ngoài ra, tại khoản 2 điều luật này của năm 2015 cũng quy định cụ thể tình tiết tăng nặng định khung hình phạt, cụ thể là: “Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát”.
Thực tiễn ông đã từng ở cương vị xét xử và sau này hành nghề luật sư nhiều năm, ông có bao giờ gặp trường hợp nào "phải đi tù vì ngoại tình” chưa?
Thực tế, cũng có trường hợp ngoại tình đã bị xử lý hình sự về hành vi này nhưng điều này cực hiếm, vì các chứng cứ chứng minh về hành vi bị xem là “chung sống như vợ chồng với người khác” rất khó chứng minh. Đó là một khái niệm mang yếu tố khoa học pháp lý không dễ áp dụng vào thực tiễn tư pháp.
Mặt khác, trong lịch sử nước ta từng tồn tại chế độ song hôn đến hiện nay. Ở miền Nam từ chế độ cũ trước đây, hoặc ở miền Bắc thì có quy định những người tập kết từ miền Nam ra Bắc, dù đã có vợ hoặc chồng ở quê nhà nhưng vẫn được kết hôn lần nữa do không biết được bao giờ mới thống nhất được đất nước. Các mối quan hệ song hôn này vẫn còn tồn tại đến ngày nay, phát sinh nhiều hệ lụy về tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân hoặc các quyên về thừa kế, hoặc các quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng với nhau...
Những tồn tại lịch sử này vẫn được luật pháp công nhận mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
Theo luật sư, lý do vì sao, điều luật này vẫn nằm trên giấy mà rất khó xử lý hình sự những người vi phạm?
Do điều luật này vừa không quy định cụ thể thế nào là chung sống như vợ chồng, thế nào là hậu quả nghiêm trọng, đồng thời, các nghi ngờ về ngoại tình vốn rất khó chứng minh theo nguyên tắc “dâm tang, gian chứng”.
Không thể xem việc bắt gặp “trai trên gái dưới” thì đó là hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Nhiều người quan niệm đơn giản, “ngoại tình là vi phạm pháp luật” chỉ bằng niềm tin của mình, biết được chồng hoặc vợ của mình đang ngoại tình với người khác rồi từ đó kết luận đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Nếu điều chỉnh như luật mới, liệu có thể xử lý được các trường hợp ngoại tình không, thưa luật sư?
Rào cản của điều luật này không chỉ là hậu quả nghiêm trọng mà là xác định hành vi thế nào là “chung sống như vợ, chồng” chứ không phải là hành vi “ngoại tình”. Do đó, dù hậu quả nghiêm trọng có xảy ra thì người vi phạm cũng tìm cách giải thích rằng, họ chỉ quan hệ... “trên mức tình cảm” chứ không thừa nhận việc họ lên giường thường xuyên với tình nhân, hoặc với... thủ trưởng, hoặc thường xuyên với người bán dâm là nữ, thậm chí bán dâm nam... là chung sống với đối tượng tình địch của nạn nhân như vợ hoặc chồng.
Quan điểm cá nhân của luật sư, ý nghĩa của việc thay đổi chi tiết quy định này là gì, nó có tác động thế nào với xã hội?
Theo tôi, điều luật phải cụ thể hóa hành vi thế nào là sống chung như vợ chồng thì có thể sẽ đi vào đời sống, bảo vệ được các mối quan hệ hôn nhân hợp pháp, bảo vệ được hạnh phúc của các gia đình bằng pháp luật.
Xin cảm ơn luật sư!
Theo Infonet